Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Giàng Seo Giáo

Tráng Xuân Cường - 15:21, 21/06/2021

Ông Giàng Seo Giáo, 54 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư là người tiên phong trong phong trào nông dân sản xuất giỏi tại huyện Bắc Hà (Lào Cai). Với mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp vườn- chuồng- rừng đã phát huy hiệu quả cao, đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

Hơn 10 năm qua, ông Giàng Seo Giáo là điển hình trong chăn nuôi gia súc tại xã Tả Văn Chư.
Hơn 10 năm qua, ông Giàng Seo Giáo là điển hình trong chăn nuôi gia súc tại xã Tả Văn Chư.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn đồi, chuồng trại, ông Giàng Seo Giáo cởi mở chia sẻ câu chuyện sản xuất, phát triển kinh tế của gia đình. Hơn chục năm về trước, gia đình ông cũng nghèo như bao gia đình người Mông ở xã vùng cao Tả Văn Chư. Ông Giáo nhận thấy nhà mình có đất sản xuất, nhưng nếu chỉ trồng cây ngô, cây lúa thì thu nhập không được bao nhiêu.

Với bản chất cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Ông tranh thủ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân mình. Khi bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Giáo tập trung vào phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, phát triển cây dược liệu, cây ăn quả đặc sản của địa phương như mận tam hoa, mận hậu, tả hoàng và cây lê tai nung...

Ông Giáo còn chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Ông đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, chủ động trồng cỏ voi, sử dụng sản phẩm nông nghiệp như: ngô, lúa, cám ngô, gạo... phục vụ nuôi trâu bò, lợn và gia cầm; chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn trâu, bò. Nhờ đó hơn 10 năm nay, gia đình ông Giáo là hộ đi đầu về chăn nuôi đại gia súc ở Tả Van Chư với số lượng duy trì trên 20 con trâu, bò. Đầu năm nay, gia đình ông Giáo vừa bán 2 con trâu nghé, thu về gần 50 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi gia súc đạt hiệu quả, ông Giáo cho biết: "Hàng năm, mình đều mua thuốc tiêm phòng cho trâu, bò. Ở vùng cao, khổ nhất là mùa đông lạnh giá, rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến vật nuôi, vì vậy, mình phải làm chuồng trại kiên cố, kín đáo che chắn gió giữ ấm cho trâu, bò. Trước đó, phải tích trữ rơm, trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc những ngày rét đậm, rét hại; cho trâu, bò uống nước ấm pha muối, nấu cháo loãng, nấu cám ngô để bổ sung sức đề kháng cho trâu, bò. Chăm sóc cẩn thận như vậy nên những năm qua, đàn gia súc nhà mình không có con nào bị chết đói, chết rét, dịch bệnh”.

Vợ, con ông Giáo làm đất để gieo trồng cây dược liệu cát cánh.
Vợ, con ông Giáo làm đất để gieo trồng cây dược liệu cát cánh..

Từ năm 2017 đến nay, gia đình ông Giáo còn tiên phong đi đầu trồng cây dược liệu đương quy và cát cánh ở địa phương. Năm 2020, từ thu hoạch hơn 0,3 ha cây dược liệu cát cánh và 0,2 ha cây dược liệu đương quy, mang lại thu nhập cho gia đình gần 100 triệu đồng, lãi cao gấp 5- 6 lần trồng ngô, lúa. Năm 2021, gia đình ông Giáo mở rộng thêm 1ha diện tích cây dược liệu cát cánh.

Ngoài ra, từ đồi mận và lê, mỗi năm mang gia đình ông Giáo thu nhập từ 20-50 triệu đồng. Không chỉ sản xuất, chăn nuôi, ông Giáo còn mở thêm xưởng mộc, tạo thêm nguồn thu đáng kể cho gia đình. Với tổng nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi và làm mộc, bình quân mỗi năm ông Giáo có thu nhập gần 200 triệu đồng.

Ông Tráng Seo Sảng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tả Văn Chư cho biết: "Gia đình ông Giáo được công nhận là hộ sản xuất và kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Mô hình kinh tế vườn- chuồng- rừng, với trọng tâm là cây dược liệu, cây ăn quả đặc sản và chăn nuôi gia súc của gia đình ông rất phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi ở vùng cao. Mô hình này đã được nhiều hội viên đến tham quan, học tập để nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.