Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Trưởng thôn Vừ Mí Hờ với sự đổi thay ở Sán Sì Lủng

Hà Linh - 19:17, 05/07/2024

Những năm gần đây, cuộc sống, nhận thức của đồng bào Mông ở thôn Sán Sì Lủng, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang đã có nhiều đổi thay tích cực; các hủ tục trong nếp sống cũ dần được đẩy lùi. Có được những chuyển biến tích cực đó là nhờ một phần đóng góp không nhỏ trong công tác vận động, tuyên truyền của Người có uy tín Vừ Mí Hờ.

Bê tông hóa đường lên nương để phục vụ sản xuất
Bê tông hóa đường lên nương để phục vụ sản xuất

Xã Cán Chu Phìn có gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo khá cao; đời sống của đồng bào còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như tang ma kéo dài, người chết không đưa vào áo quan; vẫn còn tồn tại tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Những hủ tục này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân...

Theo chân lãnh đạo xã, chúng tôi đến thăm thôn Sán Sì Lủng, thôn hiện có hơn 130 hộ với hơn 770 khẩu đều là dân tộc Mông. Hiện nay, 100% tuyến đường liên thôn, nội thôn đã được bê tông hóa, trẻ em đều được đi học, bà con tập trung phát triển kinh tế, những ngôi nhà tạm bợ được thay thế dần bằng những ngôi nhà kiên cố, khang trang.

Ông Vàng Mí Trạ, Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn cho biết: “Thôn có được sự đổi thay như hiện nay là có sự đóng góp lớn của ông Vừ Mí Hờ, Người có uy tín, Trưởng thôn Sán Sì Lủng. Trước đây, các dòng họ trong thôn còn duy trì một số hủ tục như: tổ chức đám tang dài ngày, không đưa người chết vào áo quan, các nghi lễ, thủ tục rườm rà, tốn kém… Là Người có uy tín, Trưởng thôn, đồng thời cũng là thầy cúng, thầy khèn với những kinh nghiệm, kiến thức của mình, ông Vừ Mí Hờ đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn xóa bỏ dần các hủ tục”.

Mèo Vạc hiện có 199 Người có uy tín, trong đó có 147 Người có uy tín dân tộc Mông. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa; giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng, xây dựng thôn, bản đoàn kết, phát triển.”


Ông Nông Văn Ngay, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc

Chia sẻ về việc làm của mình, ông Hờ cho biết: “Để bà con tin tưởng nghe theo, trước hết bản thân, gia đình, dòng họ mình phải gương mẫu đi đầu. Là thầy khèn nên tôi hiểu rõ phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình. Cái tốt thì mình lưu giữ, phát huy, còn hủ tục thì mình phải kiên trì tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ”.

Theo ông Vừ Mí Hờ, cùng với việc xóa bỏ hủ tục trong tang ma, việc đẩy lùi tảo hôn cũng cần phải kiên nhẫn, phải nói cho người ta hiểu. Thấy nhà nào có con còn nhỏ mà tính đến chuyện cưới hỏi là phải đi vận động ngay, tìm cách thuyết phục cho bọn trẻ được đến trường tìm cái chữ.

Được biết, nhờ làm tốt nhiệm vụ này, vừa qua, tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, ông Vừ Mí Hờ vinh dự được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy Hà Giang.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục trong tang ma, cưới xin, trên cương vị là Trưởng thôn, ông tích cực hướng dẫn bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Ông cùng với cán bộ các đoàn thể thôn bám sát cơ sở, sâu sát, gần gũi với người dân, huy động sức mạnh nội lực của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền bà con tham gia hiến đất, hỗ trợ ngày công làm đường, đến nay, 100% đường liên thôn, nội thôn đều được bê tông hóa. Thậm chí, có hộ gia đình còn bê tông hóa đường lên nương để phục vụ sản xuất.

Ông Vừ Mí Hờ, Người có uy tín, Trưởng thôn Sán Sì Lủng, tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn xóa bỏ hủ tục
Ông Vừ Mí Hờ, Người có uy tín, Trưởng thôn Sán Sì Lủng, tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn xóa bỏ hủ tục

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: 2021 - 2025), ông Hờ đã tích cực vận động Nhân dân tham gia với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Trong đó, nổi bật là công trình Nhà Văn hóa thôn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống dân tộc Mông với hàng rào đá bao xung quanh. Công trình hoàn thành không chỉ tạo thuận lợi cho người dân có nơi sinh hoạt chung, tổ chức các hoạt động thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ mà còn là kết quả lưu giữ kiến trúc nhà ở của đồng bào Mông.

Với những đóng góp của mình, thời gian qua, Người có uy tín, Trưởng thôn Vừ Mí Hờ đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen về thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động người Mông xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Điều quan trọng nhất là đồng bào các DTTS, trong đó có đồng bào Mông trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang ngày càng ấm no, hạnh phúc; thêm niềm tin vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Tin cùng chuyên mục
Những người góp sức bảo vệ môi trường biển ở Bình Định

Những người góp sức bảo vệ môi trường biển ở Bình Định

Với mong muốn góp chút công sức của mình giữ màu xanh cho biển, mỗi tuần, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Tổ trưởng lại cùng các thành viên trong Tổ bảo vệ san hô ở xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn (Bình Định) tổ chức các đợt lặn để vớt rác thải dưới vùng biển gần bờ. Công việc của các anh là tự nguyện, xuất phát từ tình yêu với biển nhằm bảo vệ rạn san hô quý hiếm và góp phần giữ sạch môi trường biển.