Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kadá Phượng - Nghệ nhân kèn bầu của đồng bào Raglay

Sơn Ngọc - 14:58, 20/04/2023

Kadá Phượng, dân tộc Raglay là nghệ nhân tiêu biểu của đội mã la thôn Tà Dương, thuộc xã Phước Thái, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Trong các mùa lễ hội truyền thống, tiếng kèn bầu trữ tình tha thiết chất “núi rừng” của ông cất lên làm thổn thức lòng người.


Nghệ nhân Kadá Phượng biểu diễn kèn bầu tại tháp Pokong Garai.
Nghệ nhân Kadá Phượng biểu diễn kèn bầu tại tháp Pokong Garai.

Tôi gặp nghệ nhân Kadá Phượng lần đầu tiên tại Lễ đón nhận danh hiệu xã Phước Thái đạt chuẩn nông thôn mới hồi tháng 9/2015. Trong đội mã la thôn Tà Dương, ông đảm nhận vai trò đánh trống cái với nhịp vang chắc khỏe hòa cùng các nhạc cụ mã la, kèn bầu đón mừng ngày hội lớn quê hương, tạo không khí rộn ràng vui tươi của ngày lễ.

Mới đây, chúng tôi đến tận nhà nghệ nhân Kadá Phượng để nghe ông chia sẻ về “cơ duyên” gắn với nhạc cụ dân tộc Raglay và việc gìn giữ văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình. Ngôi nhà cấp bốn của nghệ nhân Kadá Phượng nằm bên cạnh dòng kênh Nam đầy ắp nước. Quanh nhà bề bộn rơm khô và cây bắp dự trữ nguồn thức ăn cho 5 con bò chăn nuôi sinh sản. Nghệ nhân Kadá Phượng vui vẻ nói: “Khi trưởng thôn “alô” tập trung biểu diễn là mình giao ngay đàn bò, ruộng rẫy cho vợ trông coi để sẵn sàng luyện tập “hòa nhịp” cùng đội mã la của thôn”.

Kadá Phượng chia sẻ, tuổi thơ ở thôn Tà Dương, nghe tiếng trống, tiếng mã la, tiếng kèn bầu cất lên là tâm hồn ông nhập tâm ngay vào giai điệu. Lớn lên, nhờ nghệ nhân Chamaleá Thanh truyền dạy thổi khèn bầu, Chamaleá Linh truyền dạy đánh mã la giúp Kadá Phượng nắm vững làn điệu, tiết tấu. Với phong cách biểu diễn điêu luyện, Kadá Phượng có thể thổi kèn bầu hòa nhịp mã la với các bài bản truyền thống phổ biến như: Răq Ia (Theo nước), Chip Yâu (Chim kêu), Budi Tuih (Chim Rù Rì), Peq bok Rupai (Hái trái đậu), Tikay aday nao kajăp karo (Cái chân em đi mạnh giỏi), Kalak Toah Ia (Ó đi tìm nước), Sia (Đoàn tụ)… Vào những dịp thôn xóm có lễ hội, hiếu, hỷ, bạn bè đến nhà thăm chơi, tiếng kèn bầu hòa nhịp gắn kết tình cảm thân thiết của bà con thôn xóm. Kèn bầu có thể biểu diễn độc tấu hoặc hòa chung “lời ăn tiếng nói” với mã la, tù và, chapi, trống đất… tạo nên âm vang núi rừng đặc sắc làm quyến rũ lòng người.

Nghệ nhân Kadá Phượng (thứ tư từ trái qua) trong đội hình mã la thôn Tà Dương.
Nghệ nhân Kadá Phượng (thứ tư từ trái qua) trong đội hình mã la thôn Tà Dương.

Kadá Phượng cho biết, việc chế tác chiếc kèn bầu của người Raglay rất công phu. Nghệ nhân phải dày công sưu tầm trái bầu già có chiều dài khoảng 30cm và mài 6 lá đồng dài 2cm, mỏng như lá lúa lắp vô 6 ống là a đường kính khoảng 1cm, trên mỗi ống có khoét lỗ nhỏ vừa đặt đầu ngón tay để điều chỉnh âm thanh trầm bổng. Nghệ nhân phải mất 7 - 10 ngày lao tâm khổ tứ lắp đặt, cân chỉnh âm thanh chiếc kèn bầu khi thổi lên nghe “có hồn, có vía” rồi ở lại mãi với lòng người.

Nói về nghệ nhân Kadá Phượng, Trưởng thôn Tà Dương - Daghe Hoàng Thọ ghi nhận: “Nghệ nhân Kadá Phượng là nhân tố điển hình trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Từ nhạc công biểu diễn thành thục mã la, anh đã chuyển sang học tập và nỗ lực biểu diễn thành công kèn bầu, tích cực góp phần xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở địa bàn khu dân cư”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.