Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Huyện ủy Đăk Hà (Kon Tum) chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc gom mua đất sản xuất của đồng bào DTTS

Ngọc Chí - 02:51, 14/06/2024

Huyện ủy Đăk Hà vừa có báo cáo gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum báo cáo về tình trạng gom mua đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại xã Đăk Pxi và tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý của huyện thời gian qua, biện pháp trong thời gian tới. Trước đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum có Văn bản đề nghị Huyện ủy Đăk Hà chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh.

Khu vực (Cây đa cười) giáp ranh giữa thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long và thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi khi chưa bị san lấp (Ảnh chụp từ Google Maps)
Khu vực Cây đa cười giáp ranh giữa thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long và thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi khi chưa bị san lấp (Ảnh chụp từ Google Maps)

Theo báo cáo của Huyện ủy Đăk Hà, kết quả kiểm tra, xác minh đối với nội dung phản ánh “Gom mua đất của đồng bào DTTS”: Từ cuối năm 2023, bà Trương Thị Tình (thường trú tại Tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) vào địa bàn xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà để thỏa thuận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp của 10 hộ gia đình, cá nhân là người đồng bào DTTS, với diện tích khoảng 10,44ha (một số trường hợp không nhớ rõ diện tích đã chuyển nhượng). Qua xác minh, hầu hết các trường hợp chuyển nhượng Quyền sử dụng đất đều là các hộ người DTTS (có 01 trường hợp hộ ông A Bình là thuộc diện hộ nghèo), có hoàn cảnh khó khăn, để có tiền trang trải cuộc sống và các hộ đã tự nguyện chuyển nhượng Quyền sử dụng đất.

Đối với nội dung “Ngang nhiên san lấp đất ruộng”: Ngày 23/5/2024, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, UBND xã Đăk Pxi, UBND xã Đăk Long đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản ghi nhận hiện trường vụ việc thông tin phản ánh hành vi san lấp mặt bằng không đúng mục đích sử dụng đất tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã thuộc thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long và thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, tổng diện tích san ủi mặt bằng là 6.699m2 (xã Đăk Pxi là 4.217m2, xã Đăk Long là 2.482m2). Trong đó, diện tích san gạt mặt bằng trên diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và lâu năm là 5.443m2; diện tích san lấp mặt bằng trên phần diện tích đất trồng lúa là 1.256m2; chiều cao bình quân là 1,5m, với khối lượng đất lấp khoảng 1.884m3. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, UBND xã Đăk Pxi, UBND xã Đăk Long củng cố, xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo đúng quy định pháp luật.

Các đối tượng đưa máy múc vào san lấp đất trái quy định của pháp luật tại khu vực cây đa cười (Ảnh chụp vào thời điểm các đối tượng tổ chức san lấp)
Các đối tượng đưa máy múc vào san lấp đất trái quy định của pháp luật tại khu vực Cây đa cười (Ảnh chụp vào thời điểm các đối tượng tổ chức san lấp)

Trong thời gian tới, Huyện ủy Đăk Hà tiếp tục chỉ đạo UBND huyện củng cố xác lập hồ sơ xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai đối với vụ việc nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, ngăn chặn và hạn chế tình trạng môi giới (có) để sang nhượng đất và vay tín dụng vào mục đích tiêu dùng cá nhân hoặc sử dụng vào mục đích không phù hợp trong vùng đồng bào DTTS. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra việc san lấp đất ruộng và gom mua đất sản xuất của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy về đất đai, xây dựng, đặc biệt tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03-CT/HU, ngày 06/4/2022; Thông báo Kết luận số 668-TB/HU, ngày 20/6/2023… tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong việc chấp hành các quy định về quy hoạch, xây dựng, đất đai gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.

Hiện trạng khu vực Cây đa cười sau khi bị san lấp
Hiện trạng khu vực Cây đa cười sau khi bị san lấp

Tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các hộ dân người đồng bào DTTS sử dụng có hiệu quả đất ở, đất sản xuất, cam kết với chính quyền không thực hiện việc chuyển nhượng Quyền sử dụng đất khu được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chỉ đạo UBND huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 48/2023/QĐ-UBND ngày 07/9/2023 của UBND tỉnh Kon Tum quy định định mức đất ở, đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình chưa có đất ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Kiên quyết không xác nhận, giải quyết hồ sơ sang nhượng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân là người đồng bào DTTS có nguy cơ thiếu đất sản xuất; những trường hợp được giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất (theo Quyết định 132/2002/QĐ-TTg và Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ) và những trường hợp được giao đất, giao rừng để quản lý bảo vệ rừng.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc về quá trình xử lý vụ việc.

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.