Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Lai Châu: Nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mảng

Văn Phong - 08:12, 07/12/2023

Dân tộc Mảng là một trong 14 dân tộc thiểu số (DTTS) có số dân dưới 10.000 người và chỉ sinh sống duy nhất tại tỉnh Lai Châu, với gần 6.000 người, chủ yếu tại các huyện biên giới Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Mường Tè. Thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lai Châu đã, đang phục dựng, bảo tồn nhiều nét đẹp văn hóa của các DTTS nói chung, , dân tộc Mảng nói riêng.

Các cô gái người Mảng thể hiện điệu múa truyền thống
Các cô gái người Mảng thể hiện điệu múa truyền thống

Dân tộc Mảng lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, sự tác động của các yếu tố văn hoá hiện đại đã khiến cho nhiều nét văn hoá của người Mảng dần bị mai một.

Một trong những nét văn hóa nổi bật hiện nay của dân tộc Mảng là trang phục. Nét độc đáo trong y phục phụ nữ dân tộc Mảng là tấm choàng quấn quanh thân được cắt may bằng vải thô màu trắng, ở giữa thêu hàng chỉ đỏ. Ðầu để trần, tóc buộc thành chỏm trên đầu bằng dây có tua khá đẹp, chân quấn xà cạp.

Bà Lò Thị Chướng, ở bản Nậm Sảo I, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn cho biết: Người phụ nữ Mảng thì phải có áo, có váy và khăn choàng và phải có khăn cuốn chân nữa. Áo của người Mảng cũng phải có đồng bạc, đồng xu để trang trí. Đồng xu cũng phải có 2 đến 3 loại đồng xu. Áo cũng tự cắt, tự khâu xong rồi mới trang trí hoa văn ở phía sau nữa. Nói về trang phục truyền thống của người Mảng mà không có khăn choàng thì không phải là người dân tộc Mảng.

Với các cô gái Mảng, trang phục không đơn thuần là nét riêng để nhận biết tộc người, mà quan trọng hơn là qua từng đường nét thêu thùa, người ta sẽ đánh giá được sự đảm đang, khéo léo của người con gái đó.

Về tục xăm mặt, trước kia cả phụ nữ và đàn ông Mảng đều phải xăm mặt O ăm (còn gọi là xăm mồm hay xăm cằm). Đây là nghi lễ thành đinh, bắt buộc khi con trai, con gái đến tuổi trưởng thành (con trai từ 16 - 18 tuổi, con gái từ 15 - 16 tuổi), với mục đích chính là được cộng đồng công nhận là thành viên chính thức. Nhờ có hình xăm trên mặt mà sau khi chết đi, tổ tiên ở trên trời mới nhận ra là người trong cùng dòng họ và mới cho hồn trú ngụ cùng.

Lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Mảng
Lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Mảng

Nghề thủ công truyền thống của người Mảng đạt trình độ tinh xảo với các sản phẩm đan lát phục vụ trong đời sống, sinh hoạt. Từ những sợi mây, nan giang được chẻ vót họ khéo léo đan thành những vật dụng. Nổi bật là chiếc bem đựng quần áo, vải vóc, cất giữ trang sức, trang phục quý hiếm. Sản phẩm này có kỹ thuật, mỹ thuật tạo hoa văn, đường nét rất tinh xảo, hài hòa, được các dân tộc: Mông, Lự, Tày, Thái ưa chuộng. Những sản phẩm làm thủ công cũng là thước đo để đánh giá sự khéo léo, tài năng của người phụ nữ dân tộc Mảng.

Ông Pàn Văn Dao, ở bản Nậm Sẻ, xã Vàng San, huyện Mường Tè cho biết: Người Mảng quan niệm trời là đấng sáng tạo, hai vị thần Mon ten, Mon ong là những vị thần cao nhất. Vì vậy, cùng với việc thờ cúng tổ tiên, dòng họ, là những lễ nghi nông nghiệp liên quan đến hồn lúa. Từ đây, nghi Lễ Mừng cơm mới ra đời, được tổ chức vào cuối tháng 9 âm lịch hằng năm và là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Mảng.

"Cái lý của người Mảng từ ngày xửa, ngày xưa khi tổ chức ăn lúa mới là mời cụ già về nói chuyện với mình cho làm nương mới cho thu lúa được nhiều. Đừng có thiếu, đừng có đói, cho con cháu cố gắng làm nương làm rẫy. Đến đây ở tập trung thành bản làng và vui vẻ, uống một chén rượu với nhau, ăn cái gì cũng cùng nhau cho vui", ông Pàn Văn Dao cho biết.

Phụ nữ dân tộc Mảng mặc trang phục truyền thống
Phụ nữ dân tộc Mảng mặc trang phục truyền thống

Dân tộc Mảng lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc, trong đó Lễ vào nhà mới là một hoạt động đặc trưng phản ánh đậm nét đời sống văn hoá, tín ngưỡng của người Mảng. Đồng bào Mảng quan niệm, trong đời người quan trọng nhất là dựng nhà, lập gia đình và sinh con, phát triển gia đình. Nên nhà dù lớn hay nhỏ, làm bằng gỗ hay tranh tre nhưng dựng nhà là mối quan tâm hàng đầu. Bữa cỗ trong Lễ lên nhà mới của người Mảng thường rất đông người. Ngoài thân nhân, họ hàng thì hàng xóm, bạn bè của chủ nhà cũng được mời dự. Sau vài tuần rượu mừng gia chủ, những người biết hát sẽ hát các bài truyền thống của người Mảng. Những lời hát, điệu múa sinh động hòa quyện tạo nên một hoạt động văn hóa dân gian giàu bản sắc và kết nối cộng đồng.

Thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" của Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030, tỉnh Lai Châu đã, đang phục dựng, bảo tồn nhiều nét đẹp văn hóa của các dân tộc ở đây, trong đó có cộng đồng dân tộc Mảng.

Từ năm 2011, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp đó là quyết định phê duyệt Dự án thành phần thuộc Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013 - 2020.

Trang phục của phụ nữ Mảng đều được tự tay thiết kế và truyền dạy từ đời này sang đời khác
Phụ nữ Mảng tự tay may trang phục truyền thống cho mình

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: Đồng bào Mảng hiện có đời sống khó khăn nhất trong các DTTS ở Lai Châu và nhiều nét văn hóa từng bị mai một. Tuy nhiên, nhờ có các chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, đến nay, bà con người Mảng đã phục dựng được nhiều lễ hội thường niên cũng như nghề thủ công truyền thống.

Hiện nay các lễ hội của các dân tộc như Mảng, Cống, Lự, Si La được đưa vào danh mục tổ chức thực hiện hằng năm và được hỗ trợ kinh phí cho tổ chức thực hiện phục dựng và duy trì. Đối với dân tộc Mảng vẫn còn duy trì và tổ chức thường xuyên một số lễ hội độc đáo như là Lễ Mừng Cơm mới, Lễ vào nhà mới, rồi tết, rằm tháng Giêng. Cùng với đó là bảo tồn các nghề thủ công truyền thống mà dân tộc Mảng có được, đó chính là nghề đan lát mây tre đan, được thể hiện trong nghệ thuật rất  tinh xảo, đang được cộng đồng lưu giữ và phát triển.

Nhờ có chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Lai Châu, nhiều nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào Mảng hiện đã, đang được phục dựng, bảo tồn và lan tỏa để nhiều người biết đến, từ đó góp phần ổn định và phát triển đời sống tinh thần cho bà con, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.