Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm

Mai Hương - 14:50, 15/05/2024

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Sơn La đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể triển khai hiệu quả chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Nhờ nguồn vốn từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình ông Lò Văn Toán, bản Heo Trại, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nhờ nguồn vốn từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình ông Lò Văn Toán, bản Heo Trại, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Vốn vay ưu đãi đến tay người dân kịp thời đã tiếp động lực cho nhiều cá nhân, hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp đã hình thành; các làng nghề truyền thống được khôi phục… góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nhiều năm qua, cái nghèo vẫn đeo đuổi gia đình ông Lò Văn Toán, bản Heo Trại, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Mặc dù, 2 vợ chồng ông Lò Văn Toán luôn chăm chỉ lao động sản xuất tuy nhiên cả năm chỉ quanh quẩn bên 1.000m2 ruộng cũng chỉ giúp gia đình ông bà không bị đói nhưng chưa thể thoát nghèo. Năm 2015, qua tổ chức Hội Nông dân xã, gia đình ông được vay 10 triệu đồng mua giống cây cà phê. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tích góp và hiệu quả từ cà phê mang lại. Năm 2021, gia đình ông Toán đã thoát nghèo. Tháng 6/2023, ông tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 100 triệu đồng để mở rộng diện tích sản xuất cây cà phê kết hợp chăn nuôi.

Ông Toán phấn khởi cho biết: Nhờ có vốn vay chính sách mà gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế. Với hơn 1 ha cà phê vụ vừa qua, gia đình thu lãi 40 triệu đồng. Nâng cao thu nhập, năm nay gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng 1ha cây cà phê nữa.

Tại các điểm giao dịch xã, Ngân hàng CSXH niêm yết công khai về các chính sách, các chương trình tín dụng chính sách, các quy trình, các thủ tục liên quan.
Tại các điểm giao dịch xã, Ngân hàng CSXH niêm yết công khai về các chính sách, các chương trình tín dụng chính sách, các quy trình, các thủ tục liên quan.

Hay như gia đình anh Lường Văn Thường, bản Bỉa, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu là hộ nghèo của bản. Năm 2023, gia đình anh được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách 100 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Hiện nay, gia đình anh có 6 con bò đực, 6 con lợn, chăm sóc 5.000 m2 cà phê. Anh Thường còn mở thêm nghề sửa chữa xe máy, thu nhập của gia đình ngày càng được nâng lên.

Ông Tòng Văn Lượng, Tổ trưởng Tổ vay vốn bản Bỉa, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu cho biết: Đến nay, tổng dư nợ của Tổ Tiết kiệm và vay vốn bản Bỉa đạt 3,4 tỷ đồng với 58 hộ vay vốn đang còn dư nợ. Các chương trình vốn vay ưu đãi được người dân tiếp cận chủ yếu là: Cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Hộ vay nhiều nhất là 25 triệu đồng, vay ít nhất là 120 triệu đồng.

Để nguồn vốn vay đạt hiệu quả, đúng mục đích, khi các hộ có nhu cầu vay vốn, tổ vay vốn phối hợp với cán bộ ngân hàng phụ trách xã tiến hành kiểm tra, đánh giá về mô hình, dự án các hộ dự kiến triển khai. Nếu dự án, mô hình có tính khả thi, triển vọng về hiệu quả kinh tế thì tổ sẽ giải ngân vốn. Sau khi nguồn vốn đến tay người dân, tổ vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình các hộ sử dụng nguồn vốn vay. Đối với tổ vay vốn, hiện nay, 100% các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhiều mô hình kinh tế của các hộ đã bắt đầu cho hiệu quả về kinh tế.

Ông Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Sơn La cho biết: Xác định chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Gia đình anh Lường Văn Thường, bản Bỉa, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu phát triển chăn nuôi nhờ nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH.
Gia đình anh Lường Văn Thường, bản Bỉa, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu phát triển chăn nuôi nhờ nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH.

Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh đến xã, thôn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, cán bộ phòng giao dịch chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, đây là một trong số các chương trình tín dụng hiệu quả nhất của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh trong thời gian qua. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào phát triển trang trại, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững. Trong quá trình triển khai, cùng với tăng cường tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ông Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Sơn La cho biết thêm.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng nghìn mô hình, dự án với trên 16 nghìn lượt hộ dân được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm. Tổng dư nợ đạt trên 906 tỷ đồng. Qua đó tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để người lao động có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng, từ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ quất miền Trung nhộn nhịp mùa Tết

Thủ phủ quất miền Trung nhộn nhịp mùa Tết

Hội An (Quảng Nam) được xem như “thủ phủ quất” của miền Trung, với hàng chục ngàn chậu được đưa đến tay khách hàng mỗi khi dịp Tết đến Xuân về. Riêng trong năm nay, với thời tiết thuận lợi, quất cảnh sinh trưởng tốt, đến nay thương lái đã đặt mua gần hết khiến cho nhiều chủ vườn phấn khởi.