Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Hà Nội giới thiệu 29 báu vật Hoàng cung đến công chúng

Nguyệt Anh - 10:26, 12/09/2022

Hà Nội đã lựa chọn 29 hiện vật tiêu biểu nhất trong hàng triệu hiện vật khai quật được tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long để giới thiệu đến công chúng.

Bát gốm hoa lam, thành ngoài và trong lòng vẽ rồng. Đồ dùng của nhà vua thời Lê sơ thế kỷ 15.
Bát gốm hoa lam, thành ngoài và trong lòng vẽ rồng. Đồ dùng của nhà vua thời Lê sơ thế kỷ 15.

Nhân kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Công ước 1972, 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long (2002-2022), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Viện Nghiên cứu Kinh thành ra mắt không gian Trưng bày thường xuyên mang chủ đề “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”.

Chậu gốm hoa nâu, thân trang trí chim và hoa sen, thời Trần thế kỷ 13-14.
Chậu gốm hoa nâu, thân trang trí chim và hoa sen, thời Trần thế kỷ 13-14.

Tại không gian trưng bày mang tên “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”, Ban Tổ chức giới thiệu 29 cổ vật tiêu biểu, đặc sắc trong Hoàng cung Thăng Long. Đây là những đồ dùng, vật dụng quan trọng, phục vụ từ cuộc sống sinh hoạt thường nhật đến các buổi thiết đãi yến tiệc của nhà vua và triều đình vào các dịp đại lễ, đăng quang hay sinh nhật nhà vua; các đồ tự khí trong các tôn miếu hay vật trang hoàng nội thất nhằm tôn lên vẻ quyền quý, cao sang của chốn cung đình.

Bình rượu men trắng, vòi tạo hình đầu rồng, quai đuôi rồng vai có chân rồng. Đồ dùng của nhà vua thời Lê sơ thế kỷ 15.
Bình rượu men trắng, vòi tạo hình đầu rồng, quai đuôi rồng vai có chân rồng. Đồ dùng của nhà vua thời Lê sơ thế kỷ 15.

Bên cạnh đó, buổi trưng bày cũng giới thiệu một số đồ trang sức, mảnh vàng trang trí trên đồ dùng, vật dụng, thanh gươm cẩn tam khí biểu trưng quyền lực hay lệnh bài của triều đình.

Những hiện vật này được chia làm ba không gian trưng bày: Không gian giới thiệu các hiện vật thời Lý- Trần; Không gian giới thiệu hiện vật thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Không gian phía ngoài tạo điểm nhấn với các hiện vật lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng như: Chậu đất nung thời Trần có kích thước lớn nhất từ trước đến nay, mô hình kiến trúc men xanh thời Lê sơ…

Chậu lớn đựng nước, vai trang trí khắc chìm văn đồng tiền và đắp nổi văn cánh sen, thời Trần thế kỷ 13-14.
Chậu lớn đựng nước, vai trang trí khắc chìm văn đồng tiền và đắp nổi văn cánh sen, thời Trần thế kỷ 13-14.

Không gian trưng bày độc đáo, nổi bật hơn với những hình ảnh trình chiếu tái hiện cung điện nhà Lý và bức tường bao thể hiện sự tươi đẹp bốn mùa trong hoàng cung xưa kia.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên giới thiệu công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của hiện vật để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng hoàng cung Thăng Long.

Đĩa gốm vẽ nhiều màu, đồ dùng của nhà vua thời Lê sơ.
Đĩa gốm vẽ nhiều màu, đồ dùng của nhà vua thời Lê sơ.

Việc kết hợp phương pháp trưng bày tĩnh và động, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng cảm nhận tận cùng vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật hoàng cung - những bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long hơn một ngàn năm về trước.

Năm 2002, những di vật khảo cổ đầu tiên phát lộ tại khu đất số 18, phố Hoàng Diệu. Kể từ đó, ngành khảo cổ Việt Nam đã phát hiện hàng triệu di vật liên quan đến sự ra đời, phát triển của Hoàng thành Thăng Long trong suốt chiều dài nghìn năm lịch sử. Trong số các hiện vật ấy, có nhiều hiện vật cung đình. Đây là những hiện vật tiêu biểu nhất cho kỹ thuật, mỹ thuật Việt Nam qua các thời đại.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.