Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Như Tâm - 08:40, 08/05/2024

Tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách để giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU). Nỗ lực này không chỉ góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn là giải pháp để Kiên Giang cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

(Bài chuyên đề) Kiên Giang: Nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC
BĐBP Kiên Giang tuyên truyền và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trước khi ra khơi.

Tập trung tuyên truyền

Là một trong 28 tỉnh thành phố ven biển của cả nước, Kiên Giang có diện tích vùng biển 63.290km2, với đường bờ biển dài hơn 200km; hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 43 đảo có dân cư sinh sống. Đây là một trong 4 ngư trường trọng điểm đánh bắt hải sản của cả nước.

Cùng với các Ban, Bộ ngành Trung ương, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Đặc biệt, ngày 13/03/2024, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các cảnh báo của EC. Một trong những giải pháp được đặt ra trong Chỉ thị, là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho ngư dân.

Theo Đại tá Huỳnh Văn Đông, ngay từ đầu năm 2024 đến nay, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền vùng biển các nước. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm soát, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền và cùng nương theo ngư dân để có những chuyến ra khơi thuận lợi, an toàn và đúng theo quy định của pháp luật”, Đại tá Đông khẳng định.

Theo Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có 3.611/3.636 tàu cá 15m trở lên đang hoạt động đã lắp đặt VMS, đạt tỷ lệ 99,3%. Tỉnh hiện có 02 cảng cá được chỉ định thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản là Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành và Cảng cá An Thới, thành phố Phú Quốc.

Đối với vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, Đại tá Huỳnh Văn Đông cho biết, thời gian qua, lực lượng Biên phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền. 

Gần đây nhất, tại Hội nghị cung cấp thông tin cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2024 (diễn ra từ ngày 22 – 25/4), báo cáo viên của BĐBP tỉnh đã cung cấp những thông tin cơ bản của Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 13/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Kế hoạch số 317/KH-UBND ngày 15/4/2024 của UBND tỉnh Kiên Giang về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU.

“Dịp này, Bộ Chỉ huy BĐBP phối hợp Ban Dân tộc tỉnh phát trên 1.000 tờ rơi, tờ gấp; 570 tài liệu, thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh về chống khai thác IUU; trao 285 cờ Tổ quốc cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS”, Đại tá Đông cho biết.

Dự kiến, trong tháng 5 này, tỉnh Kiên Giang sẽ làm việc với đoàn thanh tra của EC về chống khai thác IUU lần thứ 5. Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương của tỉnh đã và đang tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, trao tặng quà, cờ Tổ quốc, phát tờ rơi, tài liệu cho ngư dân. Nội dung tập trung những quy định mới về lĩnh vực thủy sản; đồng thời tổ chức cho chủ tàu cá, thuyền trường ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi hoạt động trên ngư trường.

(Bài chuyên đề) Kiên Giang: Nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC 1
Đồn Biên phòng Tây Yên tổ chức tuyên truyền cho ngư dân là đồng bào Khmer bằng tiếng tiếng Khmer.

“Các huyện, thành phố ven biển, đảo thuộc tỉnh tập trung sàng lọc, khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá có nguy cơ và nguy cơ cao, về vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép để tuyên truyền, quản lý đúng đối tượng, có hiệu quả”, ông Toàn cho biết.

Tăng cường giám sát

Theo thống kê, toàn tỉnh Kiên Giang hiện có đoàn tàu cá hơn 10.700 chiếc, công suất bình quân 245,8 CV/tàu. Đến nay, 100% tàu cá đã được đăng ký; 100% tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 95,5% tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản...

Quý 1/2024, BĐBP Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4, Sở NN&PTNT Kiên Giang đã xử lý 250 vụ và ban hành 250 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác IUU, với số tiền 3,3 tỷ đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ/3 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài (năm 2023 vẫn còn 16 vụ/22 tàu cá vi phạm); chưa giải quyết dứt điểm tàu cá “3 Không”; vẫn còn tàu cá từ 15m trở lên không cập cảng chỉ định nên chưa giám sát được 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng....

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, với quyết tâm chính trị cao nhất, tỉnh Kiên Giang đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong chống khai thác IUU). Trong đó, tỉnh yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật, trách nhiệm thi hành công vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm khai thác IUU; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ và xử lý dứt điểm đối với nhóm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm), đảm bảo không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.

Các sở, ngành, đơn vị và địa phương có liên quan tập trung cao điểm, huy động mọi nguồn lực triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay. Xác định rõ các địa bàn trọng điểm, sàng lọc, khoanh vùng các đối tượng, tàu cá “có nguy cơ cao” vi phạm khai thác IUU. 

Tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tại các khu vực biển giáp ranh Việt Nam với Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

(Bài chuyên đề) Kiên Giang: Nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC 2
Lực lượng Biên phòng Kiên Giang theo dõi trên giám sát hành trình.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với chủ tàu, thuyền trưởng các quy định về chống khai thác IUU trên địa bàn quản lý.

Tổ chức theo dõi, giám sát tàu cá lắp đặt VMS hoạt động 24/24 giờ trên hệ thống giám sát hành trình, phát hiện và kiên quyết xử lý các tàu cá vi phạm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến tại các Đồn/Trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm, không cho xuất bến các tàu cá không đủ điều kiện.

Xử lý triệt để các hành vi vi phạm

Khẩn trương điều tra, xử lý dứt điểm các tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đảm bảo có kết quả, số liệu cụ thể để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC. Chủ động theo dõi, xác minh, điều tra, củng cố đầy đủ hồ sơ, chuyển cơ quan chức năng truy tố, xét xử nghiêm các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép và các hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong họa động khai thác thủy sản.

Nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương; người đứng đầu các sở, ngành, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ “Thẻ vàng” của cả nước. 

Tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị các lực lượng Trung ương đóng trên địa bàn như: Cảnh sát biển 4, Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28 và Chi cục Kiểm ngư Vùng 5, tăng cường công tác quản lý vùng biển giáp ranh, chồng lấn nhằm ngăn chặn triệt để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Những nỗ lực của tỉnh Kiên Giang đang góp phần cùng với cả nước cải thiện những khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, từ đó để gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản. Nhưng tỉnh cũng xác định, việc gỡ “thẻ vàng” không phải là sự đối phó, mà chỉ là bước khởi đầu cho hành trình cấu trúc lại nghề cá của tỉnh theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Kiên Giang xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển. Tỉnh phấn đấu năm 2025, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn; trong đó, nuôi trồng thủy sản hơn 375.000 tấn; giá trị sản xuất đạt 7.546 tỷ đồng, thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển 18.510 người. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập kinh tế biển chiếm hơn 80% GRDP toàn tỉnh, gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân toàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.