Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Hoa trên cao nguyên đá: Lửa ấm nơi bản xa (Bài 3)

Vũ Mừng - Nguyễn Quân - 11:25, 18/08/2024

Những năm qua, một trong những nhiệm vụ luôn được nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Giang dành tình cảm, tâm huyết để hoàn thành, là mô hình “Con nuôi Công an xã”. Ở vùng cao núi đá Đồng Văn, có 16 em nhỏ đang được Công an các xã, thị trấn nuôi dưỡng và giúp đỡ. Hoàn cảnh của mỗi em đều là một câu chuyện xúc động. Các em được may mắn có những người "bố" là chiến sĩ Công an đã và đang truyền cho các em ngọn lửa ấm để các em có động lực, cơ hội vươn tới tương lai tốt đẹp.

Chuyện ở Sính Lủng

Nắng sớm lọt qua từng đám mây dày, rọi tia sáng nhè nhẹ, chênh chếch theo mấy chóp núi. Những ngả đường vào trung tâm xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn vẫn còn ướt sương đêm. Lũ gà nhà vẫn còn đương đập cánh gáy te te trong chuồng, thế mà ánh đèn ở phòng làm việc của Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Trưởng Công an xã đã sáng trưng.

Thiếu tá Thắng vừa chuyển công tác về địa bàn được ít hôm, nên chắc còn nhiều công việc cần giải quyết - Tôi nghĩ thế và thấy anh rà đầu ngón tay trên sấp tài liệu, đuôi mắt nheo nheo, chốc chốc lại khe khẽ thở dài. Tôi tò mò. Anh giải thích đang đọc lại hồ sơ của cháu Duy rồi cảm thán: “Thương thằng bé quá”.

Thiếu tá Thắng bộc bạch, mới 12 tuổi mà cậu bé người dân tộc Cờ Lao Vần Mí Duy này đã mồ côi đến mấy lần! Chuyện của Duy kể ra thì dài nhưng toàn thấy khổ ải...

Thượng úy Vàng Mí Dính hướng dẫn Duy gấp nội vụ mỗi buổi sáng.
Thượng úy Vàng Mí Dính hướng dẫn Duy gấp chăn màn, dọn dẹp phòng mỗi buổi sáng

Nhà Duy ở thôn Má Chề xa xôi nhất xã. Năm Duy lên 8, anh Vần Sính Sùng bố của cháu qua đời sau cơn bạo bệnh. Cuộc sống gian nan khiến mẹ cháu là chị Sùng Thị Dính dứt áo ra đi tìm cuộc sống mới. Duy như cây ngô mọc hoang trên nương không ai chăm bón. Thương cháu, anh Vần Chứ Sùng là chú ruột đón Duy về nuôi. Duy chưa hết lạ nhà, chú ruột cũng bỏ Duy đi sau một lần lên cơn đau nặng. Ai cho gì, Duy ăn nấy. Có lần mấy ngày trời không biết đến hạt cơm.

Năm 2021, Công an xã Sính Lủng đón Vần Mí Duy về nuôi. Duy trở thành con của cả lực lượng. Những tưởng hình ảnh về những người thân đã bỏ Duy đi xa sẽ dần bị xóa nhoà trong ký ức non nớt. Nhưng không, khi nghe mọi người nhắc tới mẹ, Duy ngưng nhảy chân sáo, chăm chú lắng nghe, ánh mắt nhìn rõ sự ngóng đợi. Lâu lâu Duy cũng hay hỏi, mẹ Dính có còn trở về được với Duy không?

Câu chuyện lần đầu tiên tắm cho Duy tới giờ vẫn được mọi người kể lại thoạt nghe ai cũng cười, nhưng cười xong lại rơm rớm nước mắt.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng bên con trai nuôi của lực lượng.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng bên con trai nuôi của lực lượng

Năm đó, Thiếu tá Hoàng Ngọc Minh (hiện giờ anh đang Phó Trưởng Công an huyện Đồng Văn) đón Duy về. Duy được bố Minh cắt tóc, gội đầu, tắm táp và thay quần áo mới. Ít ngày sau người Duy nổi ngứa, lên đầy mụn nhọt. Thương quá, mấy bố con vội vàng rồng rắn nhau đi bệnh viện. Khám xong bác sĩ kết luận cháu bị dị ứng thông thường. Nhưng lúc này Thiếu tá Hoàng Ngọc Minh mới tá hỏa, thằng bé chưa từng một lần được sử dụng dầu gội, cũng chưa bao giờ biết đến bánh xà phòng Lifebuoy. 

Nghe nhiều người nói chuyện, trong khó khăn, gian khổ, hiểm nguy không bao giờ thấy Thiếu tá Hoàng Ngọc Minh nao núng, nhưng khi cậu con trai nuôi đổ bệnh lại sốt ruột cuống cả lên. Sau này Thiếu tá Minh chuyển về huyện công tác, Duy nhớ bố Minh cứ luôn nhắc anh mãi. Do vậy, dù bận bịu với công việc ở huyện, nhưng hễ có thời gian là Thiếu tá Minh lại trở lại thăm Duy.

Bây giờ Duy đã lên lớp 7. Cái bụng Duy sáng như có ai thắp đèn bên trong. Năm nào cũng được tuyên dương là học sinh khá giỏi của lớp. Hỏi về ước mơ, cậu bé nói vẫn khao khát sau này có thể được gặp lại mẹ!

Bây giờ Duy đã lên lớp 7. Cái bụng Duy sáng như có ai thắp đèn bên trong.
Bây giờ Duy đã lên lớp 7. Cái bụng Duy sáng như có ai thắp đèn bên trong

Chứng kiến hình ảnh ở trong phòng Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng đang loay hoay với chiếc cặp của cậu con trai Duy. Anh mở khóa, kéo khóa, rồi lại đưa cả bàn tay lùa vào các ngăn nhỏ của chiếc ba lô và nói chuyện một mình: “Duy ơi sao chưa có sách mà cặp con nặng thế nhể? Phải mua chiếc cặp mới thôi”. Còn ở bên kia bức vách tiếng Duy vẫn lanh lảnh từng dòng trong bài tập đọc: Nhóc Ni – cô – la và những chuyện chưa kể của tác giả Rơ – nê Gô – xi – nhi và Giăng - giắc Xăng - pê. Mà xem chừng, bài văn hôm nay Duy đọc lại hợp vô cùng với hoàn cảnh này: " ...Bố bế tôi đặt tôi lên đầu gối. Bố lau mặt cho tôi bằng cái khăn mùi xoa to của bố. Bố nói với tôi rằng bố của bố thì chẳng bao giờ giúp bố làm bài tập cả, nhưng mà bố thì khác, bố sẽ giúp, nhưng mà là lần cuối cùng. Bố tôi í à, rất là tuyệt!"

Không nỡ phá vỡ những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy của hai bố con. Tôi lẳng lặng ra ngoài,  dự định sẽ chào anh và cháu sau khi đi xã Hố Quáng Phìn về...

Nơi vách đá Hố Quáng Phìn

Đường vào xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Đường vào xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Đã mấy dịp công tác ở Hố Quáng Phìn, tôi mới tự cắt nghĩa được vì sao nơi đây lại nhiều khó khăn đến thế! Xã nằm cách huyện lỵ gần 40 cây số, nhìn đâu cũng chỉ thấy núi đá tai mèo cao chót vót, dựng đứng như tường thành. Dù có đi từ trung tâm huyện Đồng Văn vào, từ huyện Yên Minh sang, hay tới đây bằng con đường xuyên qua mấy xã của huyện Mèo Vạc thì nẻo nào cũng xa, cũng vòng vèo cheo leo trên sườn núi dốc.

Có dạo nghỉ chân ven đường, tôi từng nghe các cụ già người Mông kể lại, cuộc sống hàng trăm năm nay trên vùng cao nguyên đá này, là cuộc đấu tranh sinh tồn với mưa gió tự nhiên, để giữ cho bằng được bụm đất bé bằng bàn tay còn sót lại trong các hốc đá lô nhô, lởm chởm, chằng chịt, để cây ngô có thể lớn lên mà cho bắp. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như thế, nên tới tận bây giờ, hơn 70% số hộ dân tại Hố Quáng Phìn vẫn là hộ nghèo!

Đại úy Ly Mí Và người thổi hồn cho Say tình yêu âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Đại úy Ly Mí Và là người truyền cho cháu Say tình yêu âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc Mông

Còn đang lan man với những dòng suy nghĩ, thì UBND xã Hố Quáng Phìn cũng dần hiện ra sau vách đá. Đại úy Thào Mí Lử, Trưởng Công an xã đã đứng đợi trên đầu dốc tự bao giờ. Anh gấp gáp: “Suốt buổi chiều, cháu Say cứ hỏi đi hỏi lại, chú ấy có lên thăm mấy bố con không? Động viên mãi cu cậu mới yên tâm ở nhà học khèn với bố Và”.

Đại úy Thào Mí Lử cùng Say học bài mỗi tối.
Đại úy Thào Mí Lử cùng Say học bài mỗi tối

Cháu Say mà tôi và Đại úy Lử vừa nhắc chính là Sùng Mí Say nhà ở thôn Há Súa, sinh năm 2012, năm nay học lớp 7. Người bé như cây nấm. Mặt Say buồn, nhưng mắt Say sáng! Say kể, có lần con hỏi sao bố đi lâu về thế? Bà bảo, bố con còn phải chữa bệnh. Nhưng... con biết bố con mất rồi!

Con cũng không nhớ mẹ con ra sao... Anh Tủa, anh Nô bảo mẹ đi làm kiếm tiền để nuôi ba anh em. Nhưng... các anh nói dối. Vì con biết mẹ cũng sẽ không bao giờ về với anh em con nữa! Các chú Công an đón con về, các chú bảo từ nay các chú là bố của con. Bố Lử dạy con học, bố Và dạy con khèn, những ngày mưa bố Thông đưa con đến lớp. Con đi học được làm lớp trưởng các bố vui lắm...

Đại úy Thào Mí Lử cất giọng trầm buồn: “Năm 2018, anh Sùng Pháy Sính bố của cháu Say mất do mắc bệnh hiểm nghèo. Chị Mỷ mẹ cháu cũng không rõ đi đâu từ dạo đó. Tới năm 2020, Tòa án Nhân dân huyện Đồng Văn tuyên bố mẹ cháu mất tích”.

Sùng Mí Say bên Thượng úy Khổng Văn Thông.
Sùng Mí Say bên Thượng úy Khổng Văn Thông

Từ ngày anh Sính mất, căn nhà vốn đã đìu hiu càng thêm siêu vẹo. Mùa mưa tới, 4 bà cháu co ro trên chiếc giường nhỏ nhìn nước mưa dột tứ tung trên mái nhà. Cứ đêm nào mưa, là cả 4 bà cháu lại ôm nhau khóc. Năm 2021, với sự kết nối của Thượng tá Tạ Thị Bích Thủy, Phó Chánh Thanh tra Công an tỉnh Hà Giang mà căn nhà có điều kiện được sửa sang lại.

Cùng năm đó, cháu Say được Công an xã Hố Quáng Phìn nhận làm con nuôi. Công an tỉnh cũng đứng ra hỗ trợ hai anh trai của Say là Sùng Mí Tủa và Sùng Mí Nô theo học chương trình cấp III tại huyện.

Say thương bà, chiều nào cũng xin về nhà một tiếng để phụ bà cắt cỏ nuôi dê.
Say thương bà, chiều nào cũng xin về nhà một tiếng để phụ bà cắt cỏ nuôi dê

Bà Thào Thị Mo (bà nội Say) năm nay đã 70 tuổi, mắt đã nhòe, chân đã run nhưng thương các cháu nên vẫn cố lên nương cào cỏ, trồng rau. Bó rau nào ngon thì đem bán, về phần mình, bà chỉ dám ăn những cuộng bí già. Say thương bà, chiều nào cũng xin về nhà một tiếng để phụ bà cắt cỏ nuôi dê. Bé loắt choắt nhưng nhanh nhẹn, bầy dê của Say hôm nào cũng có cỏ ăn chật một quẩy tấu. (Quẩy tấu - Dụng cụ giống chiếc gùi, thường được đồng bào DTTS vùng cao nguyên đá đeo sau lưng để chứa đồ đạc khi lao động).

Đại úy Lử và tôi nhìn Say ngồi cùng bà bên bếp lửa rất lâu. Hai bà cháu trò chuyện những gì tôi không nghe được hết, nhưng tôi tin Say sẽ rất nhớ những điều bà nội dặn: Ngoan nhé! Ngoan nhé!

Thiếu tá Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Thiếu tá Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Thiếu tá Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Văn, bộc bạch: Những năm qua, một trong những nhiệm vụ luôn được nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Giang dành tình cảm tâm huyết để hoàn thành, là mô hình “Con nuôi Công an xã”. Ở vùng cao núi đá Đồng Văn này, có 16 em nhỏ đang được Công an các xã, thị trấn nuôi dưỡng và giúp đỡ. 

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các con nuôi của lực lượng có điều kiện học tập, Công an huyện Đồng Văn đã vận động các đồng chí lãnh đạo Công an huyện, cán bộ, chiến sĩ các Đội nghiệp vụ và Công an các xã, thị trấn quyên góp, ủng hộ ngày lương để xây dựng, thành lập Quỹ con nuôi Công an xã, định kỳ 500.000 đồng/cháu/tháng.

Tổng kinh phí hỗ trợ 16 cháu trong năm 2023 là 199 triệu đồng và từ đầu năm 2024 đến nay là 136 triệu đồng.

Từ khi triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi Công an xã”, cơ bản các em đều có những tiến bộ tốt về tinh thần, thể chất và học tập; người thân trong gia đình đều bày tỏ sự xúc động và cảm ơn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy tại cơ sở.

Đây cũng là động lực để Công an huyện Đồng Văn tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn nữa mô hình đến Công an các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn. Từ đó, tạo điểm tựa vững chắc cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học tập, phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.