Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

“Khoảng lặng” thời giãn cách…

Y Nguyên - 11:58, 13/07/2021

Nói tới chuyện giãn cách, quê tôi không phải thực hiện Chỉ thị 15, 16 lần đầu; nhưng lần này đương nhiên vất vả gian nan, nguy hiểm hơn gấp bội phần, bởi không còn “tập trận” suông như khi chưa có F0, mà thực sự đang “đánh trận”…

Đêm phố xá vắng hoe thời giãn cách (Ảnh minh họa)
Đêm phố xá vắng hoe thời giãn cách (Ảnh minh họa)

Cầm cự mãi rồi cũng đến lúc phải “thủng lưới”! Đó là cảm giác của tôi khi nghe truyền thông chính thức thông báo xuất hiện ca F0 Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Đã dự đoán trước đó chỉ là vấn đề thời gian, vậy nhưng vẫn toát mồ hôi, kèm theo chút gì như… hụt hẫng!

Giữ “sạch lưới” qua ba đợt bùng phát dịch, vậy nhưng tới đợt thứ tư này thì quê tôi chính thức có tên trên “Bản đồ Covid”. Một, mười, năm mươi, rồi một trăm… và gần đến con số hai trăm ca F0 chỉ sau một tuần công bố dịch! Đương nhiên là giãn cách xã hội toàn tỉnh.

Nói tới chuyện giãn cách, quê tôi không phải thực hiện Chỉ thị 15, 16 lần đầu; nhưng lần này đương nhiên vất vả gian nan, nguy hiểm hơn gấp bội phần, bởi không còn “tập trận” suông (như khi chưa có F0) mà thực sự đang “đánh trận”…

Đêm đầu tiên thực hiện giãn cách, mới 10 giờ đêm phố xá đã im phắc vắng hoe. Thành phố “đi ngủ” sớm như trong thời chiến có lệnh giới nghiêm. Nhà tôi nằm đối diện với ngôi trường trung học cơ sở đang được mượn tạm làm khu cách ly. Xe ra vào thường xuyên. Đêm đầu chính thức hoạt động, để ý chỉ 3 phòng học cửa sổ có sáng đèn; nhưng tới đêm thứ 5 thì nguyên cả mấy dãy phòng đều sáng trưng!

Giãn cách xã hội thực hiện khoanh vùng phòng, chống dịch (Ảnh minh họa)
Giãn cách xã hội thực hiện khoanh vùng phòng, chống dịch (Ảnh minh họa)

Khu cách ly đèn sáng, ngược với khu quảng trường, “tụ điểm ăn chơi” ngày thường với hệ thống quán cà phê, quán nhậu dày đặc kề bên, nhà nhà cửa đóng then cài im ỉm. 

Nơi tôi ở, chợ khu vực chưa cấm họp nhưng ra chợ thấy người mua kẻ bán lèo tèo, ai cũng che chắn mặt mũi kín mít tựa… Ninja! Sợ dịch lây lan, nên cùng chẳng đã mới bước chân vào chợ mà bán mà mua. Hàng ít, đội lên tới vài giá cũng chẳng dám đứng trả treo lâu, chỉ mong kết thúc giao dịch mau mau để rời chợ cho nhanh. Nhớ ngày mới có tin phát dịch, các gian hàng nhu yếu phẩm bị người mua đè lớp trong lớp ngoài. Tâm lý “trữ hàng chống dịch” vẫn chi phối một bộ phận không nhỏ người dân. Cũng phải cảm thông một phần: Ngoài chuyện sợ hết hàng, thì không ít người lo mua trữ đồ do quá sợ cảnh phải ra đường, vào chợ khi vùng mình đang có dịch!

Sợ ra ngoài, vậy nhưng ra ngoài rồi thì cũng có chút lạc quan, khi chứng kiến toàn dân thực hiện 5K không tệ. Người đi dặm lúa, nhổ cỏ ngoài đồng cũng khẩu trang đầy đủ. Bước chân vào bưu điện, cô nhân viên ngoài khẩu trang vải còn đeo thêm tấm kính bảo hộ to đùng…

Những ngày này, “cố thủ” trong nhà đương nhiên là yên tâm nhất. Chỉ tội cho mấy đứa nhỏ hiếu động, nghỉ hè, đáng lý được thả sức rong chơi, giờ bị “nhốt” lâu chắc là rất bứt rứt, cuồng chân. Biết làm sao được, chúng cũng phải bắt đầu bài học đối mặt, thích nghi với những bất trắc tất yếu của cuộc đời như dịch bệnh, thiên tai. Không ra ngoài được thì ráng tìm niềm vui trong bốn bức tường như đọc sách, chơi cờ, xem phim…

Góc vườn nhà trở thành nơi giúp trẻ quên đi sự bức bí trong mùa dịch (Ảnh minh họa)
Góc vườn nhà trở thành nơi giúp trẻ quên đi sự bức bí trong mùa dịch (Ảnh minh họa)

Ăn uống đương nhiên cũng đành chịu kham khổ hơn lúc bình yên. Tôi và vợ đã thống nhất dè sẻn số thực phẩm có sẵn trong nhà, để hạn chế việc phải ra đường loay hoay chợ búa do hết thức ăn. Giãn cách, không làm gì nặng nhọc thì ăn uống tiết kiệm chút cũng không sao. Điều tôi ưng bụng nhất là có thời gian nghỉ ngơi, tranh thủ làm những điều mình thích. Yên tĩnh và rảnh rỗi, trạng thái đó hình như đã lâu, rất lâu tôi chưa được hưởng.

Cuộc đời luôn mang tính hai mặt: Cái mất nào cũng tiềm ẩn bên trong những cái được “bù lỗ” cho con người, nếu anh thiện chí và nhiệt tâm khám phá. Giãn cách rồi sẽ phải chấm dứt; dịch giã rồi cũng sẽ qua đi, trả lại cho con người cuộc sống bình yên. Vậy nhưng, ngay lúc này, sao ta không thử tận dụng thời cơ cho một khoảng lặng bình yên giữa mùa giãn cách!

Tin cùng chuyên mục
Sức hút của làng du lịch trên đỉnh núi Pờ Yầu

Sức hút của làng du lịch trên đỉnh núi Pờ Yầu

Đi hết con đường dốc đứng ngoằn nghèo dài 13km, từng chóp nhà dần hiện ra. Ngôi làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai) nằm ẩn sâu trong những cánh rừng già, chon von trên dãy núi cao chót vót. Làng gọi theo tên con suối Pờ Yầu trong khu rừng nguyên sinh như một nàng thơ với vẻ đẹp lãng mạn và hùng vĩ.