Chuẩn bị bãi nuôi
Bãi nuôi có diện tích 1 - 2 ha. Nằm ở vùng trung và hạ triều, bãi nuôi bằng phẳng, ít dốc, nền đáy hơi xốp thuận lợi cho ngao vùi sâu 4 - 6 cm. Chọn bãi triều, eo vịnh có sóng gió nhỏ, nước triều lên xuống êm, thông thoáng, có lượng nước ngọt nhất định chảy vào, đáy là cát bùn, cát chiếm 60-80%. Bãi ở trung, hạ triều là thích hợp; Độ mặn từ 19-26‰.
Thời gian phơi bãi từ 4 - 8 giờ/ngày. Chất đáy bãi nuôi cát chiếm tỷ lệ 70 - 80%. Độ mặn ổn định, dao động từ 10 - 30‰. Không bị ảnh hưởng của nguồn nước thải công nghiệp, nước thải nông nghiệp (tồn dư của thuốc BVTV) và nước thải sinh hoạt...
Trước khi thả giống phải chỉnh bãi như đối với bãi ngao giống. Chỗ bãi có đáy rắn phải làm cho xốp lên rồi san bằng; để giữ cho mặt bãi không tích nước phải khai mương nhỏ.
Trước khi thả giống ở phía cuối bãi dùng đăng tre hoặc lưới chắn xung quanh với độ cao 0,6-0,7m, chân đăng (lưới) vùi sâu xuống bùn cát từ 0,2-0,3m. Cắm cọc, cách đều nhau 1,2-1,5m để dựng lưới và ngả lưới vào phía trong bãi. Trường hợp không dùng đăng lưới thì đắp bờ. Trên mặt bãi căng nhiều giây ngang để giữ không cho ngao đi.
Chọn giống
Ngao giống kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, rõ nguồn gốc xuất xứ, không bị nhiễm bệnh, có mùi tanh tự nhiên.
Thời vụ nuôi
Có thể thả nuôi quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu từ tháng 4 - 6 hoặc tháng 9 - 10 dương lịch hàng năm.
Cỡ giống thả
Tuỳ theo điều kiện bãi nuôi, khả năng đầu tư, trình độ thâm canh để lựa chọn cỡ giống và mật độ nuôi phù hợp.
Đối với bãi triều ít chịu ảnh hưởng của sóng gió (bãi êm), cỡ giống thả 1.000 - 2.000 con/kg, mật độ 400 - 500 con/m2.
Đối với bãi triều sóng gió nhẹ, cỡ giống thả 800 - 1.000 con/kg, mật độ 300 - 400 con/m2.
Đối với bãi triều sóng gió lớn, cỡ giống thả 200 - 500 con/kg, mật độ 200 - 250 con/m2.
Kỹ thuật nuôi và chăm sóc ngao thịt
Ngao giống sau khi vận chuyển từ nơi khác về để vào nơi râm mát để cân bằng nhiệt độ trước khi thả xuống bãi nuôi. Không thả giống khi trời đang mưa. Không nên để ngao trong bao qua đêm, nếu gặp mưa, sau khi thả ngao sẽ hao hụt lớn.
Thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát, bằng cách dùng thuyền chở ngao giống rắc đều lên mặt bãi, cắm tiêu tránh thả chồng lên nhau, tốt nhất thả giống trước khi triều lên ngập bãi.
Ngao là loài ăn lọc, thức ăn của chúng là các động thực vật phù du, mùn bã hữu cơ trong môi trường nước cho nên không cần cho ăn trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, ngao là đối tượng rất mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường như: ngọt hoá, nhiệt độ nước quá cao > 320C kéo dài nhiều ngày, nguồn nước bị ô nhiễm: nước thải của các hoạt động công nghiệp, hoá chất tẩy rửa từ ao nuôi tôm công nghiệp... đều gây hiện tượng chết hàng loạt ở ngao nuôi.
Khi gặp điều kiện môi trường bất lợi ngao phản ứng lại bằng cách trồi lên mặt đáy, chúng tiết ra chất nhầy trong suốt như agar, các bọt khí trong quá trình hô hấp bám vào đó tạo thành một cái dù nâng ngao lơ lửng trong nước và được sóng gió đưa đi nơi khác, đó là một cách vận chuyển thụ động của ngao.
Khi thấy hiện tượng ngao trồi lên bề mặt đáy thì nhanh chóng có biện pháp di chuyển kịp thời. Do đó, việc quản lý trong quá trình nuôi là ngăn chặn kịp thời không cho ngao đi mất. Trong quá trình chuẩn bị bãi nuôi, việc căng các dây cước sát mặt đáy nhằm mục đích cắt túi nhầy để ngao rơi xuống bãi.
Khi nước triều rút, nhặt bỏ các rác thải, vỏ ngao chết trong bãi. Thường có hiện tượng chết hàng loạt ở ngao nuôi, do vậy loại bỏ ngao chết nhằm làm giảm ô nhiễm bãi nuôi.
Thu hoạch
Sau thời gian từ 12 - 18 tháng nuôi, ngao đạt cỡ 50 - 70 con/kg tiến hành thu hoạch. Thời gian thu tốt nhất vào mùa Xuân, thu dễ bảo quản.
Thu thủ công: Dùng cào để cào ngao, 01 người/ngày thu được 200 - 250 kg.
Thu bằng lưới kéo trên thuyền máy: Thích hợp ở dải hạ triều, khi triều xuống kéo lưới nước cạn để tiến lên. Khi thuyền vừa nổ máy, chân vịt quay nước chảy mạnh đưa ngao lẫn bùn chảy vào lưới, bùn cát lọc đi còn lại ngao trong lưới, mỗi giờ thu được khoảng 500kg./.