Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Kéo bạc kéo cả thời gian

Hoàng Quý - 16:53, 04/02/2022

Từ xa xưa, bên dòng suối Pờ Hồ trong xanh thơ mộng, dưới chân đỉnh núi Ky Quan San hùng vỹ, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi quây quần chừng sáu mươi nóc nhà của người Dao đỏ (thuộc dân tộc Dao), nổi tiếng với nghề “kéo bạc”.

Người Dao tự hào về nghề chạm khắc bạc. (TL)
Người Dao tự hào về nghề chạm khắc bạc. (TL)

“Những người muôn năm cũ”

Thôn Séo Pờ Hồ nằm bên bờ suối Pờ Hồ trong xanh, dựa lưng vào dãy Ky Quan San, đây là nơi cư trú của khoảng 60 hộ dân tộc Dao, nổi tiếng với những người thợ chạm bạc lành nghề, mà người dân ở đây vẫn quen gọi là nghề kéo bạc. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, đi hết con đường đất nhỏ đến tận cuối bản mới tìm được nhà ông Tẩn Phù Thàng, một người thợ chạm bạc nổi tiếng nhất vùng. Điều bất ngờ nhất khi tới nhà ông Thàng, đó là một ngôi nhà xây khang trang nổi bật giữa những mái nhà tranh của dân bản.

Ông Thàng năm nay trạc ngoài năm mươi, ông là người nắm giữ những bí quyết đặc biệt trong nghề chạm bạc của người Dao đỏ, nổi tiếng khắp Mường Hum. Theo nghề bạc đã hai mươi năm nay, chẳng thể đếm hết được bao nhiêu chiếc vòng, bao nhiêu bộ áo mũ đã được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của ông. Khi thấy ông Thàng chăm chút, kỹ lưỡng trong từng công đoạn nhỏ của quá trình chế tác bạc, mới thấy tâm huyết của người thợ bạc đều đặt hết lên những sản phẩm của mình. Bởi lẽ, làm bạc phải yêu nghề, chăm chút trong từng công đoạn, đặt tâm tư của mình vào từng ngọn lửa, từng mắt xích nhỏ thì bạc làm ra mới có hồn và thêm phần tinh tế.

Đôi bàn tay khéo léo của người thợ chăm chút cho từng công đoạn nhỏ
Đôi bàn tay khéo léo của người thợ chăm chút cho từng công đoạn nhỏ

Theo chân ông Thàng ra sau nhà, nơi ông dành riêng một gian phòng để làm bạc, chúng tôi được ông giải thích rõ hơn các công đoạn của quá trình chạm khắc bạc. Ông châm bếp lò bằng những miếng củi thông vẫn còn thơm, ông cẩn trọng đem bạc ta, pha lẫn với một loại bạc truyền thống của người Dao, vừa để sản phẩm làm ra chắc chắn, vừa có màu bạc sáng đẹp.

Đây là khâu quan trọng nhất của quá trình làm bạc, vì nếu pha không chuẩn, đun lửa còn non hay đun quá tay một chút là bạc sẽ không thành hình, không thể tiến hành những công đoạn tiếp theo. Sau khi đun nóng bạc, là tới công đoạn đánh bạc, bạc được đổ vào khuôn phù hợp với hình dáng mà người thợ bạc mong muốn.

Ông Thàng vừa đổ bạc vào khuôn vừa chậm rãi giải thích “Khuôn đổ bạc và các đồ dùng chế tác bạc của người Dao hầu hết đều được làm bằng sừng trâu, hơn nữa phải là những con trâu đực khỏe mạnh, có cặp sừng dài và thật cứng. Dùng sừng trâu làm khuôn mới chịu được sức nóng của bạc, hơn nữa bạc cũng sẽ không bị pha tạp chất và mất đi giá trị”.

Thợ chạm bạc tỉ mỉ trong từng công đoạn làm ra sản phẩm
Thợ chạm bạc tỉ mỉ trong từng công đoạn làm ra sản phẩm

Giá trị từ những điều đặc biệt 

Đôi bàn tay ông thoăn thoắt dùng chiếc búa bằng sừng trâu, gõ nhẹ vào khuôn, kéo những miếng bạc đã khô ra đem đi tạo hình. Ông Thàng đeo cặp kính lão, lấy ra bộ dao búa tỉ mẩn, chăm chú chạm những hoa văn tinh tế lên chiếc vòng tay. Đây là khâu làm bạc đem đến những giá trị và sự đặc biệt của trang sức bạc người Dao đỏ so với những dân tộc khác. Nó không chỉ ấn tượng, khác lạ về hình khối, kiểu dáng, mà còn đặc biệt bởi những hoa văn độc đáo, được chạm khắc tinh tế, hài hoà.

Bà Lý Tả Mẩy, vợ ông Tẩn Phù Thàng tháo đôi khuyên tai của mình xuống, giải thích cho chúng tôi những hoa văn chạm khắc trên đó. “Trên đồ trang sức của người Dao đỏ thường có hoạ tiết hình cây cối, hoa lá, mặt trời, chim, thú,… Đó đều là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người Dao mà từ xưa tổ tiên cũng đã sử dụng làm trang sức và quần áo”.

Đôi bàn tay của người phụ nữ Dao thoăn thoắt nhóm lửa, giúp chồng dùng hàn the nối những khớp nối trên một đoạn dây xích. Ông Thàng dùng một chiếc ống dài, rỗng ruột, từ từ thổi hơi đưa lửa qua những khớp nối mà bà Mẩy vừa chấm hàn the. Khi thổi bạc để hàn, thợ giỏi phải biết điều chỉnh luồng hơi từ miệng qua ống để ngọn lửa vừa đủ, mối hàn không chỉ bền chắc mà còn đẹp mắt.

Trước mắt tôi là một bộ cúc áo, vòng bạc và dây xích chuông bạc ông Thàng đã kỳ công làm cả tháng nay. Ông Thàng bảo, giờ chỉ cần đánh bóng là có thể giao cho cô dâu mới sắp về nhà chồng.

Kéo bạc kéo cả thời gian 3

Ở Séo Pờ Hồ, người làm bạc đang dần ít đi, người làm bạc lâu và khéo như ông Thàng lại càng hiếm hơn. Do vậy, trong bản, ai muốn học làm bạc ông Thàng đều giúp đỡ và chỉ dạy nhiệt tình, ông muốn lưu giữ nghề chạm bạc như một cách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người Dao. Những người Dao đeo bạc vừa để có cuộc sống tốt hơn, vừa để không phụ lòng và giữ gìn những nét văn hoá mà người xưa lưu truyền lại.

Ông Thàng đem bộ trang sức bạc mới làm xong giao tận tay một cô dâu sắp về nhà chồng, chẳng biết trong cuộc đời làm bạc của mình, ông đã góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bao nhiêu cặp vợ chồng người Dao nữa. Ông kể, mỗi nhà trong bản có con cái sắp lấy chồng đều đặt làm một bộ trang sức bạc, vừa là của hồi môn, vừa đem lại nhiều điều may mắn. Nhờ có làm bạc, mà đời sống của gia đình ông cũng khấm khá hơn, xây được nhà, mua được trâu, cho con cái học hành tử tế. Những hộ khác trong thôn cũng có cuộc sống ấm no nhờ nghề chạm bạc.

Ông Thàng cho biết thêm, nghề chạm bạc của người Dao đỏ từ bao đời nay đều là cha truyền con nối. Nhà ông có sáu người con, ba trai, ba gái thì cả ba con trai và hai con rể của ông đều theo cha học nghề chạm bạc. Không chỉ để giữ nghề, mà còn để thúc đẩy nghề chạm bạc của người Dao tiến gần hơn tới con đường trở thành di sản văn hoá.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.