Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Huyện miền núi thứ hai ở Quảng Ngãi hoàn thành xóa nhà tạm

T.Nhân - H.Trường - 8 giờ trước

Sau một thời gian gấp rút triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến thời điểm này, huyện Sơn Tây đã hoàn thành Chương trình. Đây là huyện miền núi thứ hai của tỉnh Quảng Ngãi về đích Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Những căn nhà sàn của đồng bào DTTS huyện Sơn Tây vừa được hoàn thành theo chương trình xoá nhà t, nhà dột nát
Những căn nhà sàn của đồng bào DTTS huyện Sơn Tây vừa được hoàn thành theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Sơn Tây có 617 nhà, trong đó xây mới 507 nhà và 110 nhà sửa chữa. Ông Đinh Trường Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết, tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở là gần 34 tỷ đồng, trong đó kinh phí Trung ương phân bổ được hơn 14 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 2 tỷ đồng, còn lại là từ ngân sách huyện và đặc biệt là vận động từ các nhà tài trợ trên địa bàn.

Địa bàn huyện Sơn Tây có địa hình phức tạp, nên việc vận chuyển vật tư để xây dựng nhà ở khó khăn, chi phí vận chuyển cao, gây nhiều trở ngại cho Chương trình. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các xã xây dựng kế hoạch, xác định rõ tiến độ thực hiện theo từng mốc thời gian; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở đúng kế hoạch.

Việc phát huy tinh thần tương thân, tương ái, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tích cực hưởng ứng, hỗ trợ, đóng góp là cơ sở quan trọng để Chương trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện đã về đích sớm so kế hoạch.

Theo ông Đinh Trường Giang, một số xã có cách làm rất sáng tạo. Khi nguồn kinh phí chưa được phân bổ về, để bảo đảm cho người dân có nơi ở tốt hơn, xã linh động sử dụng các nguồn kinh phí của địa phương cho ứng trước và xây dựng. Đến nay, 100% nhà đã hoàn thành. 

Rút kinh nghiệm từ những chương trình khác, khi thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện đã tăng cường truyên truyền về công tác bảo vệ rừng, đã hạn chế tối đa việc người dân phá rừng lấy gỗ làm nhà. Qua theo dõi, kiểm tra gần như không có hộ dân vào rừng phá rừng lấy gỗ làm nhà.

Tin cùng chuyên mục