Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Học sinh dân tộc sáng tạo mô hình "Chiến dịch Điện Biên Phủ" khiến ai cũng trầm trồ, thán phục

PV - 20:21, 29/12/2021

Tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2021, đề tài “Chiến dịch Điện Biên Phủ” của nhóm học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Mòn 1 (Bắc Hà, Lào Cai) đoạt giải Đặc biệt.

Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà cùng Hội khoa học tỉnh Lào Cai tham quan mô hình. Ảnh: NTCC
Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà cùng Hội khoa học tỉnh Lào Cai tham quan mô hình. Ảnh: NTCC

Đây là sản phẩm tận dụng thành công nguyên liệu tái chế để tạo nên đồ dùng dạy và học đầy hữu ích, sinh động.

Từ “khát khao” đồ dùng học tập

Tải Thị Khanh, lớp 5A1 (một trong 4 tác giả đề tài) chia sẻ: Trong những năm gần đây, nhiều học sinh chưa hứng thú học môn Lịch sử bởi cho rằng môn học có diễn biến dài, các dấu mốc khó nhớ. Việc tìm hiểu chi tiết về các chiến dịch lịch sử đối với học sinh tiểu học ở môn Lịch sử cũng khá khó khăn.

Do đó, cả nhóm đã suy nghĩ, tạo dựng mô hình với các trận đánh, chiến dịch được trình bày dưới dạng “động” để kích thích, khơi dậy hứng thú học tập môn Lịch sử cho tất cả học sinh…

Bắt nguồn từ suy nghĩ đó, nhóm gồm Tải Thị Khanh, Sùng Seo Hồng, Hoàng Thị Luyến, Thèn Thị Doanh (Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Mòn 1) đã lựa chọn làm mô hình “Chiến dịch Điện Biên Phủ” với mong muốn diễn tả thực tế lịch sử một cách dễ nhớ, dễ hiểu nhất.

Cô Đào Mai Hương, giáo viên hướng dẫn đề tài, trao đổi: Ở bậc tiểu học, môn Lịch sử chỉ có đồ dùng dạy học là những hình ảnh trong sách hoặc trên mạng, tranh ảnh, bản đồ khá sơ lược. Đồng thời cũng chưa có mô hình động để mô tả về các sự kiện giúp học sinh dễ nhớ và “ngấm” sâu bài học.

Chính vì vậy, khi nhóm đưa ra ý tưởng ban đầu ở mức đơn giản là mô hình đồ dùng học tập (chưa có chuyển động), ban giám hiệu đã nhận thấy đây là ý tưởng hay và có thể phát triển ở “tầm” cao hơn mà vẫn nằm trong khả năng triển khai của cả nhóm. Nhà trường đã đồng ý triển khai đề tài và cử cô Đào Mai Hương hướng dẫn học sinh nghiên cứu, lắp ráp nhằm nâng tầm cho mô hình dạy học môn Lịch sử.

Mô hình “Chiến dịch Điện Biên Phủ” sau khi hoàn thiện đã mô tả sinh động chiến dịch dù chỉ được thiết kế, chế tạo, lắp ráp từ những vật dụng đơn giản, gần gũi. Nhóm kết hợp lắp ghép cả phần cơ và điện; cả “tĩnh” và “động”; âm thanh để tăng thêm sự kích thích, dễ nhớ. Thậm chí còn lắp đặt bóng điện màu nhỏ theo từng đợt tiến công của bộ đội ta và những trận hành quân, kéo pháo, dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm...

Có thể thấy, trong bối cảnh các trường học còn thiếu đồ dùng dạy học, đặc biệt là trường vùng cao thiết bị dạy học còn hạn chế thì sự sáng tạo của nhóm học sinh đã mang tới mô hình dạy học Lịch sử động tạo hứng thú, thích thú và hiệu quả dạy học không nhỏ cho cả giáo viên và người học.

 “Chiến dịch Điện Biên Phủ” của nhóm học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Mòn 1 (Bắc Hà, Lào Cai) đoạt giải Đặc biệt. Ảnh: NTCC
“Chiến dịch Điện Biên Phủ” của nhóm học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Mòn 1 (Bắc Hà, Lào Cai) đoạt giải Đặc biệt. Ảnh: NTCC

Sáng tạo từ vật liệu tái chế

Thèn Thị Doanh, học sinh lớp 5A1, trao đổi: Ở các viện bảo tàng lịch sử đã có mô hình về Điện Biên Phủ nhưng đều được làm bằng nhựa, kim loại… và nếu phải mua sẽ tốn kém. Do đó, cả nhóm quyết định thay thế bằng vật liệu gần gũi, thân thiện với môi trường và có thể khai thác, tận dụng sẵn ngay tại địa phương.

Với suy nghĩ, đặt ra yêu cầu đó, nhóm đã tạo hình chú bộ đội, xe thồ, xe tăng, pháo, máy bay, lính Pháp bằng tre, gỗ. Đồi, núi, sông, giao thông hào làm bằng xốp, cát. Để mô hình sinh động, nhóm làm cây trúc, khóm chuối, hoa cỏ mang đặc trưng của vùng Điện Biên bằng nguyên liệu có sẵn là giấy màu…

Để mô hình chuyển động, nhóm còn sáng tạo hoạt động theo nguyên lý chuyển động cơ học. Chỉ cần bật công tắc trục quay gắn với mô tơ điện chuyển động sẽ truyền lực lên các khớp nối và khi đó các chú bộ đội, xe tăng, pháo, máy bay cùng chuyển động.

Các bóng điện màu nhỏ được kết nối từ nguồn điện và trục quay. Bật công tắc trục quay gắn với mô tơ điện chuyển động khiến các bóng điện màu phát sáng như pháo bắn, đánh trận theo từng đợt tiến công của quân ta...

Theo cô Đào Mai Hương, dự án của nhóm từ khi bắt đầu ý tưởng đến hoàn thiện diễn ra trong vòng 6 tháng. Nhóm học sinh ngoài giờ lên lớp luôn say mê đọc tài liệu lịch sử để lắp ráp, tạo hình cho đúng nhất. Các em cũng không ngần ngại trao đổi, thậm chí phản biện ý kiến của nhau và của giáo viên để tìm ra cách làm tốt nhất.

Sản phẩm hoàn thành được nhà trường đưa đi dự thi cấp huyện, tỉnh đều đoạt giải. Và sự hoàn thiện sau cùng đã giúp mô hình nhận giải Đặc biệt tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Ý nghĩa hơn khi đây là lần đầu tiên Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Mòn 1 có sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh tham dự các cuộc thi đã đoạt giải cao.

“Mô hình “Chiến dịch Điện Biên Phủ” giúp chúng em dễ nhớ hơn các sự kiện, nhân vật lịch sử, hào hứng hơn trong tiết học. Khi sản phẩm đoạt giải Đặc biệt cấp quốc gia, chúng em thấy tự hào, phấn khởi. Đây cũng là động lực lớn lao để nhóm và các bạn tích cực hơn với hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian tới…” – Thèn Thị Doanh bày tỏ.

Mô hình áp dụng tốt cho việc dạy học môn Lịch sử ở trường và cũng có thể trưng bày ở phòng truyền thống để học sinh có tiết học trải nghiệm, tìm hiểu đầy thú vị. Đáng nói, với nguyên liệu chủ yếu được tận dụng, dễ tìm kiếm dễ lắp đặt, các trường có thể nghiên cứu và lắp ráp để tăng cường nguồn đồ dùng, học liệu trong trường học. Thời gian tới, nhà trường sẽ nhân rộng thêm mô hình để nâng cao hiệu quả trong việc giảng dạy môn Lịch sử... - Thầy Trần Văn Lâm (Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Mòn 1, Bắc Hà, Lào Cai)

Tin cùng chuyên mục
18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

Dữ liệu mới đây từ Kaspersky (Hãng bảo mật phần mềm của Nga) công bố cho biết, các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các hình thức lừa đảo tinh vi hay tấn công phi kỹ thuật đang diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, cần hết sức đề cao cảnh giác. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.