Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Hồ Ê Nót- Người mang “mùa xuân” về bản

Phạm Tiến - 06:47, 25/07/2024

Chúng tôi tìm về thăm nhà anh Hồ Ê Nót ở xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) vào những ngày giữa tháng 7. Trong căn nhà sàn vững chãi nằm cạnh bờ sông Đakrông, anh Hồ Ê Nót tủm tỉm cười khi nói: “Nót từng làm Trưởng thôn, Chi hội trưởng “phụ trách” chị em... chú ạ”.

Anh Hồ Ê Nót ở thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông kể về những tháng ngày vận động bà con từ bỏ rượu bia
Anh Hồ Ê Nót ở thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông kể về những tháng ngày vận động bà con từ bỏ rượu bia

Nỗ lực vì thôn bản không rượu bia

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn ấm cúng nằm cạnh sông Đakrông, Hồ Ê Nót gây ấn tượng với tôi bởi lối nói chuyện dứt khoát, ánh mắt cương nghị, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát. Có lẽ cũng vì thế mà trong khoảng thời gian làm đại biểu HĐND xã và Trưởng thôn, anh Hồ Ê Nót đã có nhiều việc làm thiết thực, đóng góp vào sự phát triển của buôn làng.

Ngay gian chính căn nhà sàn, là một tủ thuốc chữa bệnh gắn chữ “miễn phí”. Bên trong gồm nhiều loạt thuốc, bông, băng, gạc và có cả... thuốc tránh thai và bao cao su. Đoán được ý tôi, anh nói ngay: “Tủ thuốc này có từ năm 1997, thời mình làm cán bộ y tế thôn bản, kiêm Chi hội trưởng phụ nữ thôn. Đến năm 2002, chắc có lẽ nhờ “quản lý” chị em tốt nên tôi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Rồi tiếp tục được bà con tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã Đakrông nhiệm kỳ 2011-2016. Năm 2020, thôn Cu Pua sáp nhập vào thôn Vùng Kho, tôi tiếp tục là đại biểu HĐND xã Vùng Kho nhiệm kỳ 2021-2026".

Điều đặc biệt là, trước cửa nhà Hồ Ê Nót cũng như toàn bộ người dân trong thôn Vùng Kho đều ghi dòng chữ song ngữ Bru Vân Kiều và Tiếng Việt: “Vil tơ bửn nguãiq bloong bia - Thôn không uống rượu, bia”. 

Anh Hồ Ê Nót lý giải điều này cũng theo một cách rất riêng biệt. Anh kéo tôi ra khúc cua trên Quốc lộ 9 rồi chỉ vào hai vết sẹo lồi đỏ ửng trên đầu gối mình rồi nói: “Cách đây 12 năm, do say rượu mà tôi bị tai nạn gãy hai chân. Sau 7 tháng điều trị tôi mới đi lại được. Tôi may mắn hơn nhiều người bị tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đã hơn 10 năm nay, rượu bia đã không còn hiện hữu trong đời sống đồng bào Bru Vân Kiều ở thôn Vùng Kho
Đã hơn 10 năm nay, rượu bia đã không còn hiện hữu trong đời sống đồng bào Bru Vân Kiều ở thôn Vùng Kho

Sau tai nạn, anh lăn lộn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền từng người dân” về tác hại của rượu, bia. Anh còn tổ chức họp thôn đưa ra quy định không uống rượu, bia vào hương ước của thôn. Theo đó, đám ma, đám cưới hay liên hoan chỉ dùng nước ngọt, trà, cà phê, nước lọc...

Anh phân công cán bộ thôn đảm nhiệm từng hộ dân; đến nhờ các già làng, Người có uy tín giải thích cho bà con hiểu. Tuy nhiên, ban đầu cái lý “uống rượu, bia, lái xe là quyền của ta” vốn ăn sâu vào tiềm thức nên thực sự khó lay chuyển bà con. Không nản chí, anh Hồ Ê Nót đi khắp thôn, bản, nói bằng cái tâm, bằng cả bài học suýt mất mạng của mình. 

Anh còn phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội huyện cung cấp tài liệu, phim, ảnh về tác hại bia rượu, tai nạn giao thông để tuyên truyền, vận động bà con. Dần dần nhiều người tin, ủng hộ anh Nót. Từ khi Hồ Ê Nót kêu gọi, vận động bà con bỏ bia, rượu, thực hiện nếp sống văn hóa mới thì rượu, bia đã không còn hiện hữu trong đời sống của bà con Bru Vân Kiều ở thôn Vùng Kho. Hơn 10 năm không uống rượu, bia là hơn 10 năm giảm hẳn tai nạn giao thông vì rượu, bia.

Anh Hồ Ê Nót (người mặc trang phục truyền thống Bru Vân Kiều) bên điểm trường thôn Vùng Kho
Anh Hồ Ê Nót (người mặc trang phục truyền thống Bru Vân Kiều) bên điểm trường thôn Vùng Kho

Đi đầu hiến đất

Năm 2002, khi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, anh rất trăn trở khi thấy trẻ em đi học xa, hiểm nguy rình rập bởi xe trọng tải lớn và lũ quét. “Là đại biểu trung thành cho lợi ích của dân, phải hành động vì dân” - Nghĩ vậy, nên khi biết huyện có dự án xây điểm trường ở thôn nhưng đang thiếu địa điểm, anh liền bàn với gia đình tình nguyện hiến đất xây điểm trường. Kể từ đó, đã hơn 20 năm, hàng trăm trẻ em thôn Cu Pua trước đây, thôn Vùng Kho ngày nay không phải đứt học giữa chừng.

Không chỉ học sinh mà nhờ có điểm trường thuận lợi, các thầy, cô giáo cũng có thêm nhiều động lực để bám bản, gieo chữ. Thấy điểm trường còn hơi chật hẹp, không có chỗ ở cho các giáo viên dưới xuôi lên, anh Nót dỡ luôn chái bếp của gia đình để làm chỗ ở cho giáo viên.

Chưa dừng lại ở đó, một thời gian sau, thôn thiếu đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng, gia đình anh tiếp tục hiến  850 mét vuông đất nhà mình phía trước điểm trường tiểu học để xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Tính đến nay, gia đình anh Hồ Ê Nót đã hiến 1.000 mét vuông đất.

Anh Hồ Ê Nót (thứ 3 từ phải sang trái) cùng với bộ đội Biên phòng hướng dẫn bà con trồng cây lâm nghiệp
Anh Hồ Ê Nót (thứ 3 từ phải sang trái) cùng với Bộ đội Biên phòng hướng dẫn bà con trồng cây lâm nghiệp

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đakrông - Hồ Văn Dưm không tiếc lời: “Cái công của Hồ Ê Nót đối với bà con Cu Pua, Vùng Kho nhiều như lá cây trên rừng vậy. Việc hiến đất, tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, nói không với bia, rượu... đến nay vẫn được duy trì và nhân rộng. Có những cán bộ cơ sở hết lòng vì dân như anh Nót, chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng với người dân thôn Vùng Kho”.

Bao năm tham gia công tác xã hội, anh Hồ Ê Nót đảm trách nhiều "vai", từ Chi hội Trưởng Hội Phụ nữ, Tổ trưởng Tổ vay vốn ưu đãi, Trưởng thôn, đại biểu HĐND xã, anh luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động để bà con học tập và noi theo. Nhiều hộ đồng bào Bru Vân Kiều thôn Vùng Kho nhìn nhận Hồ Ê Nót là người góp phần mang “mùa xuân” ấm áp, bình yên đến với bản làng.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.