Thương hiệu quốc gia
Nằm trong vùng Đông Bắc Bộ, Tuyên Quang là một trong những tỉnh thuộc cái nôi của Then. Toàn tỉnh có gần 25% dân số là đồng bào Tày, là DTTS đông nhất tỉnh. Chính vì điều đó mà Di sản Then có tính phổ quát, bao trùm rộng rãi trong đời sống văn hóa tâm linh của cư dân địa phương.
Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu Then học Ma Văn Đức (dân tộc Tày), nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên - Trời”. Then cũng là tín ngưỡng cúng linh thiêng của đồng bào Tày, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Người ta thường cúng Then trong những dịp lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn, cấp sắc. Nhạc cụ chính được sử dụng trong cúng, hát Then là đàn Tính. Các lễ Then diễn tả hành trình thầy Then dâng lễ vật và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng, dòng họ, gia chủ trong đời sống, sản xuất, sức khỏe. Người ta chia Then theo hình thức thể hiện: Then quạt, Then Tính hay Then cầu yên, Then lễ hội…
Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, thôn Tân Hợp, xã Tân An (huyện Chiêm Hóa) chia sẻ, Then liên quan đến các bài cúng, thể hiện đến tín ngưỡng, tâm linh của người Tày, được thực hiện trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và được truyền từ đời nọ sang đời kia. Từ đặc tính nổi trội, độc đáo của Then mà năm 2013, Bộ VHTT&DL đã công nhận Nghi lễ Then của Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Người Tày quan niệm rằng, đời người không biết Then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa lá, như suối sông không tôm cá. Trẻ con nghe Then thì sẽ biết đường khôn lớn; gái trai nghe Then thì sẽ biết đường tìm vợ, tìm chồng; người ốm nghe Then như được uống vị thuốc tiên…
Năm 2022, Tuyên Quang đăng cai tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại đối với 11 tỉnh có di sản Then.
Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông Christian Manhart - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng Việt Nam để giúp bảo tồn nguồn di sản văn hóa vô giá, một tài sản quý báu cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Sức sống mường Then
Người Tày quan niệm rằng, đời người không biết Then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa lá, như suối sông không tôm cá. Trẻ con nghe Then thì sẽ biết đường khôn lớn; gái trai nghe Then thì sẽ biết đường tìm vợ, tìm chồng; người ốm nghe Then như được uống vị thuốc tiên…
Thách thức lớn nhất của hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể là các nghệ nhân cao tuổi ngày một già yếu và mất đi. Trong khi giới trẻ hiện vẫn chưa cảm nhận hết giá trị của di sản để say mê theo học, thực hành, thưởng thức, hưởng thụ các giá trị văn hóa do cha ông sáng tạo và trao truyền lại.
Tuyên Quang đã nhận diện rõ thách thức này và có nhiều chính sách khuyến khích, tôn vinh các nghệ nhân dân gian có công bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa dân tộc. Hiện, tỉnh đã trình và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cho 10 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Trong đó có 4 nghệ nhân thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian dân tộc Tày gồm: Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa), Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm (xã Thanh Tương, huyện Na Hang), Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức (Tp. Tuyên Quang) và Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao (xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa). Đây là những cá nhân đã dành cả đời cho việc sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị di sản Then, đồng thời tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Phát huy di sản Then
Không chỉ các nghệ nhân cao tuổi quan tâm trao truyền Then, tại Tuyên Quang đang có những người trẻ rất nỗ lực phát huy giá trị di sản này. Hà Kiên Trung là một người trẻ dân tộc Tày ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương là một trong số đó. Trước khi nhận được học bổng toàn phần trị giá 350.000 USD vào Đại học Wesleyan University (Mỹ), Trung rất say mê truyền bá Then. Trung đã dùng khoản thu nhập ít ỏi từ việc làm gia sư và học bổng để tài trợ cho lớp học đàn Tính - hát Then tại xã Tân Trào. Đó cũng chính là điểm cộng của Trung khi Trung làm công văn xin học bổng du học Mỹ.
Không chỉ có Hà Kiên Trung, Chu Thạch cũng là một người trẻ ở Tuyên Quang say mê Then. Năm lên 8 tuổi, Thạch đã biết chơi thông thạo đàn Tính, 16 tuổi biết chế tác thành thạo đàn Tính và 23 tuổi sở hữu xưởng sản xuất đàn riêng của mình... Tròn 20 tuổi, Chu Thạch bắt đầu được nhiều người biết đến khi liên tục giành giải cao tại Liên hoan hát Then, đàn Tính tại địa phương và khu vực…
Say mê truyền bá Then, Chu Thạch là một “Hot Youtuber” sở hữu 2 kênh Youtube là “Đan tinh Chu Thach” và “Chu Thach Official”- chuyên dạy đánh đàn Tính từ cơ bản đến nâng cao và đăng tải các tiết mục anh biểu diễn. Tổng số người đăng ký 2 kênh đã lên đến gần 7.000 người. Hiện, Chu Thạch đã thực hiện được hơn 200 bài nhạc Then tách lời phục vụ hát Karaoke.
Bà Âu Thị Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Then được tỉnh Tuyên Quang chú trọng trong những năm gần đây. Toàn tỉnh hiện có hàng trăm câu lạc bộ hát Then, đàn Tính được thành lập. Tỉnh thường xuyên tổ chức liên hoan hát Then, đàn Tính cấp tỉnh, huyện, xã để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có dịp giao lưu.