Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Hộ nghèo ở Bắc Thủy phấn khởi khi được hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719

Văn Hoa - 02:39, 28/08/2023

Bắc Thủy là một trong 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, với hơn 99,8% đồng bào DTTS. Sau gần 3 năm xã Bắc Thủy triển khai các nội dung dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn I : từ năm 2021-2025, đến nay đã có nhiều hộ nghèo được hỗ trợ kịnh phí để giải quyết khó khăn, nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Anh Lăng Văn Đức (áo đen) dân tộc Nùng, thôn Tồng Cút chia sẻ niềm vui vì có chiếc máy cày mới
Anh Lăng Văn Đức (áo đen) dân tộc Nùng, thôn Tồng Cút chia sẻ niềm vui vì có chiếc máy cày mới

Ở  thôn Tồng Cút, xã Bắc Thủy, nhiều năm liền, gia đình anh Lăng Văn Đức, dân tộc Nùng, đều nằm trong danh sách là một trong những hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã.  Anh Đức bày tỏ, chẳng ai muốn làm hộ nghèo cả, nhưng vì làm nông, tư liệu sản xuất hạn chế khi chỉ có hơn 4 sào ruộng cấy, mấy sào nương trồng cây, lại có con nhỏ, công việc bấp bênh nên cố gắng làm lụng mà cái nghèo vẫn đeo bám. 

Năm 2021, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, anh đã vay mượn thêm tiền để mua chiếc máy cày  trị giá 14,5 triệu đồng. Có được chiếc máy này, việc làm nông của gia đình anh đã chủ động hơn, anh không còn phải lo thuê máy mỗi khi vào mùa vụ; chiếc máy cày cũng đã giúp cho anh Đức đỡ vất vả và tăng năng suất, hiệu quả lao động sản xuất.

Mặc dù giá trị chiếc máy cày không lớn, nhưng với hộ nghèo thuần nông như gia đình tôi thì đó là tài sản quan trọng. Vì vậy, "con trâu sắt" này luôn được anh Đức bảo quản, mỗi khi cày xong anh Đức đều rửa lau chùi bảo dưỡng và cất cẩn thận. 

 Chiếc máy cày được anh Lăng Văn Đức che chắn cẩn thận
Sau vụ cày, chiếc máy cày được anh Lăng Văn Đức bảo quản, che chắn cẩn thận

 Theo cán bộ xã, chúng tôi cũng đã đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Ý cùng thôn Tổng Cút. Bà Ý có 3 người con, con gái cả đã đi lấy chồng, cô con gái thứ 2 thần kinh không bình thường nên bà phải chăm sóc, theo sát hàng ngày gần 15 năm nay; hiện bà ở cùng con trai thứ 3 là anh Trần Văn Khón. Vất vả nuôi các con và dành dụm được chút tiền lại để chữa bệnh cho con gái, vì thế bao năm qua gia đình bà vẫn phải sống trong căn nhà sập xệ.

Nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình bà, từ nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, xã Bắc Thủy đã hỗ trợ cho bà dựng căn nhà mới. Bà Ý khoe, từ số tiền Nhà nước hỗ trợ, con trai bà đã mạnh dạn vay mượn thêm để có căn nhà mới này. Ở nhà mới, không sợ mưa gió là đã an tâm rồi, giờ bà sẽ cố gắng phụ giúp con trai lao động sản xuất để có thu nhập trang trải cuộc sống và tích lũy.

Gia đình anh Lăng Văn Đức và bà Hoàng Thị Ý chỉ là hai trong số rất nhiều hộ gia đình nghèo khác trên địa bàn Bắc Thủy được thụ hưởng các nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.  Nhờ nguồn hỗ trợ này mà các hộ nghèo, cận nghèo đã giải quyết được những khó khăn bức thiết nhất trong đời sống, qua đó tạo động lực cho họ vươn phát triển kinh tế từng bước thoát nghèo .

Bà Hoàng Thị Ý (bên phải) trong niềm vui bên căn nhà mới
Bà Hoàng Thị Ý (bên phải) phấn khởi được ở trong căn nhà mới

Được biết, thực hiện Chương trình MTQG 1719 , năm 2022, xã Bắc Thủy đã hỗ trợ cho 2 hộ gia đình xây nhà mới, với số tiền 40 triệu/hộ. Năm 2023, xã Bắc Thủy được giao vốn hỗ trợ 7 hộ xây mới nhà ở, với tổng số tiền 308 triệu đồng; hỗ trợ mua sắm máy móc cho 10 hộ, với tổng số tiền 100 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 90 hộ,  tổng số tiền là 270 triệu đồng.

Tính đến tháng 8/2023, xã Bắc thủy đã giải ngân hỗ trợ xây mới nhà ở cho 4 hộ, với tổng số tiền 176 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã đã hoàn thiện hồ sơ về nội dung hỗ trợ mua sắm máy móc cho 8 hộ, với tổng số tiền là 80 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 16 hộ, với tổng số tiền là 48 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bắc Thủy cũng đã triển khai hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên,  với tổng số vốn là 42 triệu đồng; hỗ trợ bảo vệ rừng quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình tại xã Bắc Thủy, với tổng số vốn là 141 triệu đồng; hỗ trợ trồng và chăm sóc cây ăn quả, tổng số vốn là 315 triệu đồng. Xã phấn đấu hoàn thành việc giải ngân trước 31/12/2023.

Diện mạo làng quê xã Bắc Thủy ngày một đổi thay, đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên
Diện mạo làng quê xã Bắc Thủy ngày một đổi thay, đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên

Cùng với nguồn vốn đầu từ Chương trình MTQG 1719, xã Bắc Thủy cũng đã thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, năm 2023, thực hiện Dự án 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững), xã Bắc Thủy được giao  494.000.000 đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 200 triệu đồng.

Từ nguồn vốn của các Chương trình MTQG, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt trong lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã góp phần giúp đồng bào DTTS trên địa bàn xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.