Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Khánh Hòa Tăng cường bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ giáo viên

Thanh Phong - 21:12, 07/12/2022

Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh (HS) tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, chất lượng giáo dục ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS tỉnh Khánh Hòa đã được nâng lên rõ rệt.

(CĐ Hoàng Thanh):
Một tiết học tăng cường tiếng việt cho HS DTTS tại Trường Tiểu học Cam Phước Đông 1 (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).

Chuyển biến tích cực

Cụ thể, tỷ lệ trẻ DTTS được tăng cường tiếng Việt đạt 100% đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, hơn 97% đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, hơn 50% đối với các lớp 3-4 tuổi, 4-5 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi đạt 94,2% (tăng 5,4%), hoàn thành chương trình đạt 100% (tăng 0,8%), bỏ học còn 0,11% (giảm 0,08%), lưu ban còn 2,01% (giảm 2,05%).

Kết quả nêu trên cho thấy, Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh (HS) tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Khả năng nói tiếng Việt của trẻ DTTS tại tỉnh Khánh Hòa đã có những tiến bộ rõ rệt, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục tại các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Theo đó, trẻ mầm non, tiểu học đã được ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa tổ chức học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường, tăng thời lượng dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS lớp 1 từ 350 tiết lên 500 tiết; quan tâm, tạo môi trường trong và ngoài lớp học cho trẻ rèn luyện ngôn ngữ, tăng cường tiếng Việt ngay từ bậc mầm non… Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của giáo viên tham gia dạy tăng cường tiếng Việt cũng được nâng cao. Trong số 149 giáo viên DTTS cấp tiểu học, trình độ đại học chiếm 52,4%, tăng 30,5% so với 5 năm trước.

Tại huyện miền núi Khánh Sơn, nơi tập trung đông học sinh DTTS, công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS cũng được địa phương hết sức chú trọng. Theo báo cáo của UBND huyện, năm học 2021- 2022, cấp mầm non có 1.723 em (chiếm tỷ lệ gần 75% số học sinh mầm non toàn huyện), cấp tiểu học có 2.414 học sinh (chiếm tỷ lệ gần 79% học sinh tiểu học toàn huyện). Thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, Khánh Sơn đã đầu tư nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn; xây dựng môi trường học tiếng Việt phong phú, gần gũi, dễ hiểu giúp các em được tiếp cận, trải nghiệm làm tăng vốn tiếng Việt phong phú cho trẻ; xây dựng và nhân rộng các mô hình: “Em nói tiếng Việt; “Tiếng Việt của chúng em” ra toàn huyện… Nhờ đó, các em học sinh DTTS đã tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Các trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã nghe, nói tiếng Việt thành thạo, hình thành các kỹ năng tập tô, viết, nhận dạng chữ cái, tạo tiền đề thuận lợi khi bước vào lớp 1.

Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Cuối tháng 11 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Đoàn Giám sát chuyên đề về tình hình triển khai thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và kết hợp khảo sát thực tế việc đầu tư trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức giáo dục phổ thông. Đoàn Giám sát đã làm việc với UBND huyện Cam Lâm và 2 trường: Tiểu học Sơn Tân, Mầm non Họa Mi (xã Sơn Tân).

Kết quả giám sát cho thấy, hệ thống, cơ sở vật chất trường, lớp; học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi các trường học huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS đã được quan tâm đầu tư; chất lượng giáo viên được nâng cao; chính sách đặc thù dành cho trẻ em, học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS được tăng cường tiếng Việt trong hè, lồng ghép với các môn học, hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp; khả năng giao tiếp, sử dụng tiếng Việt của các em ngày càng tiến bộ, đảm bảo cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của cấp mầm non, tiểu học.

Cần thêm những chính sách hỗ trợ

Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS vẫn còn có những khó khăn. Ví dụ như: 1/3 số học sinh DTTS còn e ngại, nhút nhát trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Đặc biệt, do chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo trong dịp nghi hè, nên việc huy động trẻ ra lớp để tăng cường tiếng Việt chưa đạt tỷ lệ cao như mong muốn. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp với học sinh, phụ huynh bằng tiếng DTTS của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế. Một số trường có nhiều điểm lẻ xa nhau nên khó tập trung học sinh để tổ chức các hoạt động giảng dạy, ngoại khóa. Mặt khác, kinh phí thực hiện Đề án đến nay không còn phù hợp với thực tế, việc hỗ trợ kinh phí mua đồ dùng học tập cho trẻ, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên tham gia tăng cường tiếng Việt rất ít ỏi, thiếu sự thu hút…

(CĐ Hoàng Thanh):  1
Cơ sở vật chất, trường lớp ở huyện miền núi Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đã được quan tâm đầu tư.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025”. Theo đó, một trong những điểm đáng chú ý của Kế hoạch này là tăng cường bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ giáo viên để có thể áp dụng giáo dục song ngữ (tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của trẻ) khi giảng dạy nhằm giúp trẻ dễ hiểu hơn. Kế hoạch này cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 35% trẻ người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ mẫu giáo DTTS được huy động ra lớp; 100% trẻ các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hàng năm, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt trong hè, các môn học và hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp…

Cũng theo bà Lê Thị Mai Liên, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh DTTS, Trung ương cần sớm có bộ sách về chữ Raglai của đồng bào DTTS tỉnh Khánh Hòa, nhằm giúp học sinh DTTS và giáo viên thực hiện tốt công tác giảng dạy tại 2 huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục của tỉnh cần có đề xuất hỗ trợ tiền ăn trưa bán trú cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS và chi phí tổ chức lớp học tăng cường tiếng Việt trong 2 tháng hè. Đồng thời tiến hành tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên người Kinh đang công tác tại khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS về tiếng Raglai để thuận lợi trong giao tiếp, giảng dạy…

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.