Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Khai quật khảo cổ tại Thành cổ Luy Lâu

Nguyệt Anh - 14:50, 29/03/2022

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Đại học Đông Á và Đại học Shimane (Nhật Bản) khai quật khảo cổ tại Di tích Thành cổ Luy Lâu.

Khai quật khảo cổ tại Thành cổ Luy Lâu trong các đợt trước (Ảnh BND)
Khai quật khảo cổ tại Thành cổ Luy Lâu trong các đợt trước (Ảnh BND)

Thời gian khai quật diễn ra từ ngày 25/3 đến ngày 25/5 trên diện tích 80m2. Dự án khai quật do ông Lê Văn Chiến, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì.

Quyết định nêu rõ, trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích Thành cổ Luy Lâu; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Thành Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Qua nhiều lần khảo cổ, các nhà khoa học phát hiện nhiều hiện vật có giá trị và đã đưa ra đánh giá: Trước đây, chúng ta vẫn coi Luy Lâu là sở lị của chế độ phong kiến Bắc Thuộc, nhưng thực chất, đây còn là một đô thị cổ diễn ra nhiều hoạt động phong phú của người Việt.

Mặc dù thành Luy Lâu có từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, đã qua nhiều thăng trầm, chịu sự tàn phá của thiên nhiên, con người, nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích cổ.

 Thành Luy Lâu hiện còn giữ nguyên được một nửa thành cũ với diện tích 132.258m2 ở phía Tây Nam. Phía Đông đã trở thành đất thổ cư của làng Lũng Khê. Bên trong thành có chùa Phi Tướng, chùa Bình. Chùa thờ tượng Sỹ Nhiếp có từ thời Lê Nguyễn.

Bờ thành bằng đất còn cao khoảng 1-2m, mặt thành rộng 1,5m. Trong khu vực thành còn đền, mộ, chùa, tứ trấn (4 gò đất nhô cao lên so với mặt thành). Đặc biệt, di tích cổ vẫn còn tồn tại từ thế kỷ thứ 2 chính là chiếc cầu đá, lối đi vào đền thờ Sỹ Nhiếp.

Qua một số đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật quý, dày đặc dưới lớp đất canh tác như: đồ gốm, gạch ngói thời Hán, hàng trăm lò nấu đồng, móng gạch có niên đại sớm và dấu tích của một kiến trúc cổ đã bị cháy… Năm 2006, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh đã có kế hoạch trùng tu, tôn tạo và tới năm 2011 sẽ có hướng bảo tồn cụ thể.

Hiện nay, con sông cổ đang ngày bị thu hẹp lại do sinh hoạt của người dân. Tường thành thì luôn đứng trước nguy cơ bị con người xâm lấn, tàn phá… Thành Luy Lâu cần được đầu tư, phục dựng sớm để lưu giữ giá trị lịch sử còn lại với thời gian, để thế hệ sau này hiểu về một thời kỳ lịch sử thăng trầm của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.