Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khởi nghiệp từ nông sản “sạch”

NGHĨA HIỆP - 11:24, 01/10/2019

Với mong muốn, khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, những năm gần đây, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tỉnh Lạng Sơn đã quyết tâm khởi nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh đa dạng. Trong đó, mô hình khởi nghiệp bằng nông sản “sạch” hiện đang được nhiều ĐVTN lựa chọn làm hướng phát triển bền vững.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn (người thứ 2 hàng thứ nhất từ trái qua) thăm mô hình măng tây sạch của ĐVTN huyện Lộc Bình.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn (người thứ 2 hàng thứ nhất từ trái qua) thăm mô hình măng tây sạch của ĐVTN huyện Lộc Bình.

Anh Nguyễn Tuấn Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn cho biết: Nhằm đẩy mạnh phong trào ĐVTN khởi nghiệp, trong 3 năm trở lại đây, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các đoàn cơ sở xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng định hướng xây dựng mô hình thanh niên khởi nghiệp với những nông sản “sạch” theo tiêu chuẩn VietGAP để làm hướng phát triển bền vững cho ĐVTN nông thôn.

Để kết nối các ĐVTN trên địa bàn, mỗi địa phương thành lập các nhóm thanh niên khởi nghiệp trên mạng xã hội Facebook và Zalo. Tại đây, thông tin về mô hình hay, các loại cây trồng, vật nuôi, giống mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng, tiến bộ khoa học- kỹ thuật… đều được các hội viên sưu tầm và chia sẻ. Các thành viên cùng trao đổi thông tin, kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nhờ vậy 14 câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế với gần 200 thành viên về các mô hình: chăn nuôi, trồng cây ăn quả, sản xuất, kinh doanh tổng hợp được kết nối chặt chẽ, nông sản khi thu hoạch luôn đạt năng suất, chất lượng cao nhất.

Nhờ đó, nhiều ĐVTN đã vượt qua khó khăn ban đầu, vươn lên khởi nghiệp thành công. Điển hình như gia đình anh Hoàng Văn Dũng, ĐVTN huyện Lộc Bình thành công với mô hình trồng chanh leo. Được Đoàn Thanh niên huyện định hướng trồng cây chanh leo, đến nay vườn chanh leo của gia đình anh Dũng đã có hơn 200 gốc cho quả và thu hoạch. Bên cạnh việc bán chanh leo cho thị trường trong nước, mỗi năm anh còn xuất sang Trung Quốc trên dưới 20 tấn chanh leo thành phẩm.

Nông sản sạch của ĐVTN TP. Lạng Sơn tại Hội chợ “Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Lạng Sơn”.
Nông sản sạch của ĐVTN TP. Lạng Sơn tại Hội chợ “Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Lạng Sơn”.

Anh Hoàng Văn Dũng chia sẻ: “Tôi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng chanh leo do Huyện đoàn tổ chức, nắm được kỹ thuật, có đất sản xuất, tôi còn được Đoàn Thanh niên huyện hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với dự án chanh leo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, tôi thu về hơn 200 triệu đồng”.

Tính từ năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã tổ chức 23 lớp tập huấn kiến thức về khởi nghiệp cho hơn 1.500 ĐVTN, thành lập 8 địa chỉ website thương mại điện tử quảng cáo cho thanh niên khởi nghiệp. Cùng đó, Tỉnh đoàn đã phối hợp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho trên 23.000 ĐVTN, hỗ trợ vốn vay cho mỗi mô hình từ 50-150 triệu đồng, đồng thời thành lập 5 hợp tác xã thanh niên, 82 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, 139 nhóm thanh niên có mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm.

Nhờ vậy, đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có hơn 200 mô hình khởi nghiệp của ĐVTN các cấp có hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho trên 30.000 lao động. Lựa chọn nông sản “sạch” để khởi nghiệp đã thật sự là một trong những hướng đi thành công cho thanh niên tỉnh Lạng Sơn.

“Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp trên các trang mạng xã hội và trang thông tin của đoàn. Cùng đó, tích cực tổ chức các diễn đàn, tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp để ĐVTN tiếp cận và hiện thực hóa ý tưởng của mình”, anh Nguyễn Tuấn Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn chia sẻ.