Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Tăng cường ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép

Thành Nhân - 20:45, 04/08/2020

Huyện Khánh Vĩnh có trữ lượng cát 10,3 triệu m3, diện tích hơn 555ha, tập trung tại 4 khu vực: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Trung và sông Thác Ngựa (từ Sơn Thái đến Sông Cầu). Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép khai thác cát cho 12 doanh nghiệp (DN). Bên cạnh các DN được cấp phép, thì nạn “cát tặc” vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp.

Các đối tượng khai thác lậu dùng xe độ chế để chở cát đi tiêu thụ.
Các đối tượng khai thác lậu dùng xe độ chế để chở cát đi tiêu thụ.

Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh, mặc dù địa phương triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý, nhưng tình hình khai thác trái phép cát, sỏi trên địa bàn vẫn phức tạp. Hiện tại, có một số điểm nóng về khai thác cát, sỏi như: Khánh Phú, Khánh Hiệp, Liên Sang, Sông Cầu…

Các đối tượng khai thác lén lút vào ban đêm để qua mặt cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì các đối tượng bỏ trốn hay chuyển qua khai thác ở vị trí giáp ranh hai huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh. Bên cạnh đó, một số xã (Khánh Phú, Khánh Hiệp…) đã xảy ra việc sang nhượng đất ven sông cho một số tổ chức, cá nhân để khai thác cát.

Ông Cao Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Phú cho biết: Địa phương nằm giáp ranh với xã Sông Cầu (huyện Diên Khánh) nên khi xã Sông Cầu tổ chức ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, các đối tượng lại chạy sang Khánh Phú và ngược lại.

Còn tại xã Liên Sang, không những lòng sông bị khai thác tan hoang mà bờ bãi cũng bị hủy hoại. Dọc bãi sông, một số người nâng mặt bằng, lập điểm tập kết cát chui bất chấp chính quyền địa phương.

Ông Cao Muôi, Chủ tịch UBND xã Liên Sang cho biết: Dù xã đã phối hợp với đội liên ngành của huyện tăng cường kiểm tra, truy quét nhưng tình hình khai thác cát chui, cải tạo bờ, bãi dọc dòng sông vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng khai thác vào đêm tối nên việc đối phó rất khó khăn.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, năm 2020, UBND huyện Khánh Vĩnh ban hành Kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra; hỗ trợ kinh phí công tác bảo vệ khoáng sản với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, ngày 24/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 23/2020/NĐ-CP Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. UBND huyện dự kiến sẽ tổ chức tập huấn triển khai Nghị định này, hướng dẫn các địa phương xử lý theo các quy định mới. Đồng thời, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho phép đấu thầu cấp phép khai thác khoáng sản để tăng cường công tác quản lý khoáng sản.

“Đối với các địa phương có hoạt động khai thác cát, sỏi phức tạp như: Khánh Phú, Sông Cầu, Liên Sang, Khánh Hiệp… UBND huyện giao Chủ tịch UBND xã, Công an huyện chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để tiếp diễn các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép”, ông Thuận nói.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.