Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi diện mạo vùng cao Tánh Linh

Minh Thu - 12:38, 22/12/2023

Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có 13 DTTS cùng sinh sống, Những năm trước đây, đời sống kinh tế của đồng bào chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, thậm chí có những gia đình mùa giáp hạt vẫn thiếu ăn. Gần đây, với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ở Tánh Linh đã có nhiều đổi thay.

      

Ngày hội của đồng bào DTTS ở huyện Tánh Linh.
Ngày hội của đồng bào DTTS ở huyện Tánh Linh.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Tánh Linh tập trung vào các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Bà con không chỉ được hỗ trợ vốn mà còn được trực tiếp hỗ trợ cây giống, phân bón, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi, sản xuất… Nhờ vậy, tập quán canh tác lạc hậu, kém hiệu quả trước đây đã dần được xóa bỏ, thay vào đó là các mô hình sản xuất đem lại thu nhập ổn định.

Xã La Ngâu là một trong những địa bàn khó khăn nhất của huyện Tánh Linh. Nơi đây được gọi là xã thuần đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là dân tộc Cơ Ho với tỷ lệ hộ nghèo gần 30%.

Trước đây, gia đình ông Lương Cao Trí cũng như nhiều bà con khác trong xã La Ngâu có lối sống du canh, thu nhập chẳng được bao, đất sản xuất lại không có nên nhiều năm cuộc sống vẫn khó khăn. Nay ông được xã cấp đất sản xuất, lại được hỗ trợ kiến thức trồng trọt, gia đình đã dùng phần lớn diện tích đất để trồng giống bắp lai và một số cây trồng khác. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, ông mua thêm bò về tăng gia sản xuất. Cuộc sống của gia đình ông không chỉ ổn định hơn mà kinh tế cũng khá hơn trước nhiều.

Mô hình trồng bắp lai của đồng bào DTTS ở xã La Ngâu.
Mô hình trồng bắp lai của đồng bào DTTS ở xã La Ngâu.

Gia đình ông Lý Tuyết Linh thời gian đầu mới đến xã La Ngâu lập nghiệp vì chưa có vốn nên chủ yếu nguồn thu nhập của gia đình phụ thuộc và việc hái nấm, hái măng trên rừng, làm thuê. Nguồn thu nhập bấp bênh chỉ đủ để gia đình ông Linh sống qua ngày. Thấy nhiều mô hình nuôi heo trong xã thành công, gia đình ông Linh đã được chính quyền hỗ trợ vốn để mua heo về nuôi. Áp dụng những kinh nghiệm nuôi heo rừng, heo đen của bà con trong thôn, heo của gia đình ông Linh cũng lớn nhanh, mạnh khỏe. Được địa phương hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất, ông Linh mua thêm heo và 2 con bò sinh sản, nhờ đó thu nhập của gia đình cũng ổn định hơn. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, ông Linh mua thêm rẫy để trồng điều. Đến nay ông đã có hơn 20 con heo lấy thịt và sinh sản, nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt đã giúp ông có thể xây dựng căn nhà mới khang trang, rộng rãi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Mẽng cũng thuộc diện hộ nghèo của xã La Ngâu những năm trước. Do thiếu kỹ năng chăn nuôi, canh tác, mỗi khi giáp hạt gia đình ông vẫn luôn bị đói ăn. Được chính quyền hỗ trợ đất sản xuất, gia đình ông Mẽng đã vay mượn để mua 2 con bò giống phát triển chăn nuôi. Sau khi bò đẻ, ông lại tiếp tục gây giống, cứ như vậy nay đàn bò của ông đã có chục con. Dựa vào số vốn có được từ việc bán bò, ông Mẽng tiếp tục đầu tư vào trồng cao su để mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập. Từ hộ nghèo của xã, nay gia đình ông đã thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều.

Ngoài những hỗ trợ thiết thực, cụ thể từ phía chính quyền, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Tánh Linh đã được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời mở rộng diện tích các loại cây lúa, bắp, mì, mè và đầu tư chăn nuôi thêm các loại gia súc như bò, dê, cừu.

Đồng bào DTTS ở xã La Ngâu được hướng dẫn cách chăm sóc, lấy mủ cao su.
Đồng bào DTTS ở xã La Ngâu được hướng dẫn cách chăm sóc, lấy mủ cao su.

Để tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, huyện Tánh Linh chú trọng việc liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi như chương trình trồng cỏ và bắp rồi ủ men ra thành phẩm thức ăn gia súc đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi các thị trường khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hay mô hình trồng rau cạn lên đến 900ha với các loại đậu xanh, đậu đen, mè… đem lại năng suất trung bình 10,94 tạ/ha. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến việc phát triển lợi thế về rừng bằng cách nhân rộng các mô hình trồng, chế biến cao su và một số loại cây khác như tiêu, điều. Toàn huyện đã có 4.500ha điều, 22.000ha cao su, 300ha tiêu… đạt sản lượng cao.

Cùng với đó, huyện Tánh Linh cũng huy động các nguồn vốn đề đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có một số công trình trọng điểm tại xã La Ngâu. Cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư nâng cấp, bê tông hóa, nhựa hóa đường giao thông; hệ thống nước sạch, thủy lợi, điện sinh hoạt; hỗ trợ xây dựng nhà ở; xây dựng hệ thống trường, trạm y tế, nhà văn hóa…

Thực hiện Chương trình mục MTQG 1719, chính quyền huyện Tánh Linh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai các dự án, phân bổ các nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án một cách đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.