Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gùi - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào ở Tây Nguyên

Thùy Dung - 11:23, 09/10/2020

Từ xa xưa, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã gắn bó với chiếc gùi. Gùi gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào nơi đây, tạo thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên và được duy trì bền bỉ cho đến nay.

Bức tranh đan gùi đầy màu sắc ở làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka (huyện Chư Păh).
Bức tranh đan gùi đầy màu sắc ở làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka (huyện Chư Păh).

Đồng bào Tây Nguyên không biết gùi có tự bao giờ. Họ chỉ biết nó đã có từ rất lâu đời, được cha ông truyền lại cho những người đàn ông trong gia đình. Theo thời gian, nó gắn liền với phụ nữ DTTS ở nơi đây. Về các buôn làng ở Tây Nguyên, không khó để bắt gặp hình ảnh những cô sơn nữ hay những phụ nữ tóc đã nhuốm màu thời gian mang gùi trên vai đi khắp các nẻo đường đất đỏ bazan.

Chúng tôi tìm về xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai), một trong những xã lưu giữ được nghề đan gùi truyền thống của đồng bào DTTS. Tiếp chuyện chúng tôi là nghệ nhân Rơ Châm H’Mút, làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, ông H’Mút cho biết: Ở đây nghề đan gùi là của đàn ông, dệt vải là của phụ nữ. Thời xưa, con trai lớn lên muốn cưới vợ thì phải vượt qua thử thách của nhà vợ bằng cách đan được những chiếc gùi đẹp. Thanh niên ở làng, ai đan gùi càng đẹp thì càng được con gái trong làng để ý. Điều đó thể hiện trên đôi tay người đàn ông, khi họ biết đan gùi thì trên tay họ sẽ có nhiều vết chai sạn, đôi bàn tay càng nhiều vết chai thì càng được nhà vợ yêu quý.

Gùi của đồng bào DTTS có nhiều kích cỡ và tác dụng khác nhau. Loại dùng để đựng gạo, loại dùng để đựng đồ ăn, nước uống hằng ngày. Gùi chủ yếu được làm từ tre và có thêm 2 quai để đeo lên vai. Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, người đàn ông ở trong các làng dân tộc Gia Rai, Ba Na… đã làm ra nhiều chiếc gùi đẹp dành cho con gái, phụ nữ trong gia đình đeo lên nương, lên rẫy hoặc đi chợ. Ngoài ra, họ cũng đan thêm gùi để kiếm thêm thu nhập.

Nghệ nhân Ưu tú Ksor Ksôh, làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka chia sẻ: Để làm được một chiếc gùi, yêu cầu người đàn ông phải kiên trì, tỉ mỉ và khéo tay. Nguyên liệu làm gùi chủ yếu từ tre, nứa không được quá non hoặc không quá già. Công đoạn mất nhiều thời gian nhất là chẻ và vót thanh nan. Còn loại gùi khó đan nhất là gùi có hoa văn, bởi yêu cầu kỹ thuật và độ tinh tế cao. Hiện nay, các làng ở xã Ia Ka vẫn gìn giữ được nghề đan gùi truyền thống.

Nghề đan gùi được truyền lại cho thanh niên và đàn ông trong làng vì họ có đôi tay rắn chắc.
Nghề đan gùi được truyền lại cho thanh niên và đàn ông trong làng vì họ có đôi tay rắn chắc.

Chị Rơ Châm Bye, làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka cho biết: Từ ngày biết lao động là mình đã đeo gùi trên lưng. Đi lên rẫy, lên nương, đi lấy nước hay ra chợ mình đều mang theo nó. Gùi này là do cha và chồng mình đan. Nó bền lắm, đeo mấy năm nay rồi chưa bị hư hỏng. Ở đây phụ nữ không quen dùng làn nhựa đâu, ai cũng đeo gùi cả vì rất tiện lợi.

Ở làng Hăng Rinh, thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê), già làng Rơ Lan Hào, cũng là một trong những người đan và gìn giữ được nghề truyền thống. Nói về sự quan trọng của gùi trong đời sống của đồng bào DTTS, già làng Rơ Lan Hào cho biết: Đan gùi là nghề truyền thống của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Gùi có mặt trên gác bếp, trên nương, trên rẫy, trên đôi vai của người phụ nữ trong làng. Trong những năm tháng chiến tranh, đồng bào cũng dùng gùi để tiếp tế lương thực cho bộ đội. Hiện nay, ở một số làng đồng bào DTTS đã mai một đi nghề đan gùi truyền thống, nhưng còn nhiều làng vẫn gìn giữ nghề bằng cách truyền lại cho các thế hệ sau.

Dù cuộc sống đang dần phát triển nhưng chiếc gùi trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS vẫn giữ nguyên được giá trị văn hóa. Đặc biệt, người phụ nữ DTTS khi đi chợ đều sử dụng gùi thay cho giỏ và làn nhựa không chỉ giữ gìn văn hóa mà còn góp phần giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.