Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Thổ giữ gìn văn hóa cồng chiêng

Đào Thọ - 15:13, 07/04/2020

Cồng chiêng là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thổ ở miền Tây xứ Nghệ. Trong những năm qua, từ sự tâm huyết, nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa dân tộc của các nghệ nhân cao tuổi, những điệu múa, cách đánh cồng chiêng đã được bảo tồn, phát huy trong đời sống văn hóa mới hôm nay.

Các thành viên trong CLB Cồng chiêng làng U, xã Nghĩa Thắng tập luyện điệu múa cồng chiêng
Các thành viên trong CLB Cồng chiêng làng U, xã Nghĩa Thắng tập luyện điệu múa cồng chiêng

Chúng tôi tìm về xóm Quyết Tâm, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ khi mọi người đang tổ chức ngày hội gặp mặt những người con xa quê trở về làng. Sau khi ôn lại những trang sử truyền thống của người Thổ trong làng, mọi người quây quần giữa sân nhà văn hóa múa hát cồng chiêng.

Cụ Nguyễn Văn Cảnh (làng Mó, xóm Quyết Tâm): “Người Thổ dù già hay trẻ khi đã vào hội thì đều tham gia văn hóa, văn nghệ say sưa hết mình. Cứ đến ngày hội là mọi người lại mang những bộ cồng chiêng còn giữ được ra sân để tập trung múa hát với nhau”. Những ngày hội như vậy đã mang lại một sức sống tươi trẻ cho cụ Cảnh và những người con dân tộc Thổ mỗi khi trở về thăm quê hương.

Còn tại xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn, nhờ có Câu lạc bộ Cồng chiêng làng U được thành lập vào năm 2015 đã góp phần bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc Thổ trong vùng. Câu lạc bộ có các nghệ nhân nổi tiếng như cụ Vũ Thị Thanh, Nguyễn Thị Thân đều rất giỏi đánh cồng.

Cụ Vũ Thị Thanh năm nay đã 80 tuổi, lưng đã còng nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Mỗi lần tham gia sinh hoạt CLB, cụ vừa đánh cồng, vừa hướng dẫn con cháu nhảy múa theo đúng nhịp cồng chiêng. Cụ bảo, cái hay của điệu cồng là phải kết hợp được cả tiếng kèn, tiếng trống và điệu múa. Chỉ cần một người chơi nhạc cụ lạc nhịp thì các nhạc cụ khác không thể kết hợp tiếp được. Cồng của người Thổ gồm 4 chiếc khác nhau để đánh theo 3 nhịp: Mới vào đánh nhịp chậm, một lúc sẽ đánh nhịp nhanh và khi mọi người đã hứng khởi thì đánh dồn dập. 

Đặc sắc hơn nữa là mọi người vừa múa, vừa hát đối đáp với nhau. Chính những khúc hát đối đáp là một nét riêng trong đời sống văn hóa người Thổ. Cụ Thanh là người đã bỏ công ra sưu tầm hàng nghìn câu hát đối của người Thổ. Theo cụ, ngày trước, mỗi khi người con trai muốn lấy vợ phải hát đối đáp với người con gái mình ưng. Nếu đối lại được thì lúc đó mới tính đến chuyện hôn nhân. Chẳng hạn người con trai muốn vào nhà thì hát rằng: “Đầu lạ sau quen, ôi em ôi anh đợi ngoài ngõ sau anh men vào nhà”. Người con gái đối lại: “Vào nhà ôi anh ôi chiếu hoa thì em trải ra rồi, em mời anh ngồi kẻo đứng mà mỏi chân”…

Theo lời cụ Thanh chia sẻ, trong làng U hiện nay chỉ có cụ Thân là người còn múa đúng nhất điệu múa của người Thổ. Những bước chân, cách đánh tay trống của cụ Thân rất điệu nghệ. 

Con trai cụ Thân tên là Nguyễn Trung Thu hiện đang làm cán bộ quân sự xã Nghĩa Thắng. Hễ cứ rảnh rỗi là anh lại theo chân mẹ đi biểu diễn khắp nơi. Anh Thu được mọi người khen là người thổi kèn dân tộc Thổ hay nhất vùng. Anh Nguyễn Trung Thu cho biết: “Khi tôi gần 20 tuổi mới bắt đầu theo các cụ học thổi kèn. Lúc đầu cũng nản vì trước đây chỉ biết đánh cồng, đánh trống, giờ chuyển sang thổi kèn nên khó học lắm. Lúc đầu chỉ tập thổi riêng kèn, sau đó mới đưa cồng và trống ra hòa chung. Phải mất 3 năm miệt mài, bây giờ tôi mới thổi được như thế này đấy!”

Văn hóa người Thổ đang ngày càng được bảo tồn và phát huy. Những người đi trước đã nâng niu, trân trọng nó để truyền lại cho con cháu mình gìn giữ, bảo tồn phần hồn trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thổ.



Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.