Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Kỹ thuật nuôi dê cho người mới bắt đầu

Như Ý - 14:35, 14/12/2023

Nuôi dê là mô hình đã phát triển ở nước ta từ lâu nhưng đa số chỉ mang tính nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch và chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Vì vậy, số lượng đàn dê tăng trưởng chậm, không đạt hiệu quả kinh tế. Để nuôi dê hiệu quả mang lại năng suất cao, mời bà con tham khảo kỹ thuật nuôi dê cơ bản cho người mới bắt đầu sau đây.

Thịt dê đang là loại thực phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị thơm ngon tự nhiên, và quan trọng hơn độ “sạch” cao. Ảnh minh họa
Thịt dê đang là loại thực phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị thơm ngon tự nhiên, và quan trọng hơn độ “sạch” cao. Ảnh minh họa

Chọn giống

Chọn giống là kỹ thuật đầu tiên và quan trọng nhất mà bà con phải nắm được để đưa ra hướng chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, môi trường đặc thù nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Khi chọn con giống nuôi phải có xuất xứ rõ ràng, có thể theo dõi được cặp bố mẹ thì càng tốt.

Dê đực phải đạt tiêu chuẩn như thân hình cân đối, cơ quan sinh dục phát triển, chọn dê đực trong lứa sinh đôi.

Chọn dê cái hướng thịt phải có thân hình chữ nhật. Dê cái hướng sữa phải có bộ phận sinh dục nở nang, hông rộng, hai núm vú dài từ 4 - 6cm.

Không chọn những con có cổ ngắn, bụng nhỏ, lông tai trụi, đầu dài, tứ chi không thẳng, đứng không chắc chắn.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi dê cho người mới bắt đầu 1

Chuẩn bị chuồng nuôi

Bà con nên chọn chuồng dê không bị ẩm ướt và trũng nước. Nên lựa chọn vị trí làm chuồng sạch sẽ, yên tĩnh, cách xa khu dân cư, nguồn nước nhưng phải đảm bảo dễ dàng quản lý, chăm sóc và vệ sinh.

Diện tích chuồng nuôi phụ thuộc vào số lượng đàn vật nuôi, mật độ trung bình từ 1 – 1.5 con/m2.

Nên lựa chọn hướng Đông Nam hoặc hướng Nam để chuồng thông thoáng, mát mẻ. Với phương pháp pháp chăn thả tự nhiên thì không bắt buộc.

Độ cao của chuồng khoảng cách từ sàn nuôi đến mặt đất phải cao từ 50 – 80cm. Nền chuồng bên dưới sàn phải có độ nghiêng từ 2 – 3%, dốc dần về phía rãnh thoát nước. Thành chuồng nuôi phải cao tối thiểu từ 1,5 – 1,8cm, đóng bằng gỗ hoặc tre.

Bà con phải làm cửa chuồng dê để quản lý, bảo vệ và thuận tiện trong việc xuất bán đàn dê. Cửa chuồng yêu cầu rộng từ 60 – 80cm. Đối với mô hình nuôi dê nhốt chuồng khép kín, trong chuồng nuôi bà con phải treo máng thức ăn tinh, máng thức ăn thô xanh, máng uống.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi dê cho người mới bắt đầu 2


Kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê

Yếu tố cần quan tâm nhất trong quá trình chăm sóc dê là nguồn thức ăn và khẩu phần ăn. Những loại thức ăn cho dê phổ biến nhất hiện nay là các loại cỏ, lá cây các loại, các loại đậu, rau củ, các thức ăn có tinh bột như khoai, sắn, ngô …, những thực phẩm khác như giá, bã đậu … thức ăn hỗn hợp công nghiệp. Trong khẩu phần ăn của dê, thức ăn thô chiếm khoảng từ 55 đến 70%, còn lại là thức ăn tinh.

Nhóm thức ăn thô có vai trò cung cấp năng lượng, là yếu tố bảo đảm cho dạ cỏ hoạt động hoạt động bình thường. Thức ăn thô xanh gồm cỏ mọc tự nhiên, dây lang, mía, lá sắn, thân cây ngô các loại lá cây ăn quả như mít, chuối… và lá một số loại cây chứa nhiều độc tố, cay, đắng như lá xoan, lá xà cừ, lá chàm tai tượng…Thức ăn thô khô gồm cỏ khô, rơm lúa…Thức ăn củ quả gồm sắn, khoai lang, củ cải, bầu bí.

Nhóm thức ăn tinh là loại cung cấp năng lượng gồm các loại củ phơi khô (khoai, sắn), bột ngô, các loại hạt ngũ cốc cám, gạo… Hay loại thức ăn cung cấp đạm gồm bột đậu tương, khô dầu đậu tương, bột cá, bột máu…

Nhóm thức ăn bổ sung khoáng như: bột xương, bột sò, bột cacbonat canxi và thức ăn bổ sung đạm urê.

Về lượng nước cần dùng, mỗi giai đoạn sẽ có nhu cầu khác nhau, dê con từ khi sinh đến 2 tháng cần khoảng 0,5 lít/ngày, đến khi trưởng thành có thể cần đến 5 lít/ngày.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi dê cho người mới bắt đầu 3

Để chăm sóc chăn nuôi dê mang lại hiệu quả cao bà con cần chia ra chăm sóc theo độ tuổi sau:

Dê con dưới 10 ngày tuổi: Ngay sau khi sinh, dê cần được lau khô, cắt rốn và cho bú kinh nghiệm, phải vuốt sạch máu và để lại 3-4cm cuống rốn. Dê con cần được giữ ấm, tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều vi khuẩn và mầm bệnh.

Dê con từ 11 đến 45 ngày tuổi: Cho dê bú sữa mẹ khoảng dưới 1lít/ngày, cho bú ban ngày và tách mẹ vào ban đêm. Giai đoạn này cho dê con theo mẹ là đủ sữa chứ không cần bổ sung sữa ngoài. Ngoài ra, lúc này dê con đã có thể ăn một số loại thức ăn dễ tiêu như: chuối chín, bột đậu nành và một số loại cỏ non sạch nên bà con cho ăn kết hợp.

Dê đang phát triển 46 ngày tuổi đến trưởng thành: Trong quá trình đang tuổi lớn, dê rất cần bổ sung khẩu phần ăn nên bà con có thể cho dê ăn kèm thức ăn tinh từ 50 đến 100g và tăng dần lên theo sự phát triển của dê. Trong giai đoạn này, dê con cũng sẽ đến lúc cai sữa mẹ và thức ăn chủ yếu cho dê là thức ăn tinh và các loại rau củ quả, ngũ cốc...

Sau 3 tháng, dê phát triển mạnh cần cho chăn thả cùng bố mẹ, cho ăn đa dạng các loại thức ăn thô, kết hợp lẫn thức ăn tinh. Nếu chăn nuôi dê thịt thì thông thường sau khoảng 6 tháng nuôi là bà con có thể xuất bán tùy theo cân nặng và nhu cầu.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi dê cho người mới bắt đầu 4

Phòng bệnh cho dê

Dê dễ mắc các bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng… đây đều là những bệnh có tỷ lệ chết cao. Nên dù là nuôi dê chăn thả hay nuôi dê nhốt chuồng thì bà con phải lưu ý các biện pháp phòng bệnh quan trọng sau:

Dê mới mua về cần được cách ly từ 30 - 40 ngày trước khi nhốt chuồng.

Giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát.

Định kỳ khử trùng cho chuồng nuôi bằng nước vôi 10% hoặc axit phenic 2%. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu nước, phát bụi rậm xung quanh để hạn chế mầm bệnh.

Với dê nuôi nhốt chuồng cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, kịp thời phát hiện con dê ốm yếu, bệnh để cách ly.

Bên cạnh đó, tiêm vaccine phòng bệnh là một biện pháp an toàn giúp vật nuôi ít mắc bệnh. Các bạn nên tiêm vaccine cho dê theo định kì, theo lứa tuổi dê. Mỗi năm phải tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng.

Tiêm phòng bệnh đậu: Liều lượng sử dụng: 1 ml/con, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, tiêm 2 lần/năm.

Phòng bệnh tụ huyết trùng: Liều tiêm: 2 ml/con cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt. Tiêm định kỳ 2 lần/năm.

Phòng bệnh lở mồm long móng: Tiêm với liều 1 ml/con, tiêm sâu vào bắp thịt. Chủng mũi đầu tiên lúc 4 tháng tuổi; Chủng tăng cường: 9 tháng sau mũi đầu tiên; Tái chủng: Cứ 12 tháng chủng lại. Sau 2 tuần có miễn dịch, tiêm nhắc lại tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của địa phương.

Phòng bệnh viêm ruột hoại tử: Tiêm giải độc tố phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho dê. Liều tiêm: 2 ml/con, tiêm dưới da cổ, mỗi năm tiêm 2 lần vào tháng 3 và tháng 9. Sau 2 tuần có miễn dịch.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.