Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tránh nơi lũ cuốn, gặp nơi… sạt lở

Việt Thắng - Khánh Mỹ (CĐ) - 09:23, 13/09/2021

Lũ lụt gây nên sạt lở đất nghiêm trọng ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An). 17 hộ dân buộc phải di dời khỏi nơi nguy hiểm. Thế nhưng, khu tái định cư - nơi ở mới của bà con vừa xây dựng xong lại bị… sạt lở.

Ông Vi Văn Tao đã dựng nhà kiên cố trong khu tái định cư nhưng không dám vào ở vì sợ sạt lở
Ông Vi Văn Tao đã dựng nhà kiên cố trong khu tái định cư nhưng không dám vào ở vì sợ sạt lở


Lũ tiếp lũ

17 hộ dân ở bản Minh Phương thuộc diện phải di dời đã 3 năm qua vẫn chưa thể an cư. Bà con vẫn phải “liều mình” sống tạm bợ ven sông, suối hoặc ở nhờ nhà người thân. Bản Minh Phương nằm bên dòng sông Nậm Nơn, cách chân đập của thủy điện Bản Vẽ không xa. Chính vì thế, mỗi khi lũ đến, đời sống của bà con vô cùng khốn đốn. Năm 2018, một cơn lũ lớn đã cuốn trôi nhiều đất đá, có 17 hộ dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, tài sản và tính mạng được treo trên miệng “hà bá”. Bà Lô Thị Thư vẫn chưa hết bàng hoàng: “Lũ đến, cây cối đổ gãy, đất đá bị cuốn trôi, chúng tôi như bị treo lơ lửng. Cả 17 hộ dân phải tháo chạy, tránh lũ…”

Lũ qua đi, huyện Tương Dương đã nhanh chóng khảo sát, lập dự án xây dựng khu tái định cư giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Hơn 7 tỷ đồng là số tiền được phê duyệt cho dự án tái định cư di dời khẩn cấp 17 hộ dân nói trên. Bà con, ai cũng mong sớm được dựng lại nhà cửa để yên ổn làm ăn.

 Thế mà, đã gần 3 năm rồi, vẫn chưa ai được… an cư, mặc dù khu tái định cư đã xây xong một số hạng mục cơ bản. Nguyên nhân là khu tái định cư này lại xảy ra sự cố bất an. Tháng 10/2020, lại một cơn lũ ập đến gây sạt mái ta luy dương, đồng thời, tạo ra nhiều vết nứt lớn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân sau này. Công trình vì thế mà phải dừng lại, giấc mơ an cư của bà con vẫn chưa thành hiện thực…

Chưa thể an cư

Ông Lục Văn Thắng, người vẫn đang phải liều sống bên sông Nậm Nơn cho biết, nhà ông đã bốc thăm ở khu tái định cư, đã dựng khung nhà rồi, nhưng lại xuất hiện vết nứt nên buộc phải dừng lại. “Giờ không còn cách nào khác là cứ liều ở lại đây, đến đâu hay đến đó. Ở đây dù sao cũng an toàn hơn lên khu tái định cư. Nguy hiểm lắm!”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, ông Vi Văn Tao là người đã dựng xong nhà cửa ở khu tái định cư, nhưng cả nhà ông ấy không ai dám đến đó ở, phải làm nhà tạm để ở qua ngày. Hay như bà Lô Thị Lâm, từng có nhà kiên cố, to đẹp lắm, nhưng mấy năm nay gia đình 6 người vẫn phải tạm bợ trong mấy gian nhà tre. “Ở đây vừa chật chội, điện nước không có, ai cũng mong sớm được bố trí tái định cư nhưng đã 3 năm rồi và chưa biết đến bao giờ nữa”, bà Lâm than thở.

Gia đình bà Lô Thị Lâm cũng như nhiều gia đình khác, phải sống tạm bợ chờ tái định cư
Gia đình bà Lô Thị Lâm cũng như nhiều gia đình khác, phải sống tạm bợ chờ tái định cư

Mang theo tâm tư của bà con đi gặp lãnh đạo xã Lượng Minh, chúng tôi được lãnh đạo xã này cho biết: Sau khi bị lũ cuốn vào năm 2018, huyện đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng khu tái định cư để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Thế nhưng cơn lũ tiếp sau đó vào năm 2020 đã gây nên sạt lở ở khu tái định cư, nên không thể để bà con di dời đến đó ở được.

Tuy nhiên, đất đai cũng hiếm, tìm được nơi phù hợp để bố trí tái định cư cho bà con là rất khó. Hiện, huyện đã có chỉ đạo xã tìm kiếm địa điểm để tái định cư, bằng cách xen cắm trong các bản. “Cũng đã có một số người đồng ý nhận đất và họ đã bắt đầu san lấp, chuẩn bị dựng lại nhà cửa”, vị lãnh đạo xã này cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.