Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Khát vọng nơi vùng đất “bốn yên”: "Sóng dữ" một thời (Bài 1)

Thanh Nguyễn - 16:08, 16/06/2024

LTS: Vùng đất “bốn yên”, gồm Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Thắng, huyện Tương Dương (Nghệ An) từng là thủ phủ của… “vàng tặc”. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, thì “vàng tặc” mới lắng xuống, những hệ lụy mới lùi dần. Tuy nhiên, để vùng đất "bốn yên" không tiếp tục dậy "sóng dữ", các cấp chính quyền, lực lượng chức năng cần phải "vào cuộc" rà soát, kiểm tra và cân nhắc kỹ lưỡng việc đã cấp phép khai thác quặng vàng ở vùng đất này, để nỗi đau, nỗi ám ảnh kinh hoàng mà người dân ở nơi đây từng nếm trải...không lặp lại.

Hao người, tốn của vì... xử lý vàng tặc
Chính quyền địa phương đã phải hao người, tốn của vì... xử lý vàng tặc

"Vàng tặc"và những ám ảnh không quên 

Đã từng vào Yên Tĩnh nhiều bận. Nhưng để vào Yên Tĩnh thì phải qua Yên Na...; rồi cũng có khi xuôi xuống Yên Hòa, Yên Thắng… trên hành trình ấy, không khó để bắt gặp những dòng suối đục ngàu; những tốp người hì hụi đãi đất, cào đá...Hơn 10 năm trước, vùng đất “bốn yên” là thế.

Những năm trước 2010, vùng đất “bốn yên” nhức nhối với tình trạng khai thác vàng trái phép. Đỉnh điểm của vấn nạn này là năm 2008, khi Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô (có trụ sở tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội; được thành lập ngày 07/12/2004 được cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản vàng ở núi Pu Phen (địa phận xã Yên Na và Yên Tĩnh).

Và bất ổn, hệ lụy từ đây nảy nở. Khắp hang cùng, núi thẳm là hàng chục hầm vàng được đào xới, đãi đất suốt ngày đêm. Môi trường nước bị ô nhiễm, cuộc sống bất ổn vì những tệ nạn xã hội, chưa kể bao gia đình ly tán, công tác quản lý nhân khẩu tại địa phương khó khăn… Pu Then được ví như trung tâm “tam giác vàng” ở vùng đất “bốn yên”.

Trở lại câu chuyện về núi Pu Phen. Pu Phen là ngọn núi có diện tích rộng, hiểm trở, cách xa khu dân cư. Pu Then tiếp giáp với ba xã gồm Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Thắng. Tuy nhiên, ở địa phận xã Yên Tĩnh và Yên Na vẫn chiếm diện tích lớn hơn. Một người dân ở xã Yên Tĩnh bảo: Muốn tiếp cận được thủ phủ vàng tặc ở Pu Phen, thì phải đi bộ khoảng 3 giờ đồng hồ mới đến nơi. Thành ra, mỗi đợt truy quét của chính quyền, thường bị các “chim lợn” đánh động nên càng khó khăn.

Cùng thời gian này, Yên Tĩnh đang là địa bàn “nóng” về ma túy, khi có hơn 100 con nghiện. Cùng với nạn khai thác vàng thổ phỉ, hàng trăm người tứ xứ đổ về, mà đa phần là những “phu vàng” có “số má, máu mặt” ở những địa bàn “phức tạp” như Quảng Nam, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Những "hố tử thần" mà vàng tặc để lại ở Pu Phen
Những "hố tử thần" mà vàng tặc để lại ở Pu Phen

Như vệt “dầu loang”, dẫu rằng xã Yên Hòa, Yên Thắng nằm cách xa thủ phủ “vàng tặc” ở Pu Phen cũng không thoát khỏi số phận của “cơn lốc” tệ nạn xã hội, bất ổn cuộc sống… Và nghiễm nhiên, bốn xã vùng trong, mà người dân Tương Dương hay gọi là vùng đất “bốn yên”, gồm Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Thắng chính thức bị đảo lộn.

Nỗi đau không của riêng ai?!

Nạn khai thác vàng thổ phỉ ở vùng đất “bốn yên” đã gây ảnh hưởng rất lớn đến dòng suối Pu và Chà Hạ chảy qua địa bàn. Không chỉ cây cối, hoa màu bị chết mà gia súc, gia cầm uống nguồn nước này hoặc vô tình sụt xuống các hố đào vàng cũng đã chết hoặc bị thương. Rồi, những thửa ruộng màu mỡ quanh các dòng suối, cũng bị đào xới không thương tiếc. Ngay cả trục đường liên xã (từ Cửa Rào xã Xá Lượng đi Yên Hòa, nối với quốc lộ 48C) cũng đã bị máy móc ngoạm sát lề đường. Cuộc sống bị ảnh hưởng, tổ ấm của nhiều gia đình cũng đã phải ly tán trong bao nỗi xót xa, day dứt của những người chứng kiến.

Bập vào vàng tặc, hoặc ăn theo vàng tặc… là tệ ma túy, mại dâm, HIV/AIDS…; rồi là "thanh trừng" lẫn nhau để tranh giành lãnh địa, người dân bỏ bê nương rẫy để chạy theo vàng tặc. Kẻ vào hầm lò đào đất, người dùng sức gùi hàng… khiến cả vùng Pu Phen và “bốn yên” náo loạn. Biết bao mạng người đã chôn vùi thanh xuân cùng giấc mộng vàng vì sập hầm, vì chém giết ở Pu Phen? 

Những trận lũ ở Yên Tĩnh từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân địa phương
Nạn "vàng tặc", là một trong những nguyên nhân gây nên những trận lũ ở Yên Tĩnh, từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân địa phương

Rồi thì lâm tặc cũng mượn cớ hoành hành. Núi rừng, và cả những con suối bị đào xới… đã dẫn đến những trận lũ kinh hoàng liên tiếp giáng xuống. Trận lũ quét ở bản Pa Tý đêm 26/5/2009 khiến hơn 60 nóc nhà bị ngập chìm, 5 mạng người mãi mãi ra đi… Chưa hết, các trận lũ quét xảy ra vào rạng sáng ngày 25/6/2011 và 14/9/2016 khiến cho hàng trăm nhà dân và các cơ sở vật chất như trường học, nhà công vụ giáo viên, cầu cống, đường giao thông… bị thiệt hại nặng nề. Ấy là thực trạng ở vùng đất này cách nay hơn chục năm về trước.

Như một kết cục tất yếu. Trước vấn nạn này, các cấp chính quyền đã phải đau đầu tìm giải pháp giải quyết. Có những thời điểm, huyện Tương Dương đã phải huy động tổng lực các lực lượng liên tục truy quét, giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền 3 xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa luân phiên cử người canh gác, tuần tra. Thậm chí có lúc đích thân Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện cùng Trưởng Công an huyện đã trực tiếp lên núi chỉ đạo các lực lượng quân sự, công an truy quét. Mỗi lần như vậy, kéo dài từ 2-3 ngày. Lần nào lên cũng phá được máy, lán, cắt đường ống dẫn nước. Nhưng, chỉ vài hôm lại nhận được tin Pu Phen đã có các nhóm đào vàng trở lại.

Hao người, tốn của. UBND huyện Tương Dương đã phải chi ngân sách để hỗ trợ các xã trong việc đẩy đuổi “vàng tặc”. Huyện đã giao cấp ủy, chính quyền 3 xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa cử lực lượng trực tháng quay vòng và từng tháng phải có báo cáo gửi về huyện. Đồng thời, hàng loạt chỉ thị, kế hoạch, nghị quyết được ban hành, trong đó có nội dung: Nếu để tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép trên núi Pu Phen, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.

Vàng tặc đã để lại bao hậu quả khôn lường, để lại nhiều nỗi đau, hàng chục năm qua nhiều người chưa thể quên...

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.