Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Hiệu quả từ chọn đúng nghề để dạy và học

Hồng Phúc - 09:40, 25/11/2019

Hiện nay, nhiều lao động ở tỉnh Cao Bằng đã bắt đầu chọn nghề sửa chữa máy móc để theo học, vì nhận ra tiềm năng phát triển ở khu vực nông thôn, miền núi khi nông nghiệp đang dần dần được cơ giới hóa.

Nghề sửa chữa máy nông nghiệp là hướng đi tiềm năng ở các địa phương miền núi.
Nghề sửa chữa máy nông nghiệp là hướng đi tiềm năng ở các địa phương miền núi.

Năm 2017, sau khi tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp, anh Nông Văn Chuyên, xóm Pác Đông, xã Phong Nặm (Trùng Khánh) đã vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 40 triệu đồng, cùng số vốn liếng hai vợ chồng anh tích góp để mở cửa hàng.

Anh Chuyên cho biết, ngày trước, gia đình anh có máy cày, máy tuốt lúa, nếu hỏng hóc phải đi sang các xã lân cận để sửa, vừa tốn tiền lại mất thời gian chờ đợi đi lại nên anh đã quyết định mở cửa hàng để lo sửa chữa máy móc của mình, đồng thời giúp đỡ bà con. Công việc này giúp gia đình anh có thu nhập trên 6 triệu đồng mỗi tháng, có khi lên đến 10 triệu đồng khi mùa vụ. Anh còn nhận dạy những bạn trẻ có nhu cầu học nghề ở địa phương.

Đầu tháng 11 vừa qua, lớp Bồi dưỡng kiến thức sửa chữa máy nông cụ năm 2019 đã được khai giảng tại xã Lương Thông, huyện Thông Nông. Học viên tham gia lớp học là nông dân thuộc xã Lương Thông và xã Cần Yên, huyện Thông Nông. Trong thời gian học tập, các học viên được giáo viên của Trường Trung cấp nghề tỉnh truyền đạt kiến thức gồm các nội dung: Nguyên lý cấu tạo của động cơ, các bộ phận công tác, định mức sử dụng nhiên liệu, kỹ thuật vận hành, cách khắc phục các hư hỏng thường gặp và các biện pháp an toàn trong khi sử dụng máy… Từ những lớp học này, người lao động đã biết những kỹ năng đơn giản sửa chữa máy móc cho gia đình, người thân và bạn bè.

Đặc biệt, theo số liệu của tỉnh Cao Bằng, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 55 nghìn máy móc các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp, phổ biến như máy cày, máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn… Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhiều người dân sử dụng chưa đúng cách nên gây ra một số hỏng hóc phải sửa chữa, thay thế linh kiện phụ tùng hoặc bảo hành, trong khi các đại lý thường ở xa. Vì vậy, các học viên, nhất là những học viên sinh sống ở những vùng xa, vùng khó khăn có thể tận dụng kiến thức, kinh nghiệm từ các giảng viên để chuyển đổi nghề tiềm năng là sửa chữa máy nông nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhiều cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp được ra đời. Mặc dù là nghề phi nông nghiệp, nhưng do tính chất gần gũi với sản xuất nông nghiệp nên đây là một ngành nghề rất có tiềm năng; bởi số lượng máy nông nghiệp ở các xã, huyện đang tăng nhanh chóng sẽ kéo theo nhu cầu sửa chữa máy móc rất lớn.

Ở miền núi, dân cư sống thưa thớt, việc máy móc dụng cụ lao động hỏng thường gây khó khăn cho sản xuất. Chính vì vậy, việc đào tạo dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động sẽ góp phần giúp nông dân tự tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại hóa, tăng năng suất lao động, giảm bớt lao động thủ công, tạo thêm việc làm góp phần phát triển ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp của địa phương.

Ở miền núi, dân cư sống thưa thớt, việc máy móc dụng cụ lao động hỏng thường gây khó khăn cho sản xuất. Chính vì vậy, việc đào tạo dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động sẽ góp phần giúp nông dân tự tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại hóa, tăng năng suất lao động

Tin cùng chuyên mục
Luật tục trong đời sống đồng bào Tây Nguyên

Luật tục trong đời sống đồng bào Tây Nguyên

Văn hóa các DTTS ở Tây Nguyên là môi trường để hình thành luật tục, trở thành nguồn tư liệu dân gian quý giá, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa từng dân tộc. Những bài ca luật tục là minh chứng tạo nên giá trị tinh thần, có chức năng tự điều chỉnh và tự giáo dục cho các thành viên trong cộng đồng, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững cho khu vực Tây Nguyên.