Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hợp tác xã dệt thổ cẩm Mường Chang: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa

PV - 12:30, 05/06/2018

Đam mê, tâm huyết với nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống, nghệ nhân Hoàng Thị Nhật (dân tộc Tày) ở thôn Chang, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã đứng ra thành lập HTX Dệt thổ cẩm Mường Chang để quy tụ những bàn tay dệt về một mối, tạo thêm thu nhập từ nghề phụ cho chị em những lúc nông nhàn. Vào những buổi chợ phiên Xuân Giang, bà lại “ôm” hàng ra chợ túc tắc bán cho người dân địa phương và khách du lịch.

Gặp nghệ nhân Hoàng Thị Nhật tại “Không gian trưng bày, triển lãm các sản phẩm địa phương” tại TP. Hà Giang, bà chia sẻ, nghề dệt vải thủ công truyền thống đã tạo cơ hội cho bà được đi nhiều nơi để giao lưu học hỏi, mở mang tầm nhìn, học cách tiếp thị, chào bán sản phẩm. Nhờ đó, bà cũng năng động, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường, làm ra những sản phẩm khách hàng thích, chứ không phải làm ra cái mình thích.

Nghệ nhân Hoàng Thị Nhật trình diễn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tày tại TP. Hà Giang. Nghệ nhân Hoàng Thị Nhật trình diễn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tày tại TP. Hà Giang.

Xưa kia, bà Nhật cũng như các chị em ở thôn Chang chỉ quen dệt vải thô, nhuộm chàm để may trang phục truyền thống; dệt vỏ chăn thổ cẩm, vải làm khăn hoặc làm địu trẻ em… Những mẫu sản phẩm này mang ra chợ bán chủ yếu phục vụ người dân địa phương mua về để làm lễ cưới vợ, gả chồng cho con. Còn khách miền xuôi, khách du lịch thì không ưa chuộng.

Năm 2012, Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Mường Chang ở thôn Chang được thành lập với 15 thành viên tham gia, lúc này, bà Chủ nhiệm HTX Hoàng Thị Nhật mới thực sự tất bật, lo toan trong vai trò người “đứng mũi, chịu sào”.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo niềm tin cho khách hàng, bà Nhật cùng các thành viên trong HTX đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo ra các mẫu mã, hoa văn mới; học thêm kỹ thuật thêu để đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm. Ngoài những sản phẩm truyền thống là váy, áo, khăn, vỏ chăn, HTX còn dệt thêm những sản phẩm mới như túi xách, dép, thú nhồi bông, túi đựng điện thoại nhỏ nhắn, đơn giản, tinh tế với những sắc hoa văn truyền thống. Giá bán dao động từ 30.000 đồng (dây dao, túi đựng điện thoại) đến cả triệu đồng (mặt chăn, khăn trải bàn).

Các nghệ nhân trình diễn công đoạn dệt vải, làm mềm vải của người Tày. Các nghệ nhân trình diễn công đoạn dệt vải, làm mềm vải của người Tày.

Với sự tâm huyết, nhiệt tình, bà Nhật không chỉ đưa sản phẩm ra các chợ phiên địa phương mà còn đem trưng bày ở nhiều hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài tỉnh. Tiếng lành đồn xa, dệt thổ cẩm Mường Chang không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng ở Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái... đặt mua. Theo đó, thu nhập từ nghề dệt truyền thống (nghề phụ) của chị em trong HTX Mường Chang có thời điểm cũng đạt 1,5-2 triệu đồng/người.

Những nỗ lực của nghệ nhân Hoàng Thị Nhật trong việc bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống của người Tày ở thôn Chang đã được chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Điều đó đã mang lại niềm vui, tạo động lực khích lệ to lớn đối với bà.

Tuy nhiên, theo bà Nhật chia sẻ: “Để vận hành, phát triển HTX Dệt thổ cẩm Mường Chang còn rất nhiều khó khăn vì chúng tôi chưa có gì trong tay. HTX chưa có cơ ngơi để sản xuất tập trung- khung cửi nhà nào, nhà đó tự dệt; nhà trưng bày sản phẩm nghề dệt cũng không có. Có một số đoàn khách du lịch nước ngoài đến thăm quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại huyện Quang Bình nhưng họ không biết chúng tôi có bán sản phẩm thổ cẩm”.

Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất thủ công nên số lượng làm ra không nhiều. Mỗi buổi chợ phiên, “bà Chủ nhiệm” mang ra chợ bán cũng không tiêu thụ được bao nhiêu. Thỉnh thoảng tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh chủ yếu để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống của địa phương là chính. Để mở rộng thị trường, phát triển bền vững, nghề dệt truyền thống của người Tày ở Xuân Giang vẫn còn nhiều thách thức.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.