Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hội phụ nữ Đắk Nông hỗ trợ hội viên vay vốn làm giàu

Anh Đức - 15:20, 31/07/2023

Thông qua hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Đắk Nông đã phát huy vai trò tích cực trong việc giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Theo đó, dư nợ nhận ủy thác của 8 huyện, thành hội và 71 cơ sở hội đạt trên 1.144 tỷ đồng, với 21.095 hộ vay.

Vốn tín dụng chính sách tiếp sức hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vươn lên thoát nghèo
Vốn tín dụng chính sách tiếp sức hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vươn lên thoát nghèo

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội phụ nữ là tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước và tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp hội phụ nữ tỉnh Đắk Nông đã chủ động, tích cực lồng ghép, phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp tổ chức 161 cuộc tuyên truyền cho hơn 7.000 hội viên và 21 lớp tập huấn thu hút hơn 400 lượt thành viên ban quản lý nguồn vốn ủy thác tại cơ sở và tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) tham gia. Qua các lớp tập huấn, các thành viên ban quản lý nguồn vốn ủy thác các cấp, tổ trưởng, tổ phó tổ TKVV nắm được nội dung các chương trình tín dụng, văn bản mới liên quan đến các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác và quy trình, kỹ năng, nghiệp vụ, lưu trữ hệ thống hồ sơ, biểu mẫu.

Khi tham gia vay vốn, chị em hiểu và thực hiện đúng nghĩa vụ, quyền lợi, sử dụng vốn đúng mục đích, biết cách chi tiêu tiết kiệm, đầu tư có hiệu quả. Qua thống kê, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ nhận ủy thác của 8 huyện, thành hội và 71 cơ sở hội đạt trên 1.144 tỷ đồng, với 21.095 hộ vay. 

Chị Trần Thị Hường, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cho biết: "Được Hội tạo điều kiện vay vốn cũng như tham gia các lớp tập huấn, gia đình tôi đã đầu tư vào việc chăn nuôi heo, chăm sóc vườn cây. Hiện nay, ngoài việc trả được nợ vay, gia đình tôi còn tiết kiệm được một số vốn để xoay vòng làm ăn”. 

Bà Vy Thị Lệ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk R’lấp cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH là nguồn lực quan trọng giúp hội viên, chị em phụ nữ có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, nỗ lực phấn đấu vươn lên. Vì vậy, các cấp hội chú trọng xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra thường xuyên về tình hình sử dụng vốn vay để biết được những hạn chế, từ đó đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả hơn”.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên phụ nữ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên phụ nữ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương

Theo Hội LHPN tỉnh, qua thực tế cho thấy, các cấp hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp với Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung được ủy thác. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát đến 4/8 huyện, thành hội, 4/71 xã, phường, thị trấn, 8 tổ TK-VV và 25 hộ vay vốn.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chủ động, tích cực chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của Ngân hàng CSXH về cho vay tín dụng ưu đãi đến hội viên, phụ nữ. Các cấp hội phối hợp với Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương phân tích, đối chiếu nợ, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, xử lý các trường hợp nợ quá hạn, sử dụng vốn sai mục đích, bỏ đi khỏi địa phương, rủi ro do nguyên nhân khách quan, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ quá hạn 0,1%. Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, các cấp hội sẽ phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Không chỉ làm cho địa danh Hương Khê (Hà Tĩnh) trở nên nổi tiếng, loài bưởi Phúc Trạch cũng mang lại sự giàu có, phồn thịnh cho người dân ở địa phương. Để thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” tiếp tục phát triển ổn định và vươn xa, mang lại nhiều cơ hội tăng nguồn thu nhập cho người dân, huyện Hương Khê và người trông bưởi đã thực hiện nhiều giải pháp để quảng bá thương hiệu bưởi Phúc Trạch.