Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kiểm soát văn hóa trong quảng cáo

Hồng Phúc - 14:31, 18/03/2020

Trên truyền hình vài tháng gần đây, quảng cáo nước tăng lực hổ vằn gây nhiều tranh cãi cho khán giả, bởi lời lẽ phản cảm khi đề cập đến chuyện “phòng the” trên sóng. Quảng cáo có thời lượng 45 giây, cảnh quay là ngôi nhà của một cặp vợ chồng trẻ với trang phục đồng bào dân tộc. Trong đó, đoạn cuối của quảng cáo có cảnh quay và hội thoại là, khi người chồng nói “lên giường ngủ”, người vợ đưa nước tăng lực vẫn với câu slogan: “Mình uống đi cho khỏe”. Biểu cảm trên khuôn mặt của hai vợ chồng này cùng những câu thoại khiến người xem “đỏ mặt”.

Kiểm soát văn hóa trong quảng cáo

Điều đáng nói khác nữa là, nhân vật còn mặc trang phục người DTTS. Vô tình thông điệp của quảng cáo này lại đi ngược với những giá trị văn hóa tốt đẹp mà chúng ta luôn cố công xây dựng.

Quảng cáo này liên tục phát ngay cả trong khung giờ “vàng”, nghĩa là người lớn dù không muốn, nhưng cũng phải chấp nhận con em mình dễ dàng theo dõi. Không ít bậc phụ huynh còn thấy “gợn” trước ngôn ngữ trong quảng cáo này.

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Hương cho rằng, cần có sự chấn chỉnh ngôn ngữ quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể quảng cáo này đã đạt được mục đích làm người ta ấn tượng, nhưng đó là một ấn tượng xấu. Đặc biệt, khi nhân vật đang mặc trang phục người DTTS mà lại có thể hiện thô tục như vậy. Có thể một bộ phận khán giả chưa có nhiều hiểu biết về văn hóa dân tộc sẽ “khoác áo” xấu xí cho dân tộc ấy. Đó là sự thiếu tôn trọng không chỉ với người DTTS mà còn với công chúng đang theo dõi hàng ngày.

Vậy nên, để duy trì và phát huy chất lượng các kênh truyền hình, việc kịp thời siết chặt việc quản lý, kiểm duyệt nội dung là vấn đề phải nhìn nhận nghiêm túc. Bởi trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như ngày nay, “món ăn tinh thần” cũng phải là món bổ dưỡng, nếu không nó sẽ bị loại bỏ như một quy luật tất yếu.