Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Hội Phụ nữ huyện Phú Thiện (Gia Lai): Chỗ dựa để phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Ngọc Thu - 13:45, 05/11/2022

Không chỉ thường xuyên tuyên truyền, vận động, giúp chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai còn đồng hành, hỗ trợ phụ nữ DTTS có thêm điều kiện về vốn để sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ đã phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Hội LHPN xã Chrôh Pơnan tặng heo đất tiết kiệm cho hội viên phụ nữ DTTS
Hội LHPN xã Chrôh Pơnan tặng heo đất tiết kiệm cho hội viên phụ nữ DTTS

Thay đổi nếp nghĩ

Hội LHPN huyện Phú Thiện hiện có 11 cơ sở Hội, với 12.000 hội viên. Trong đó, hội viên DTTS chiếm tỷ lệ 57%, hộ nghèo hơn 1.000 hộ. Để giúp hội viên phụ nữ DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, Hội LHPN huyện triển khai phong trào “Hội hội viên DTTS thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững”. 

Theo đó, Hội đã chỉ đạo cho các chi hội cơ sở, tập trung vận động phụ nữ DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chị em sử dựng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Qua đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được phát huy và nhân rộng, nhiều gia đình phụ nữ có thu nhập từ 50 triệu đến trên 100 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, để hình thành được thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lí chi tiêu hợp lí trong hội viên phụ nữ đồng bào DTTS, các cấp Hội phụ nữ thành phố đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ đồng bào DTTS tham gia vào các tổ, nhóm tiết kiệm như “Phụ nữ DTTS tiết kiệm từ 5- 10 triệu đồng”, tổ nhóm tiết kiệm xoay vòng, tiết kiệm 5.000đ/người/tháng, “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất”…

Cách đây hơn 6 năm, gia đình chị Nay H’Cach, thôn Chrôh Pơnan, xã Chrôh Pơnan,  thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình chị có 4 người con, nhưng đều trông chờ vào mảnh ruộng khô cằn. Năm 2016, nhận được sự giúp đỡ của Hội LHPN huyện thông qua nguồn vốn vay tín chấp từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chị đã vay 40 triệu đồng để nuôi bò. 

Đồng thời, chị còn được Hội LHPN xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản; tham gia các mô hình hướng dẫn cách chi tiêu tiết kiệm, chị em phụ nữ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học vào chăm sóc cây lúa. Nhờ vậy, chị H’Cách đã tự tin hơn trong việc thay đổi cây trồng, giống mới, cách chăm sóc cây lúa… cho năng suất cao. Đến năm 2018, chị H’Cách đã trả hết nợ và có nguồn vốn để tiếp tục chăn nuôi, sản xuất. Đáng mừng hơn, gia đình chị đã có thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững.

Chị Kpă H’blí (bên phải ảnh) sẵn sàng hỗ trợ chị em phụ nữ DTTS Ba Na vươn lên thoát nghèo
Chị Kpă H’blí (bên phải ảnh) luôn sẵn lòng hỗ trợ chị em phụ nữ DTTS Ba Na vươn lên thoát nghèo

Chị Nay H’Cach phấn khởi kể: “Nhờ có các cấp hội quan tâm cho vay vốn, gia đình mua bò mua ruộng để tăng gia sản xuất, đến nay cũng đã phát triển kinh tế ổn định rồi. Tôi tham gia vào mô hình “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng”. Từ đó, tôi biết cách tiết kiệm, tích lũy để sử dụng khi có việc cần dùng. Vừa qua, với số tiền tiết kiệm được, tôi đã mua được máy công nông, máy xát lúa. Mọi người trong gia đình ai cũng vui mừng, phấn khởi, không còn lo cái ăn như ngày trước nữa”.

Đồng hành cùng phụ nữ DTTS

Tương tự, thông qua câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo bền vững”, cùng với nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội, phụ nữ thôn PleiTelB đã trao “cần câu” cho phụ nữ DTTS, bằng cách gắn vay vốn với “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”. 

Qua đó, Chi hội phụ nữ thôn PleiTelB đã cho 2 hội viên vay, với lãi suất thấp để chăn nuôi trâu bò, heo gà, trồng lúa, mì, mía…phát triển kinh tế gia đình và có điều kiện đầu tư nuôi con ăn học. Hình thức trợ vốn này, không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho hội viên, mà còn giúp hình thành ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết giúp nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Chị Kpă H’blí (thôn PleiTelB, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) chia sẻ: Từ nguồn vốn vay của Hội LHPN huyện, xã tôi đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Đồng thời, mở quán tạp hoá và thu mua nông sản, lúa…. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, tham gia các mô hình tiết kiệm, năm 2015, gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững và có kinh tế khá trong thôn. Bây giờ tôi đang tiếp tục vay vốn để kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ chị em phụ nữ khi cần thiết.

Hội LHPN huyện Phú Thiện tích cực giúp các hộ hội viên DTTS thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững
Hội LHPN huyện Phú Thiện tích cực giúp các hộ hội viên DTTS thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững

Hiện nay, Hội LHPN huyện đã xây dựng được 16 mô hình, CLB “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5 -10 triệu đồng”, với 650 thành viên tham gia, số tiền tiết kiệm hơn 1 tỷ 280 triệu đồng. Ngoài ra, Hội LHPN huyện có 78 tổ vay vốn hoạt động hiệu quả, với số tiền 165 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, đã có 3.543 hộ hội viên phụ nữ được vay vốn. Đến cuối năm 2021, đã có 67 hội viên DTTS thoát nghèo.

Bà Lê Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện cho biết: Để hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau thoát nghèo đem lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, Hội LHPN huyện tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. 

Đồng thời, tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành tiếp tục xây dựng và nhân rộng, nâng cao chất lượng các mô hình phát triển kinh tế, câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả. Hội phấn đấu, hàng năm có ít nhất 5 hộ hội viên DTTS thay đổi nếp nghĩ, tiết kiệm chi tiêu, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần thực hiện thành công hoàn thiện tiêu chí xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.