Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Khát vọng nơi vùng đất “bốn yên”: Nguy cơ đe dọa cuộc sống bình yên (Bài 2)

Thanh Nguyễn - 16:20, 16/06/2024

Vàng tặc lắng xuống sau nhiều nỗ lực của chính quyền, hệ thống chính trị ở huyện Tương Dương và các xã vùng “bốn yên”. Tái thiết lại cuộc sống ở vùng đất từng hứng chịu vấn nạn vàng tặc luôn là khát vọng khôn nguôi của các tầng lớp Nhân dân và chính quyền nơi đây...

Người dân xã Yên Tĩnh mong muốn giữ được sự bình yên
Người dân xã Yên Tĩnh mong muốn giữ được sự bình yên

Xây dựng lại cuộc sống bên những hầm vàng

Dọc theo tuyến Tỉnh lộ 543C, đã là hàng trăm căn nhà mới mọc lên san sát, những cánh rừng keo bạt ngàn xanh ngát, lũ trẻ hồn nhiên vui đùa trong ngôi trường mới. Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh Lữ Khăm Phon rạng rỡ khi nói về những đổi thay của Yên Tĩnh: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng nghị lực vươn lên của bà con, nên giờ đây, thu nhập của người dân Yên Tĩnh từng bước được nâng cao.

 Chủ tịch xã cho hay, toàn xã hiện có 5.156 con gia súc, hàng ngàn con gia cầm. Hiện tại, toàn xã có 64ha ruộng nước, canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu và chuyển đổi 107ha diện tích lúa rẫy để trồng sắn cao sản. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ, nhà xây kiên cố khang trang ngày càng được xây dựng nhiều hơn, không còn hộ nào phải ở nhà tạm; 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi. Hầu hết các tuyến đường liên bản, đường nội bản đến các hộ gia đình đều đã được bê tông hóa từ nguồn vốn ngân sách và do bà con tự đóng góp.

Hiện nay, toàn xã có trên 1.568ha rừng trồng, chủ yếu là keo, trong đó đã có 1/3 số diện tích đang khai thác. Chỉ tính trong năm 2023, cả xã đã trồng được hơn 260ha keo do Nhân dân tự bỏ vốn ra đầu tư. Theo đó,  Yên Tĩnh là 1 trong 2 địa phương có diện tích keo lớn nhất huyện, chỉ đứng sau xã Tam Quang. Hiện tại, 1ha keo tại địa bàn Yên Tĩnh bán được trên dưới 50 triệu đồng.

Người dân Yên Tĩnh và Yên Na đang có thu nhập ổn định từ kinh tế rừng
Cuộc sống bình yên, người dân ở xã Yên Tĩnh và Yên Na yên tâm lao động sản xuất có thu nhập ổn định từ kinh tế rừng

Tính đến hết năm 2023, đã có 35/43 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Đại hội. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; xấp xỉ mức bình quân chung của cả huyện; xuất khẩu lao động vượt 40%; tạo việc làm mới vượt trên 20%, xây dựng bản làng văn hoá vượt trên 11%.

Yên Na là xã có nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp. Những năm gần đây, "sóng dữ" đã bị đẩy lùi, Yên Na tập trung vào phát triển kinh tế, thực hiện tốt tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng lúa đạt trên 100ha, năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha; cây ngô 70ha, năng xuất ước đạt 46 tạ/ha; diện tích cây rau màu các loại gần 37ha, sản lượng đạt 258 tấn; cây lạc 4,8ha, sản lượng đạt hơn 7 tấn.

Bí thư Đảng ủy xã Yên Na Lô Văn Tùng phấn khởi: Nhờ có nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, đến nay, 100% tuyến đường giao thông liên thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa và trồng thêm cây xanh. Tất cả 4 trường học của xã đều được xây dựng kiên cố, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% bản đều có nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng kiên cố, đúng quy chuẩn. Nguồn thu từ kinh tế nông nghiệp, tuy chưa đủ để người dân trở thành những hộ khá giàu, nhưng cũng đã mang lại thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 25 triệu đồng/năm…

Truy quét vàng tặc ở núi Pu Phen. Ảnh tư liệu
Truy quét vàng tặc ở núi Pu Phen. Ảnh tư liệu

Về thăm lại vùng đất bốn yên hôm nay, sẽ cảm nhận được sự sống đang ngày càng phát triển nhờ cây keo lai. Sáng sáng, thanh âm yên ả của lục lạc trên những đàn trâu bò của người dân bản địa rời chuồng, vượt núi Pu Phen gặm cỏ… Còn lòng khe suối ôm ấp những bản làng Yên Tĩnh, Yên Na cũng hồi sinh sau chuỗi ngày khổ ải: khi nước trong hơn, xuất hiện nhiều loài thủy sinh…

Không đánh đổi tài nguyên…

Yên Tĩnh, Yên Na và những xã khác ở vùng đất “bốn yên” đã bình yên. Thực tế đó, là minh chứng rõ ràng; đồng thời cũng trở thành quan điểm nhất quán, cứng rắn của chính quyền và Nhân dân các xã nơi đây và huyện Tương Dương, đó là không chấp nhận đánh đổi tài nguyên, môi trường để lấy về những thứ phù phiếm, xa hoa. Đồng bào cần một cuộc sống yên bình đúng nghĩa, họ muốn trồng cây gây rừng, phát triển chăn nuôi để ổn định sinh kế lâu dài.

Vì thế, khi hay tin Công ty Thủ Đô rục rịch hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý để đưa dự án khai thác vàng ở Yên Na và Yên Tĩnh vào hoạt động khiến người dân vùng “bốn yên”, chính quyền huyện Tương Dương bất an, lo lắng. Và làn sóng phản đối Công ty Thủ Đô nhen lên.

Không nói trước đây, cuộc tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng gần nhất, diễn ra vào ngày 09/5/2024, với những ý kiến của người dân  thực sự là “gáo nước lạnh” dội xuống sự sốt sắng, gấp rút của Công ty Thủ Đô, khi chính thức Công ty này đang bắt tay hoàn thiện các thủ tục để khai thác vàng ở Pu Phen.

Tại cuộc gặp gỡ với người dân và chính quyền địa phương 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh, Giám đốc Công ty Thủ Đô Đỗ Xuân Cảnh cho rằng, trước đây Công ty chưa vào khai thác vàng. Nếu dự án được chấp thuận sẽ tuân thủ đúng theo quy định của cam kết môi trường (ĐTM), không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình làm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, cũng như khai thác đúng khối lượng.

Quá thấu hiểu những hệ lụy từ vàng tặc hơn 10 năm trước mang lại; thấu hiểu sự thiếu giám sát, thiếu quản lý và phối hợp giữa Công ty Thủ Đô với chính quyền địa phương khi được cấp giấy phép thăm dò quặng vàng dẫn đến vàng tặc lợi dụng gây náo loạn, 71 người dân và đại diện chính quyền hai xã lấy ý kiến (Yên Na 35 người, Yên Tĩnh 36 người) đều một mực phản đối, 100% ý kiến đều không tán thành phương án khai thác vàng ở núi Pu Phen.

Tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng ở xã Yên Tĩnh
Tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng ở xã Yên Tĩnh

Ông Vi Thanh Bảy, là Bí thư, Trưởng ban công tác MTTQ bản Na Bón xã Yên Na không thống nhất, đề nghị không triển khai dự án, vì lo ngại ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đến khía cạnh chăn nuôi và phát sinh thêm tệ nạn xã hội. 

Nhớ lại quãng thời gian trước kia, ông Bảy bức xúc: "Cách đây 10 năm, khi đó tôi còn làm Công an xã, bản thân tôi đã tham gia truy quét, đẩy đuổi nạn khai thác vàng trái phép rất vất vả, nhìn chung việc này không có lợi gì cho Nhân dân".

Sau rất nhiều ý kiến của người dân, của đại diện các thôn bản, Bí thư Đảng ủy xã Yên Na Lô Văn Tùng đã nêu rõ quan điểm: Dự án nên dừng lại.

Tại Yên Tĩnh, sự việc xem ra còn căng thẳng hơn nhiều. Những ý kiến phản pháo của Nhân dân đã đẩy tình hình thêm căng thẳng trước giấc mộng vàng của Công ty Thủ Đô. Bà Lương Thị Biển, Phó Chủ tịch HĐND xã cũng tỏ ra không hài lòng: Thời điểm cấp phép thăm dò, Giám đốc Công ty là ông Cảnh vào rất nhiều lần. Ngày đó Công ty hứa hẹn với xã và Nhân dân nhiều nội dung nhưng không thực hiện.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh - ông Lữ Khăm Phon rất cứng rắn: Quan điểm của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cấp xã rất kiên định, từ trên xuống dưới kiên quyết không đồng tình với dự án này. Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thu hồi giấy phép khai thác.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.