Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hòa Bình: Phát triển vùng sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị

Việt Hà - Mai Hương - 11:14, 22/11/2023

Hòa Bình là một trong những tỉnh cung ứng nguồn dược liệu thô lớn trong nước. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện quy hoạch phát triển vùng sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị nhằm hướng tới cung cấp nguồn nguyên liệu dược liệu ổn định và bền vững, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất và xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Đoàn nghiên cứu, khảo sát Vườn Xạ đen của người dân tại xã Yên Trị, huyện Yên Thủy
Đoàn nghiên cứu, khảo sát Vườn Xạ đen của người dân tại xã Yên Trị, huyện Yên Thủy

Phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị

Với diện tích tự nhiên 4,6 nghìn km2 và khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa, Hòa Bình là tỉnh có điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung, trồng cây dược liệu nói riêng; đặc biệt là tiềm năng hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung và bảo tồn, khai thác, phát triển những cây dược liệu tự nhiên, giá trị lớn, quý hiếm. Theo đó, các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm và từng bước phát triển các loại cây dược liệu phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao.

Xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình là một trong những “điểm sáng” trong chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và các vùng vườn tạp sang trồng cây dược liệu. Ông Bùi Phi Diệp - Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết, thay vì trồng các giống cây theo mùa vụ, đặc thù của cây dược liệu chủ yếu là cây dài ngày nên bà con chỉ cần trồng một lần sẽ cho thu hoạch nhiều năm. Đây cũng là loại cây trồng giúp đưa giá trị kinh tế, thu nhập của bà con cao lên. Để đem lại hiệu quả cao nhất cho người nông dân, địa phương đã chủ động chọn các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: cây sâm, xạ đen, một số cây dược liệu quý bản địa địa phương… để trồng. Đồng thời, phối hợp với các trung tâm dược liệu, các công ty dược để xây dựng mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và bà con nhân dân. Theo đó, mô hình chuyển đổi cây trồng sang trồng cây dược liệu quý đã được xã triển khai trong 4 năm nay. Đến nay, giá trị trồng cây dược liệu đã mang lại cho bà con cao hơn khoảng 3 lần so với trồng lúa, từ đó tạo công ăn việc làm, kinh tế bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho bà con nhân dân...

Bà Nguyễn Thị Bình, dân tộc Mường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Dao Thống Nhất, thành phố Hoà Bình giới thiệu các sản phẩm chiết xuất từ cây sả, cây quế
Bà Nguyễn Thị Bình, dân tộc Mường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Dao Thống Nhất, thành phố Hoà Bình giới thiệu các sản phẩm chiết xuất từ cây sả, cây quế

Ông Bùi Phi Nam, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Yên Trị cho biết: Xạ đen là một loại thảo dược giá trị. Vì vậy, cùng với phát triển sản xuất, kinh doanh, HTX đã khuyến khích, giúp đỡ các hộ trên địa bàn xã, huyện phát triển trồng loại cây này. Hiện tại, sản phẩm từ cây xạ đen có đầu ra ổn định, giúp nâng cao đời sống của nông dân. Với mức giá 250.000 đồng/hộp cao xạ đen khối lượng 100g, từ đầu năm đến nay, HTX đã tiêu thụ trên 1.000 sản phẩm tại thị trường trong tỉnh và trong cả nước như: TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Gia Lai, Bình Định, Quảng Ninh... Hiện nay diện tích chuyển đổi cây dược liệu từ vườn tạp, đất xấu, kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu giá trị cao của HTX vào đạt khoảng 35 ha, thu hút 45 hộ dân tại HTX Nông nghiệp Yên Trị và 100 hộ dân khác cùng tham gia.

Bên cạnh việc khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây dược liệu, tỉnh Hòa Bình còn khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng cây dược liệu theo mô hình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Theo đó, nhiều cây dược liệu đã và đang là nhóm sản phẩm có tiềm năng phát triển rất tốt. 

Bắt nguồn từ các bài thuốc gia truyền với sự đa dạng về nguồn cây thuốc tại địa phương, một số hợp tác xã (HTX) đã sản xuất được sản phẩm OCOP dược liệu đạt chứng nhận 3 đến 4 sao như: Cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Nông - lâm nghiệp Bảo Hiệu, Cao xạ đen của HTX Nông nghiệp Yên Trị (huyện Yên Thủy); Cao xạ đen và Cao cà gai leo của HTX Tuyết Nhi (huyện Lương Sơn); An phế Triệu Gia của HTX thuốc nam gia truyền Triệu Gia, (huyện Kim Bôi); An Phục Khớp của HTX H20 Việt Nam (TP Hòa Bình).

Các sản phẩm cũng khá đa dạng về mẫu mã, hình thức sử dụng như: trà túi lọc cà gai, xạ đen, thành ngạnh; bột cà gai leo hòa tan, tinh dầu sả, tinh bột nghệ... Nhiều sản phẩm đã được cơ sở sản xuất đầu tư có chiều sâu từ khâu nguyên liệu đến thu hoạch, chế biến, hình thức bao gói; từng bước nâng cao giá trị và gia tăng giá trị cho cây dược liệu của Hòa Bình. Cùng với việc thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển xây dựng các mô hình trồng và chăm sóc các loài cây dược liệu quý, cây dược liệu bản địa theo hướng bảo tồn, phát triển bền vững.

Việc phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị sẽ giúp tạo ra sinh kế bền vững cho bà con trên địa bàn tỉnh
Việc phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị sẽ giúp tạo ra sinh kế bền vững cho bà con trên địa bàn tỉnh

Đẩy mạnh tổ chức sản xuất, phát triển vùng trồng dược liệu theo quy hoạch

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có trên 2.145 ha cây dược liệu, hương liệu hàng năm được trồng và khai thác; trong đó các loại cây trồng chính có diện tích và sản lượng lớn như: sả 1.576 ha cho thu hoạch trên 10,79 nghìn tấn, cà gai leo 294 ha thu hoạch 2,21 nghìn tấn, xạ đen 218 ha thu hoạch 1,62 nghìn tấn; ngoài ra, còn các loại cây khác như: Nghệ (đỏ, vàng), Ngải cứu, Giảo cổ lam, Đẳng sâm, Hương nhu, Đinh lăng, Cát sâm, Thìa canh... có diện tích trồng dưới 50 ha. Ngoài diện tích trồng tập trung trên đất bằng, đất bưa bãi... diện tích dược liệu trồng dưới tán rừng hiện có khoảng 64,5 ha. Cùng với đó là các dược liệu khai thác tự nhiên với đa dạng về loài, giống như: Đương quy, Sa nhân, Bình vôi, Dạ cẩm, Khôi nhung, Thìa canh, Hà thủ ô, Bạch chỉ, Kim ngân...

Theo quy hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, Hòa Bình sẽ quy hoạch các vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu gồm khu bảo tồn Hang Kia, Phu Canh, Thượng Tiến, Ngọc Sơn. Đối với các vùng dược liệu có nguy cơ bị tuyệt chủng cao cũng được quy hoạch, ưu tiên lựa chọn và khai thác hợp lý đối với 10 loài dược liệu chính, đạt khoảng 8.000 - 9.000 ha dược liệu/năm. Phấn đấu đến năm 2025 bảo tồn được 70% và năm 2030 là 100% tổng số loài dược liệu đặc trưng của Hòa Bình.

Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương trong tỉnh để tổ chức hiệu quả sản xuất, phát triển vùng trồng dược liệu theo quy hoạch, lồng ghép trong kế hoạch, chương trình công tác của ngành. Trong đó UBND tỉnh giao các Sở, Ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh Hòa Bình ban hành chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu đạt chuẩn. Nghiên cứu, lựa chọn các giống cây dược liệu phù hợp với điều kiện địa phương/vùng trồng; đồng thời vận động, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, phòng chống bệnh hại trên cây dược liệu, sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn. Đặc biệt, Hòa Bình sẽ thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị liên kết dược liệu, gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm tại các địa phương trong tỉnh; xây dựng vùng trồng, cấp mã số vùng trồng, chứng nhận nhãn hiệu cho các vùng/cơ sở đạt điều kiện; tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường cho sản phẩm cây dược liệu; gắn kết với dịch vụ du lịch, lễ hội văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Trị: Điều tra thu thập thông tin 53 DTTS diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ

Quảng Trị: Điều tra thu thập thông tin 53 DTTS diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ

Toàn tỉnh Quảng Trị có 5 huyện/35 xã, thị trấn, với 93 địa bàn được chọn thực hiện cuộc Điều tra thu thập thông về thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS năm 2024. Do làm tốt khâu chuẩn bị và sự vào cuộc đồng hành của đội ngũ Người có uy tín, già làng, Trưởng bản nên việc điều tra thu thập thông tin diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng nội dung kế hoạch phương án điều tra.