Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar

L.Phương - 01:07, 11/05/2023

Ngày 10/5 (tức ngày 21/3 âm lịch), UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang năm 2023. Ngay từ sáng sớm, đã có rất đông du khách, người dân là đồng bào Chăm từ các tỉnh thành trong cả nước mang theo nhiều lễ vật, hương hoa, trái cây, bánh kẹo… đến dâng lên Tháp Tháp Bà Ponagar cúng tế, hành lễ.

Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar
Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Tháp Bà Ponagar Nha Trang là quần thể kiến trúc đền tháp Chăm được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII, là di sản văn hóa tiêu biểu, nổi bật của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và của cả nước nói chung; là tín ngưỡng văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng dân tộc Việt và Chăm, nơi giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc đến với khách tham quan trong và ngoài nước.

Nghi lễ trong Lễ hội Tháp Bà Ponagar
Nghi lễ trong Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Tháp Bà Ponagar là lấy tên của tháp cao nhất, to nhất trong quần thể khu đền tháp Chăm trên đồi Cù Lao. Trong ngôi tháp này thờ Bà Pô I Nư Na Gar (Bà mẹ xứ sở của Người Chăm). Sau khi người Việt vào vùng đất này sinh sống (1653) “sản sinh” ra một tín ngưỡng mới - tín ngưỡng thờ Mẫu (mẹ) Thiên Y A Na trên nền tảng khu đền tháp Ponagar; thời nhà Nguyễn sắc phong cho Bà là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi (Bà Chúa Ngọc). Quần thể di tích kiến trúc Tháp, với tổng diện tích là 57.000 m2 kéo dài theo hướng Đông - Tây, hơi chếch Bắc khoảng 70 m và cách bờ biển khoảng 200 m.

Do có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở vương quốc cổ Chăm, bởi vậy đây là một thánh đường được triều đình trung ương quan tâm xây dựng trong nhiều thế kỷ. Tháp Bà Ponagar có giá trị to lớn cả về mặt lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, văn hóa, lễ hội truyền thống… Di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia theo số 54/VHTT-QĐ ngày 29/4/1979.

Lễ vật dâng lên Thiên y Thánh mẫu
Lễ vật dâng lên Thiên y Thánh mẫu

Hằng năm Ban Tổ chức tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách thập phương về tham dự lễ hội và bố trí bảo đảm tốt nhất cho đồng bào Chăm về thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng cũng như nơi ăn nghỉ. Lễ hội chính của di tích là Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 20 - 23/3 âm lịch hằng năm (ngày chính là ngày 23/3), thu hút đông đảo du khách và khách hành hương tới dự lễ.

Bên cạnh đó, còn có các ngày vía vào các ngày 8, 18, 28 âm lịch hằng tháng. Lễ thay y 1 năm 3 lần vào lúc 12 giờ ngày 20/3 âm lịch, 12 giờ ngày 12/7 âm lịch và 12 giờ ngày 20 tháng Chạp. Trong Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian, ca múa hát, biểu diễn các hình thức nghệ thuật truyền thống.

Đông đảo người dân, du khách tham gia Lễ hội Tháp Bà Ponagar
Đông đảo người dân, du khách tham gia Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Ngoài ra, Tháp Bà Ponagar mở cửa đón khách tham quan và những người hành hương, các tín đồ từ 6h00 - 18h00 hằng ngày. Riêng các ngày tết cổ truyền và lễ hội chính thì mở cửa 24h00/ngày. Tại khu di tích này có các hoạt động trưng bày hình ảnh, hiện vật và các hoạt động bổ trợ như: Hoạt động văn hóa, văn nghệ Chăm, trưng bày một số sản phẩm nghệ thuật truyền thống (tranh cát, hàng thủ công mỹ nghệ…).

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Khánh Hòa, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar cho biết: Lễ hội Tháp Bà Ponagar là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm với mục đích ca ngợi và ghi nhớ công đức của Thánh mẫu Thiên Y A Na - Bà Mẹ Xứ Sở, để cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc. Những năm qua, Tháp Bà Ponagar Nha Trang luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Bộ VHTT&DL; các sở, ban, ngành; sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, du khách thập phương và Nhân dân, Di tích đã được đầu tư tôn tạo ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn.

Tin cùng chuyên mục
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…