Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Kiểm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh: Điều không dễ ở vùng DTTS và miền núi

Hoàng Quý - 10:15, 14/09/2021

Thời gian qua, việc triển khai Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đã giúp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh để những trẻ em được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng dân số cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện Đề án này vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả nhiều bệnh lý ở trẻ
Lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả nhiều bệnh lý ở trẻ

Hiệu quả thiết thực

Niềm vui vô bờ đã đến với gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, xã Phú Hòa, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) khi đứa con đầu lòng của chị được sinh ra khỏe mạnh. Chị Thảo cho biết, trong thời kỳ mang thai và đi khám định kỳ, bác sỹ đã phát hiện cả 2 vợ chồng chị đều mang gen bệnh thiếu máu huyết tán, khả năng con sinh ra mang gen bệnh lên đến 75%. Thế nhưng nhờ quá trình xét nghiệm, chọn lọc trước sinh và sự tư vấn tận tình của bác sỹ, vợ chồng chị Thảo đã sinh được con khỏe mạnh.

Được biết, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai tại tỉnh Tuyên Quang từ năm 2013. Đến nay, Đề án đã đi vào nền nếp với các hoạt động như: Đào tạo nâng cao kỹ năng thực hiện chuyên môn, kỹ thuật cho trên 1.500 cán bộ y sỹ sản nhi và Khoa Sản Trung tâm Y tế các huyện, cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên thôn, bản của 141/141 xã, phường, thị trấn về Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kỹ năng tuyên truyền tư vấn, các phương pháp lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh… cung cấp test thử sàng lọc phát hiện bệnh bẩm sinh cho trẻ mới sinh tại các Trạm Y tế và Khoa Sản Trung tâm Y tế các huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Đồng thời, Đề án đã trang bị 4 máy siêu âm 2D cho Trung tâm Y tế các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và 1 máy siêu âm màu 3D cho huyện Chiêm Hóa để phục vụ hoạt động chuyên môn.

Tại Điện Biên, từ khi bắt đầu triển khai Đề án, Ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức hội thảo triển khai thực hiện và tập huấn kỹ năng truyền thông tư vấn, kỹ thuật lấy máu gót chân cho cán bộ y tế và cán bộ dân số. Song song với đó, công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng; nội dung tập trung làm rõ lợi ích, các bệnh lý, các dịch vụ liên quan…

 Đối tượng tuyên truyền, tư vấn, vận động hướng đến Nhân dân tại các thôn bản; đặc biệt quan tâm các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng có nguy cơ sinh con dị tật (phụ nữ mang thai trên 35 tuổi; có tiền sử sảy thai, thai chết lưu…).

Theo bà Vũ Thị Thùy, Chi cục Trưởng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên, hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật sơ sinh chính thức được triển khai tại tỉnh Điện Biên từ năm 2013, với nhiều nội dung hoạt động. Nhờ đó, mà tỷ lệ phụ nữ được sàng lọc trước sinh tăng lên từ 2,03% (2013) thành 34,4% (2020). Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh tăng lên từ 3,98% (2013) thành 40,5% (2020)…

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án vẫn gặp không ít hạn chế, khó khăn. Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Thùy, việc sàng lọc sơ sinh tại tỉnh Điện Biên chủ yếu thực hiện theo nguồn miễn phí và chỉ sàng lọc phát hiện được 2 loại bệnh (thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh). Dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh tuy đã được xã hội hóa, nhưng tại Trạm Y tế xã mới chỉ thực hiện được việc khám thai và tư vấn, mà chưa thực hiện dịch vụ kỹ thuật sàng lọc chẩn đoán bệnh tật, dị tật bẩm sinh; trong khi điều kiện đi lại của người dân từ thôn bản đến xã, huyện còn nhiều khó khăn…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,4 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó có 1,5 - 2% số trẻ em mắc phải các dị tật bẩm sinh. Mặc dù, sàng lọc trước sinh và sơ sinh rất quan trọng, nhưng hiện chỉ có một số thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ thực hiện cao. Còn tại các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, nhiều sản phụ chưa quan tâm đến tầm soát dị tật thai nhi. Tính trung bình cả nước mới có khoảng 30% số trẻ em được sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), ngành Dân số đang xây dựng Đề án xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Qua đó, huy động được các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, các cơ sở y tế và các tổ chức phi Chính phủ tham gia cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh có chất lượng. Mặt khác, đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với một số bệnh được sàng lọc, chẩn đoán, để người dân dễ dàng được tiếp cận.

Tin cùng chuyên mục