Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kỳ thú chuông đá ở Tây Nguyên

Lê Hường - 11:40, 18/04/2020

Trong kho tàng văn hóa Tây Nguyên, chuông đá không được nhắc đến như là một nhạc cụ. Nhưng ở Đăk Lăk hiện có những bộ chuông đá rất độc đáo. Khác với đàn đá, chuông đá không có nốt nhạc hay giai điệu cố định, mà nó phụ thuộc vào bàn tay người gõ; người nào có duyên với hồn đá thì đánh chuông sẽ rất hay.

Một góc Khu du lịch sinh thái Tror Bư
Một góc Khu du lịch sinh thái Tror Bư

Đến Thung lũng cá lóc gõ chuông đá triệu tuổi

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) chừng 8 cây số, Khu du lịch sinh thái Tror Bư, tại buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, đậm chất văn hóa Tây Nguyên. Đến với “thung lũng cá lóc” (theo tiếng Ê-đê, Tror Bư có nghĩa là thung lũng cá lóc), du khách còn được trải nghiệm thanh âm đại ngàn từ dàn chuông đá đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập “Dàn chuông đá cổ xưa, nguyên bản nhiều thanh nhất”.

Anh Đỗ Tuấn Hưng, chủ nhân Khu du lịch sinh thái Tror Bư dẫn chúng tôi đi thăm quan bộ chuông đá. Bộ chuông gồm 39 hòn đá được xếp hàng ngay ngắn theo trình tự từ nhỏ tới lớn. Tất cả những hòn đá đều có khuôn hình thon tròn, nhẵn nhụi, dài tầm 1 mét. Bộ chuông đá được chuyên gia đoán định có niên đại khoảng chục triệu năm. 

Cầm viên đá nhỏ gõ lên từng hòn chuông đá, anh Hưng bảo, chuông đá chưa từng có bàn tay gọt đẽo hay uốn nắn của con người, hình thù, âm thanh đó hoàn toàn do tạo hóa. Mỗi viên đá phát ra một thứ âm thanh khác nhau mà nếu đánh đều cùng một lúc thì sẽ tạo ra bản nhạc rừng độc đáo, mê hoặc lòng người. 

Theo anh Hưng, bộ chuông đá được phát hiện cách đây khoảng 10 năm, khi người dân múc ao lấy nước tưới cà phê tại xã Ea Nuôl. Điều kỳ lạ là sau nhiều giờ xúc rất nhiều đất, với độ sâu tương đối mà vẫn chưa thấy mạch nước ngầm. Ở giữa cái ao có một ụ mối rất to. Khi máy múc cào xuống giữa cồn, mọi người nghe thấy tiếng leng keng rất lạ và một ổ đá đều tăm tắp được đào lên. 

Múc xong cái ụ mạch nước tuôn chảy ầm ầm, chỉ vài tiếng đồng hồ, ao đã đầy nước. Người lái máy múc đã mua lại những thanh đá kêu này. Nhân duyên trời định, một lần người lái máy thăm quan vườn Tror Bư thấy rằng, nơi đây hợp với bộ chuông đá nên đã tặng cho chủ nhân khu vườn.

Bộ chuông đá tại Tror Bư
Bộ chuông đá tại Tror Bư

Chiếc chuông đá kỳ lạ

Không được quần tụ như gia đình chuông đá ở Tror Bư nhưng chiếc chuông đá khổng lồ của ông Hoàng Thành, một kỹ sư cầu đường mê hóa thạch, trú tại Phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột cũng vô cùng độc đáo. 20 năm đi tìm cổ vật hóa thạch với hàng nghìn hiện vật đặt trong khu vườn nhà, ông xem chiếc chuông đá là giá trị nhất. Chuông có hình trụ dài 2,60m, đường kính khoảng 60cm, nặng 700kg và phát ra âm thanh như tiếng chuông chùa. 

Ông Thành cho biết: “Chiếc chuông đá này rất lạ. Khi trời càng lạnh tiếng chuông càng trong trẻo, vang xa; ngược lại, trời càng nắng, nóng thì tiếng chuông rất trầm hoặc không phát ra tiếng”. 

Chuông đá được ông Hoàng Thành tìm thấy tại vùng núi Chư Yang Sin, huyện Lăk, Đăk Lăk. Một lần ngồi xem đồng nghiệp san đất, mở đường phát hiện một hòn đá hình trụ rất lạ mắt. Ông nảy ra ý định sẽ kéo hòn đá này về làm trụ cổng nên quay lại tìm hòn đá cho xe chở về vườn nhà. Trong một lần di chuyển hòn đá, khi sợi dây xích nhấc bổng đá lên, vô tình khối đá va vào hai hòn đá khác phát ra tiếng kêu rất kỳ lạ. Ông và mọi người tiếp tục đánh, mỗi chỗ chuông lại phát ra âm thanh khác nhau. 

Theo ông Thành, chuông đá ở gia đình ông chỉ là một hòn đá tự nhiên chứ không phải là cổ vật của người xưa. Chính vì thế, ông đã đặt chuông đá lên hai cột đá hình trụ khác ở ngoài vườn, cạnh ngôi nhà truyền thống của người Ê-đê để người dân các nơi đến chơi có dịp chiêm ngưỡng.

Bộ chuông gồm 39 hòn đá được xếp hàng ngay ngắn theo trình tự từ nhỏ tới lớn. Tất cả những hòn đá đều có khuôn hình thon tròn, nhẵn nhụi, dài tầm một mét. Bộ chuông đá được chuyên gia đoán định có niên đại khoảng chục triệu năm.