Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đường đến ước mơ

Học để giúp đỡ những người thân

Trình Hiệp - 11:14, 08/12/2021

Nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ từ nhỏ, giấu gia đình để thi đại học, vượt qua khó khăn vất vả trên con đường học tập, giờ đây cô gái Giàng Thị Mỷ, dân tộc Mông, ở thôn Tìa Chớ, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã chính thức trở thành tân sinh viên trường Đại học Y dược - Đại học Thái Nguyên.

Giàng Thị Mỷ trong trang phục dân tộc Mông tại ngày nhập học
Cô sinh viên dân tộc Mông Giàng Thị Mỷ trong trang phục truyền thống trong ngày nhập học .

Thôn Tia Chớ, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), nghèo lắm, quanh năm chỉ có ruộng lúa và nương ngô. Nhìn cuộc sống vất vả, cùng khó khăn trong việc khám chữa bệnh của người thân trong gia đình, ngay từ nhỏ Giàng Thị Mỷ đã muốn trở thành bác sĩ.

Giàng Thị Mỷ chia sẻ: “Nhiều người cho rằng, con gái dân tộc Mông không cần học cao, bạn bè em lập gia đình hết rồi, cả thôn cũng không có ai học hết lớp 12 cả, họ bảo chỉ cần biết chữ thôi, nhưng em không muốn thế. Bà em ốm nặng, mỗi lần đi khám bệnh rất vất vả, nên em đã đặt mục tiêu trở thành bác sĩ, vì thế em cần phải học, để giúp được chính người thân trong gia đình mình”.

Để thực hiện ước mơ của mình, suốt từ năm lớp 4, Mỷ đã lựa chọn học tập tại các trường nội trú. Xa nhà, nhớ bố mẹ, nhưng Mỷ biết rằng, phải chịu khó học tập, thì mới có thể đạt được mơ ước. Rồi những cảm xúc lạ lẫm xa nhà ban đầu cũng tan biến, thay vào đó, em dần tập trung vào học. Đặc biệt các thầy, cô giáo, bạn bè nơi đây đều dành cho nhau sự yêu thương, hòa thuận như trong gia đình. 

Bước vào cấp THPT, Mỷ tập trung thời gian cho 3 môn xét tuyển khối B là Toán, Sinh học và Hóa học. Trong đó, Mỷ đặc biệt yêu thích môn Hóa và em đã giành giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh. “Giải thưởng chưa phải là thành tích đáng kể, nhưng đối với em đấy là mốc đánh dấu quá trình học tập của bản thân mình, giúp em thêm sự tự tin trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT”, Mỷ chia sẻ.

Giàng Thị Mỷ chăm chỉ đọc sách, nghiên cứu tài liệu về ngành học của mình
Giàng Thị Mỷ luôn tranh thủ thời gian tìm đọc sách, nghiên cứu tài liệu về ngành học của mình

Trúng tuyển Đại học Y dược - Đại học Thái Nguyên, với điểm xét tuyển đạt 26,2 điểm, khi ấy, Mỷ vừa mừng vừa lo. Bởi việc nộp hồ sơ thi em hoàn toàn giấu bố mẹ. “Bởi nhà nghèo, em sợ bố mẹ lo lắng, vì học Y sẽ mất 6 năm. Em còn 2 em nhỏ, đứa lớn mới lên 3, đứa nhỏ chưa đầy 1 tuổi, thì làm sao bố mẹ lo nổi cho em học đại học”, Mỷ chia sẻ.

Ngày giấy báo nhập học được gửi về gia đình, bố mẹ Mỷ rất hãnh diện vì con, nhưng cũng rất lo lắng vì không giúp được con, chỉ động viên ngắn ngủi: “Bố mẹ không giúp được gì, con cố gắng tự lo nhé”.

 Nhưng bây nhiêu với Mỷ cũng là đủ, bởi cô gái dân tộc Mông này, cũng đã xác định sẵn, “phần lo” cho mình giờ dành giúp 2 em của Mỷ được ăn no. Còn Mỷ sẽ đi làm thêm để hoàn thành ước mơ của mình.

Đặc biệt, để đường đến ước mơ của Mỷ bớt khó khăn, giúp em tập trung vào học tập, Bệnh viện Đa khoa Đức Minh nhận “đỡ đầu” và trao tặng học bổng toàn khóa, với tổng giá trị 90 triệu đồng trong suốt 6 năm học cho Giàng Thị Mỷ.

“Em rất vui và thấy mình thật may mắn vì em được rất nhiều người chia sẻ và ủng hộ, nên chắc chắn, em sẽ nỗ lực hết sức mình để không phụ sự quan tâm của mọi người. Em hy vọng, mình sẽ hoàn thành tốt ngành học Bác sĩ đa khoa của mình, để có thể thực hiện ước mơ từ thơ bé, chữa bệnh cho bà và làm gương cho các em của em”, Mỷ bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Cô sinh viên người Sán Dìu với ước mơ quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới

Cô sinh viên người Sán Dìu với ước mơ quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới

Đạt 36,1 điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Lê Thị Thuỳ Châm, dân tộc Sán Dìu đã trở thành sinh viên năm thứ nhất Khoa ngôn ngữ Hàn Quốc – Trường Đại học Hà Nội. Châm chia sẻ việc đăng ký học chuyện ngành này, vì ước mơ sau khi ra trường sẽ có cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ra Thế giới