Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hậu xếp hạng các di tích - Câu chuyện còn dài...

Hồng Phúc - 18:35, 21/12/2021

Chúng ta tự hào khi ngày càng nhiều địa phương sở hữu những di tích lịch sử được xếp hạng. Thế nhưng sau khi được xếp hạng, đời sống của di tích như thế nào lại là một câu chuyện dài với nhiều bất cập.


Ngoài Nhà truyền thống, Di tích địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn rất sơ sài
Ngoài Nhà truyền thống, Di tích địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn rất sơ sài

Đằng sau danh hiệu

Năm 2016, địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (năm 1950), tại xã Phú Xuyên (Đại Từ, Thái Nguyên) được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm được công nhận, Di tích vẫn còn khá sơ sài.

Đến nay, địa điểm này vẫn không có gì thay đổi so với Nhà truyền thống được Công đoàn Công nghiệp Việt Nam xây dựng trên nền hội trường 8 mái khi xưa với diện tích khoảng 160m2 và bia ghi dấu sự kiện đặt trong khuôn viên Di tích. Hiện vật bên trong Nhà truyền thống cũng khá khiêm tốn, chỉ có 2 bức ảnh tư liệu chụp tại Đại hội đại biểu Công đoàn toàn quốc lần thứ Nhất. Ngoài ra, một số bộ bàn ghế phục vụ các buổi sinh hoạt của người dân xóm Tân Lập cũng được đặt tại đây.

Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên cho biết: Trong số các di tích được xếp hạng, tỷ lệ di tích có lượng du khách tham quan thường xuyên không nhiều, một phần do công tác quảng bá, giới thiệu về di tích còn hạn chế… Điều này dẫn tới một số di tích bị lãng quên, chưa phát huy hết giá trị.

Tương tự vậy, di chỉ khảo cổ Phôi Phối – Bãi Cọi (thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được các chuyên gia đánh giá là nơi giao thoa của hai nền văn hóa nổi tiếng của Việt Nam là văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh, đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 2013. Tuy nhiên, sau 7 năm được xếp hạng, di chỉ vẫn chỉ là bãi đất trống không biển báo, chỉ dẫn, không rào chắn. Đặc biệt, di chỉ đang ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng bởi nạn “cát tặc” và những người đi săn đồ cổ.

Di tích lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tôn vinh quá khứ, đề cao phẩm giá con người và đạo lý dân tộc “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” mà còn  có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho  mọi tầng lớp nhân dân (nhất là thế hệ trẻ). Mỗi di tích góp phần làm cho thế hệ hôm nay càng hiểu biết nhiều hơn truyền thống văn hóa - lịch sử của địa phương, đất nước. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tôn trọng, giữ gìn quá khứ.

Hiện tại, trên cả nước có đến 4.000 di tích được xếp hạng Quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Con số di tích xếp hạng tăng lên nhưng những di tích đã được xếp hạng bị xuống cấp do chưa được bảo tồn và trùng tu kịp thời lại là một thực trạng đang diễn ra hằng ngày.

Sau khi xếp hạng, di tích trở thành một phần tự hào của cộng đồng. Việc xếp hạng di tích nhằm để cộng đồng nhận diện và bảo vệ giá trị, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di tích. Nhưng từ thực tế, đang có hàng trăm di tích, di sản sau khi xếp hạng vẫn im lìm, thậm chí đang đứng trước nguy cơ bị huỷ hoại. 

Nhà nghiên cứu Di sản văn hoá - TS Nguyễn Đức Bá (Giảng viên Đại học Văn hoá Hà Nội - chuyên viên Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo) cho biết: “Có một nghịch lý là nếu Di tích xếp hạng cấp Quốc gia thì nguồn trùng tu, tôn tạo sẽ do Bộ Văn hoá - Thể Thao & Du lịch cấp. Di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố thì nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo sẽ do địa phương cấp. Chỉ có điều nguồn kinh phí đấy eo hẹp, thực sự là không đủ để trùng tu, tôn tạo. Có khi chi cho một khu di tích đấy chỉ khoảng 1 tỷ, nhưng muốn trùng tu, tôn tạo thực sự phải mất đến cả chục tỷ, có nghĩa là gấp 10 lần”.


Di chỉ khảo cổ Phôi Phối – Bãi Cọi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhưng người dân tận dụng để chăn thả trâu bò. Ảnh: Khánh Chi
Di chỉ khảo cổ Phôi Phối – Bãi Cọi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhưng người dân tận dụng để chăn thả trâu bò. Ảnh: Khánh Chi

Để di tích sống cùng đời sống xã hội

Cùng với các di sản phi vật thể, hệ thống các di tích, chính là nguồn tài sản vô giá mà các thế hệ tiền nhân đã để lại, là minh chứng cho bề dày lịch sử, bản sắc văn hóa của địa phương. Do vậy, không thể chỉ trông chờ vào một nguồn duy nhất là ngân sách nhà nước để bảo tồn, tu bổ mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng, đóng góp cả về vật chất và tinh thần cho công tác bảo tồn di tích.

Thực tế cho thấy, xã hội hóa được xem là giải pháp then chốt trong huy động nguồn lực để trùng tu, tu bổ các di tích. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn gặp khó khăn do việc huy động xã hội hóa, vì di tích liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và các vấn đề xã hội khác như: phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng...cần phải được nghiên cứu cẩn trọng.

Các chuyên gia đều cho rằng, cần phải xây dựng các đề án xã hội hóa trong công tác bảo tồn tôn tạo di tích gắn với khai thác phát triển du lịch, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt có lợi thế; mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng liên kết hợp tác, hình thành các điạ chỉ du lịch hấp dẫn gắn với di tích lịch sử văn hóa. Theo PGS. TS Dương Văn Sáu (Đại học Văn hóa Hà Nội), có thể áp dụng phương pháp "bảo tồn động", tức là cho di tích này "sống" cùng đời sống xã hội, đặc biệt là gắn nó với hoạt động du lịch.

Tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc cho rằng, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử là trách nhiệm chung của tất cả những người đang sinh sống tại địa phương. Theo đó, cần xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, trong Luật Di sản cần có những sự điều chỉnh phù hợp để bảo vệ những công trình chưa được xếp hạng.

Hơn nữa, hiện nay, nhiều địa phương chưa có cán bộ chuyên trách về công tác di tích. Do đó việc đi sâu, đi sát vào lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn. Một số di tích lịch sử đã đi vào hoạt động, nhưng địa phương chưa bố trí được cán bộ thuyết minh. Khi khách du lịch đến tham quan thì lúng túng trong giới thiệu, quảng bá; không có cán bộ để điều hành dẫn giải, dẫn đến lỗ hổng trong khai thác giá trị di sản văn hóa của địa phương, làm cho ý nghĩa, vai trò, công năng... của công trình lịch sử không được phát huy đầy đủ.

Vậy nên, cần có một chiến lược cụ thể, cần sự đồng hành của nhiều phía, đặc biệt là người dân địa phương thì giá trị của di tích mới thực sự được tồn tại phát huy lan tỏa đúng nghĩa đến muôn đời sau...

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.