Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Ngọc Ánh - 14:25, 26/04/2024

Thú chơi đồ cổ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì vậy, việc tạo ra những sân chơi cho các nhà sưu tầm cổ vật và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán cổ vật sẽ giúp những người trẻ trở thành "cánh tay nối dài"của ngành di sản văn hóa nước nhà.

Một nhà sưu tầm trẻ ở Hà Nội cúng tiến sách, chén son vào đền thờ Đại tộc họ Trần ( cụ Trần Thị Tần thân mẫu Nguyễn Du) ở Từ Sơn, Bắc Ninh
Một nhà sưu tầm trẻ ở Hà Nội cúng tiến sách, chén son vào đền thờ Đại tộc họ Trần ( cụ Trần Thị Tần thân mẫu Nguyễn Du) ở Từ Sơn, Bắc Ninh

Trong bài viết “Sưu tầm cổ vật tư nhân ở Việt Nam - Hai thập niên nhìn lại”, ông Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận xét, năm 2000 với sự ra đời của Hội Sưu tầm - Nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long - Hà Nội và sau đó là các hội ở Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình và TP. Hồ Chí Minh đã thực sự biến hoạt động sưu tầm cổ vật tư nhân ở Việt Nam trở thành một “cánh tay nối dài” của ngành di sản văn hóa nước nhà.

Theo ông Quân, “cánh tay nối dài” ấy đã tích cực tham gia với bảo tàng Trung ương và địa phương, tổ chức nhiều cuộc trưng bày lớn, có ý nghĩa, nhân những ngày kỷ niệm của dân tộc, sự kiện quan trọng của địa phương. Ở đó, toát lên một tinh thần hợp tác tự nguyện công - tư theo định hướng xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, để có một kết quả đón nhận hồ hởi của toàn xã hội, tạo sinh khí mới cho hoạt động trưng bày bảo tàng.

Không chỉ hợp tác trưng bày, sưu tầm tư nhân, dưới sự điều dẫn của Hội, đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày độc lập, với những ý tưởng và ngôn ngữ riêng của người chơi, đem đến nhiều sắc màu cho người thưởng lãm, đồng thời giới thiệu nhiều cổ vật có giá trị, mà nhiều khi, trong bảo tàng Nhà nước còn thiếu vắng. Dẫu chưa phổ biến, nhưng đã có biệt lệ, cổ vật tư nhân tham gia với cổ vật bảo tàng Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh, đưa sưu tầm ra nước ngoài trưng bày, qua gợi ý của đối tác, chứng tỏ sự độc, hiếm của cổ vật này đối với phòng trưng bày, đối với nhu cầu thưởng lãm của cộng đồng nước họ và của du khách nước ngoài…

Nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Võ Minh Luân trong
Nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Võ Minh Luân và bộ sưu tập chóe cổ của anh tại tư gia ở TP. Buôn Ma Thuột

Đơn cử như tại tỉnh Đắk Lắk, những nhà sưu tầm đam mê cổ vật trên địa bàn tỉnh đã tề tựu lại với nhau tạo thành Nhóm cổ vật Đắk Lắk để cùng giao lưu, học hỏi, chiêm nghiệm và khám phá những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa. Hiện nay, nhóm có khoảng 20 thành viên, cứ mỗi sáng Chủ Nhật hằng tuần, họ lại gặp nhau tại ngôi nhà số 10 đường Hải Triều (TP. Buôn Ma Thuột) để sinh hoạt. Hầu hết những thành viên trong nhóm đều có thâm niên sưu tập cổ vật, hiện vật, đồ xưa trong nhiều năm. Hiện tại, họ đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật có giá trị cao; không chỉ nhiều về số lượng mà còn đa dạng về thể loại từ chum, ché, đồ đồng, gốm... Trong đó, có những cổ vật gốm Việt rất quý hiếm như: gốm Lý Trần (thế kỷ 11- 14), gốm Chu Đậu Hải Dương (thế kỷ 14 - 15), gốm Quảng Đức, gốm Châu Ổ ở miền Trung (thế kỷ 17 - 19); đồ xưa như những kỷ vật chiến tranh: mũ cối, mũ tai bèo, áo trấn thủ, bình toong, máy chiếu phim, máy đánh chữ, radio, đèn bão…

Nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột), một trong những người sáng lập Nhóm cổ vật Đắk Lắk cho biết, hoạt động chính của nhóm là sưu tầm, nghiên cứu, trao đổi cổ vật, hiện vật các loại ở nhiều thời kỳ khác nhau. Ngoài ra, những nhà sưu tập còn hỗ trợ, tư vấn cho nhau để tránh mua nhầm hàng giả.

Không gian Ngôi Nhà Chóe Đại Ngàn của Nhà sưu tập đồ cổ Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được lấp đầy bởi nhiều hiện vật cổ mang giá trị văn hoá cao
Không gian Ngôi Nhà Chóe Đại Ngàn của Nhà sưu tập đồ cổ Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được lấp đầy bởi nhiều hiện vật cổ mang giá trị văn hoá cao - Ảnh tư liệu

Hay như tại Quảng Bình có CLB UNESCO Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh ra đời từ năm 2014, đến nay đã có 25 hội viên với gần 10 nghìn hiện vật cổ được sưu tầm, lưu giữ. Hiện vật cổ ở Quảng Bình chủ yếu là các sản phẩm gốm sứ đời nhà Nguyễn, các đồ đồng của nền văn hóa Đông Sơn... Những họa tiết trên bề mặt gốm sứ dù đã phủ màu thời gian nhưng vẫn thể hiện độ tinh xảo của đôi bàn tay, tính thẩm mỹ của cha ông thuở trước.

Ông Phan Đức Hòa, Chủ nhiệm CLB UNESCO Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh Quảng Bình cho biết, những người tham gia vào CLB với điều kiện phải có được một số “vốn” kha khá cổ vật và có tình yêu thực sự với cổ vật, với những giá trị xưa cũ của cha ông để lại. Vì chỉ như vậy họ mới biết nâng niu, trân trọng những giá trị cũ kỹ, mới không bán đi những cổ vật khi có người đến hỏi mua với giá cao...

Gia nhập vào "sân chơi" của các nhà sưu tầm cổ vật và qua thực tế tìm hiểu hoạt động sưu tầm, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật cho thấy, theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn thì Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Việc kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Để thẩm định đúng giá trị của một món cổ vật đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về lịch sử, cảm quan nhạy bén. - Ảnh tư liệu
Để thẩm định đúng giá trị của một món cổ vật đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về lịch sử, cảm quan nhạy bén. - Ảnh tư liệu

Trên cơ sở này, từ nhiều năm trước, nhiều Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương đã phát thông tin rộng rãi tới giới sưu tập, khuyến khích đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật với cơ quan quản lý. Đăng ký hiện vật đồng nghĩa với việc được Nhà nước bảo hộ, được hỗ trợ về bảo quản. Thế nhưng, không nhiều nhà sưu tập, chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật mặn mà với chủ trương này.

Lý do, theo nhiều người trong giới chơi cổ ngoạn là sự e ngại khó khăn sẽ gặp phải trong việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp của món đồ mà họ sở hữu. Bởi đồ cổ phải là món đồ có giá trị cả về mặt lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ lẫn giá trị lớn về mặt kinh tế, có niên đại ít nhất 100 năm. Trải qua chiến tranh, bao dâu bể của cuộc đời, việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp cho nhiều hiện vật là chuyện không dễ, thậm chí là không tưởng.

Một lý do quan trọng khác, là Luật Di sản văn hóa quy định, các di vật, cổ vật, bảo vật có nguồn gốc trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đều thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu chiếu theo quy định này, sẽ có rất nhiều hiện vật đang lưu hành có nguồn gốc từ đây. Điều này khiến nhiều nhà sưu tập, chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật e ngại khi đăng ký với cơ quan quản lý bởi nếu đăng ký, không khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.

Học sinh một trường tiểu học ở TP. Hồ Chí Minh tham quan, học tập tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Ảnh:
Học sinh một trường tiểu học ở TP. Hồ Chí Minh tham quan, học tập, tìm hiểu các cổ vật tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Ảnh: tư liệu

Năm 2001, khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chính thức được ban hành đã đem đến một hơi thở, sức sống mới, làm đổi thay nhiều khía cạnh trong lĩnh vực di sản văn hóa nước ta. Trong đó phải nói tới đội ngũ những người yêu thích cổ ngoạn, họ được công nhận quyền sở hữu tư nhân, điều vốn chưa bao giờ được thừa nhận trong các văn bản pháp quy của Nhà nước, kể từ thời phong kiến cho đến năm 2001.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận định, sau 20 năm Luật Di sản văn hóa đi vào đời sống cộng đồng, tư duy, nhận thức của xã hội đã có những thay đổi. Vì vậy, cần nhìn nhận thực tế một số vấn đề để sự sửa đổi, bổ sung một lần nữa đối với bộ luật này được hoàn thiện hơn.

Cụ thể đó là việc cần giải quyết những hạn chế như việc đăng ký cổ vật dường như còn là việc làm dở dang của hầu hết các địa phương, do sự thiếu mặn mà của những nhà sưu tầm khi họ coi đó như một sự siết chặt quản lý của Nhà nước. Việc chưa đăng ký hoặc đăng ký dở dang khiến cho việc quản lý cổ vật còn bị buông lỏng.

Trong khi đó, thị trường cổ vật thật, giả lẫn lộn cũng là một mảng tối trên bức tranh sưu tầm cổ vật tư nhân ở nước ta, cần thiết phải được giải quyết bằng sự tinh thông nhận biết của người có chuyên môn cũng như sự răn đe nghiêm trị của pháp luật với những hành vi vi phạm làm giả cổ vật. Có như vậy, chủ trương của Nhà nước, mong muốn xã hội hóa lĩnh vực này mới trở nên thiết thực và hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.