Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hợp tác xã Ván Chi - Nơi lưu truyền nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn

Kim Anh - 11:14, 24/08/2022

“Nghề dệt thổ cẩm là một đặc trưng văn hóa của dân tộc Pà Thẻn. Nếu mình không cố gắng, chủ động tìm tòi, lưu giữ những kiến thức để bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ trẻ sau này, thì văn hóa truyền thống ấy có nguy cơ bị mai một”, nghệ nhân Ván Thị Chi - Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi chia sẻ.

Nghệ nhân Ván Thị Chi giới thiệu sản phẩm thổ cẩm khi tham gia dự án "Chúng tôi có thể - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn"
Nghệ nhân Ván Thị Chi giới thiệu sản phẩm thổ cẩm khi tham gia dự án "Chúng tôi có thể - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn"

Trân trọng trang phục truyền thống

Một ngày mùa Thu tháng 8, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Ván Thị Chi - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi ở Thôn Mác Thượng , xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Trong căn nhà nhỏ truyền thống, người phụ nữ dân tộc Pà Thẻn ở độ tuổi trung niên, với gương mặt phúc hậu đang miệt mài những đường kim mũi chỉ cho công đoạn cuối cùng của bộ trang phục dân tộc truyền thống Pà Thẻn.

Bên chiếc khung cửi và chồng vải với sắc màu đỏ nổi bật, nghệ nhân Ván Chi ân cần kể cho chúng tôi, nghề dệt thổ cẩm là một đặc trưng văn hóa phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của dân tộc Pà Thẻn. Ở tuổi 12, 13 bà được mẹ chỉ dạy nhận biết thế nào là khung cửi, cách thêu hoa, tạo hình hoa văn trên thổ cẩm truyền thống… Năm 16 tuổi, bà đã dệt thành thạo các loại hoa văn khó như: Hình con chó, hình thập ngoặc hay hình quả trám… Từ đó, bà có thể tự tay thêu, dệt được những bộ trang phục dân tộc truyền thống với khăn đội, váy, áo, chăn, gối trước khi lập gia đình.

Nghệ nhân Ván Thị Chi (bên trái) chụp ảnh lưu niệm trong ngày Lễ ra mắt HTX thổ cẩm Pà Thẻn thôn Mác Thượng
Nghệ nhân Ván Thị Chi (bên trái) chụp ảnh lưu niệm trong ngày Lễ ra mắt HTX thổ cẩm Pà Thẻn thôn Mác Thượng

“Càng làm tôi càng thấy yêu và đam mê với những hoa văn trên những bộ trang phục của dân tộc mình. Trước đây, những cô gái trẻ người Pà Thẻn đều biết các kỹ năng thêu, dệt và chắp vá hoa văn trước khi đi làm dâu. Nhưng hiện nay, các em học sinh được đi học đầy đủ thì lại không biết đến nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình. Nhận thấy nguy cơ mai một nghề truyền thống của ông cha ta, tôi muốn mở lớp và truyền dạy cho thế hệ trẻ ngày nay”, bà Chi tâm sự.

Năm 2020, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn Nhà nước, bà đã mạnh dạn vận động, tập hợp một nhóm với hơn chục chị em có tay nghề dệt thổ cẩm trong thôn, thành lập HTX Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi tại xã Tân Trịnh, vừa truyền dạy nghề dệt cho chị em trong thôn, vừa tạo sản phẩm bán ra thị trường.

“Thời gian đầu, để vận hành được HTX, tôi phải đầu tư mua thêm vải, chỉ với số lượng lớn để chị em trong thôn cùng làm. Kinh phí sản xuất không có nhiều, nên làm đến đâu, thiếu vật liệu gì thì tôi lại bổ sung đến đó”, nghệ nhân Ván Chi cho biết.

“Tôi dạy các em về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, về dân ca âm nhạc, những điệu hát giao duyên để các em có thể phần nào hiểu hơn về những giá trị truyền thống của cha ông để lại”.

Nghệ nhân Ván Thị Chi

Đến nay, sau hơn 2 năm HTX được thành lập, các sản phẩm của HTX ngày càng đa dạng phong phú, với khăn đội, trang phục dân tộc, mặt gối. Giá trung bình của mỗi bộ trang phục dân tộc Pà Thẻn từ 2 - 4 triệu đồng.

Việc thành lập HTX, vừa bảo đảm công việc ổn định cho nhiều chị em và còn truyền, dạy nghề dệt thổ cẩm cho con em trong thôn. Nhờ đó, bà đã gìn giữ, bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn nơi đây.

Lưu giữ cho mai sau

Để làm ra một bộ trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn phải mất hàng tháng, từ dệt vải, nhuộm, khâu tay, sau đó thêu trang trí họa tiết... Những thành phần cơ bản của bộ trang phục gồm váy, áo, khăn đội đầu xếp nhiều lớp, thắt lưng. Màu sắc chủ đạo của trang phục là đỏ, đen và trắng. Hiện nay, trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn chủ yếu được mặc trong ngày cưới, ngày Tết hay dịp lễ, hội quan trọng.

Vừa qua, nghệ nhân Ván Chi đã tham gia dạy lớp dạy nghề dệt thổ cẩm và văn hóa dân tộc Pà Thẻn cho các em học sinh xã Tân Trịnh. “Tôi dạy các em về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, về dân ca âm nhạc, những điệu hát giao duyên để các em có thể phần nào hiểu hơn về những giá trị truyền thống của cha ông để lại”, nghệ nhân Ván Chi chia sẻ.

HTX Pà Thẻn Ván Chi luôn tích cực học tập, trau dồi kinh nghiệm để truyền lại cho thế hệ trẻ ngày nay
Các thành viên trong HTX Pà Thẻn Ván Chi luôn tích cực học tập, trau dồi kinh nghiệm để truyền lại cho thế hệ trẻ ngày nay

Không chỉ dừng lại ở những tiết học trên nhà trường, điều mà người nghệ nhân dân tộc Pà Thẻn mong muốn hơn đó là có thể mở một lớp ở trong thôn bản để duy trì văn hóa dân tộc. Nghệ nhân Ván Chi cho biết: Những người già trong bản hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn giờ không còn nhiều, mình phải cố gắng tìm tòi, lưu giữ được càng nhiều kiến thức thì mới bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau được; mình sẽ cố gắng không để truyền thống văn hóa dân tộc Pà Thẻn bị mai một.

Nói về những trăn trở và khó khăn với các sản phẩm may dệt của mình, Nghệ nhân Ván Chi trầm ngâm nói, khâu đầu ra là một trong những khó khắn lớn nhất hiện nay. Các sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh, chưa cung ứng ra các tỉnh lân cận.

“Khâu đầu ra cũng là một bài toán khó với HTX chúng tôi trong thời gian tới. Vì vậy, tôi hy vọng trong tương lai Quang Bình sẽ ngày càng phát triển hơn nữa để văn hóa và du lịch đồng hành song song, nhiều du khách khi đến đây có thể biết đến trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn hơn”, nghệ nhân Ván Chi chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình cho biết: Với tình yêu, niềm đam mê văn hóa, Nghệ nhân Ván Thị Chi tích cực bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm và những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Pà Thẻn. Bà là tấm gương sáng điển hình để chị em phụ nữ trong thôn, xã học tập và noi theo phong trào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.