Ngày 27/10, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND huyện Cam Lâm và 2 trường: Tiểu học Sơn Tân, Mầm non Họa Mi (xã Sơn Tân). Đoàn đánh giá chất lượng nói và viết tiếng Việt của các học sinh DTTS được cải thiện, chất lượng giáo dục ở vùng DTTS ngày càng được nâng lên; địa phương đã quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trên địa bàn, nhất là vùng DTTS.
Đoàn giám sát cũng đã trao đổi, làm rõ những khó khăn của địa phương trong tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS, như: 1/3 số học sinh còn e ngại, nhút nhát trong giao tiếp bằng tiếng Việt; giáo viên chủ yếu là người Kinh, không biết tiếng DTTS, nên khó giao tiếp với phụ huynh trong chăm sóc, giáo dục trẻ…
Đoàn đề nghị huyện Cam Lâm tiếp tục quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng DTTS trên địa bàn. Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của địa phương, các trường liên quan đến tăng chế độ hỗ trợ cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS để nâng cao thể trạng; hỗ trợ thêm kinh phí cho các lớp tăng cường tiếng Việt trong hè…
Trước đó, ngày 26/10, Đoàn đã tiến hành giám sát tại Tp. Cam Ranh. Đoàn đã làm việc với UBND Tp. Cam Ranh; khảo sát tại các trường tiểu học: Cam Phước Đông 1, Cam Thịnh Tây. Đoàn đánh giá cao những kết quả đạt được của Cam Ranh trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, cũng như đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức giáo dục phổ thông.
Đoàn cũng đã trao đổi, làm rõ những khó khăn của địa phương trong việc vận động học sinh ra lớp; cơ sở vật chất của một số trường chưa bảo đảm để mở bán trú, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; trang thiết bị dạy học còn hạn chế; chế độ cho giáo viên còn thấp…
Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của địa phương, các trường về chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh vùng DTTS; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường có học sinh người DTTS…