Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lai Châu: Thúc đẩy phát triển mô hình HTX liên kết theo chuỗi giá trị

Thuỳ Giang - 20:22, 02/12/2022

Tính đến tháng 11/2022, tại Lai Châu có 391 HTX và chi nhánh HTX, trong đó HTX hoạt động tại lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thuỷ sản, dịch vụ nông nghiệp là chủ yếu, gồm 185 HTX. Số lượng HTX theo hướng liên kết theo chuỗi chưa nhiều. Tuy nhiên, xét từ kết quả hoạt động thực tiễn của các mô hình HTX, tỉnh Lai Châu định hướng đây là hướng đi đúng cần đẩy mạnh phát triển.

HTX Thanh Xuân (huyện Than Uyên) tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP
HTX Thanh Xuân (huyện Than Uyên) tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP

Than Uyên là nơi có cánh đồng Mường Than rộng lớn “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, gạo Séng Cù tại đây nổi tiếng thơm, ngon, đậm đà. Từ mong muốn đưa gạo ngon Séng Cù đến với người tiêu dùng toàn quốc, anh Nguyễn Văn Yên - Giám đốc HTX Thanh Xuân đã tiên phong trong việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh.

Hiện, HTX Thanh Xuân quy hoạch vùng liên kết trồng lúa khoảng 130 ha, với khoảng 600 hộ dân tại 4 xã Mường Cang, Hua Nà (trồng lúa Séng Cù), Tà Hừa (trồng nếp tan), Mường Than (trồng tẻ tròn). Ngoài giống lúa nếp tan hiếm có do bà con tự để giống, thì khi tham gia liên kết sản xuất với HTX, nông dân tại 4 xã được hỗ trợ 100% giống lúa từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh. Trong quá trình canh tác, bà con được cung cấp phân bón, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt để tạo ra năng suất, sản lượng cao nhất.

Khi lúa chín, Giám đốc HTX Thanh Xuân tổ chức cho HTX thu mua lúa tươi ngay tại cánh đồng, tiến hành sơ chế, bảo quản và bao tiêu sản phẩm. HTX liên kết với các đại lý, cửa hàng tiêu thị tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình... 

Hiện tại, HTX Thanh Xuân có 3 sản phẩm tiêu biểu là gạo Séng Cù, gạo Nếp tan và Tẻ tròn. Năm 2000, nhãn hiệu gạo Séng Cù được chứng nhận OCOP, được trưng bày, giới thiệu và nhiều địa phương, người tiêu dùng biết tới.

Quang cảnh thu mua lúa tươi của HTX Thanh Xuân tại cánh đồng lúa huyện Than Uyên
Quang cảnh thu mua lúa tươi của HTX Thanh Xuân tại cánh đồng lúa huyện Than Uyên

Trung bình mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 300-500 tấn, doanh thu khoảng 8 - 9 tỷ đồng. Sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, trừ các chi phí, HTX Thanh Xuân thu về khoảng 300-500 triệu đồng/năm. Do liên kết với các hộ dân, nên nhân công tại HTX Thanh Xuân chưa cần tới 10 người thu mua, sấy, hỗ trợ giám sát quá trình sản xuất. Nhân công có thu nhập ổn định khoảng 7, 5 triệu đồng/tháng.

Giám đốc HTX Thanh Xuân - Nguyễn Văn Yên chia sẻ: Dù trong giai đoạn đầu khó khăn, nhất là khâu tìm kiếm thị trường đầu ra cho bà con, nhưng hiện nay thị trường tiêu thụ đã ổn định. HTX Thanh Xuân đang đề ra mục tiêu, tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, tăng sản lượng lúa gạo, mở rộng liên kết và thị trường tiêu thụ. Với các chính sách hỗ trợ của tỉnh Lai Châu và Liên minh HTX tỉnh, chắc chắn những mục tiêu dài hạn của thương hiệu gạo Séng Cù Than Uyên sẽ ngày càng phát triển, vươn xa.

Mô hình liên kết nuôi lợn đen của HTX Ứng Thìn (huyện Mường Tè)
Mô hình liên kết nuôi lợn đen của HTX Ứng Thìn (huyện Mường Tè)

Cũng theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX Tây Bắc đã ký hợp đồng liên kết với khoảng 40-50 hộ dân trồng chè tại xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, nhận thu mua khi đến vụ thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. “Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX.

Bên cạnh đó, có những HTX đang trong quá trình nuôi trồng, tạo sản phẩm nhưng đã liên kết, có sẵn thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là một hướng đi an toàn để người nông dân an tâm sản xuất. Anh Lê Đình Ứng, Giám đốc HTX Ứng Thìn (huyện Mường Tè) vui vẻ chia sẻ, khởi nghiệp từ tháng 7/2020, hiện, trang trại của anh đang nuôi khoảng 100 con lợn nái. Quy mô tuy còn nhỏ nhưng các hướng liên kết chăn nuôi, thủ tục xây dựng thương hiệu, thị trường bao tiêu sản phẩm… đều được anh Ứng thực hiện xong.

Hiện, HTX Ứng Thìn đã triển khai liên kết với 93 hộ dân (xã Can Hồ, Mường Tè) và 190 hộ dân (huyện Nậm Nhùn) tham gia nuôi lợn đen Mường Tè. Quy mô vừa chăn nuôi tại trang trại, vừa chăn nuôi tại hộ dân đã liên kết, mục tiêu đạt 300 lợn nái và 6.000 lợn thịt trong năm.

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lai Châu và Giám đốc HTX Voòng Dính (huyện Phong Thổ) kiểm tra vườn ươm cây mắc ca
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lai Châu và Giám đốc HTX Voòng Dính (huyện Phong Thổ) kiểm tra vườn ươm cây mắc ca

Sản phẩm đầu ra của HTX, là thực phẩm chế biến từ lợn đen chăn nuôi tại Mường Tè và Nậm Nhùn, mang thương hiệu Mường Food như giò, chả, thịt mát, thịt sấy, thịt khô, nem... Các sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Thị trường bao tiêu ký kết với hệ thống Siêu thị Winmart và Green về phân phối sản phẩm nông nghiệp sạch.

Bên cạnh các HTX chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, tại Lai Châu, một số HTX trồng cây công nghiệp lâu năm như chè, quế... cũng được phát triển theo hướng liên kết sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị. Lai Châu nổi tiếng có chè ngon, sạch, khác biệt với hương vị đậm đà, nước chè sánh trong, không lẫn tạp chất. Cây chè được trồng ở nhiều huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Tam Đường... với diện tích khoảng 6.000 ha chè, cho thu nhập, sản lượng đạt khoảng 11.000 tấn chè khô/năm. 

Hiện, ở Lai Châu có khoảng 20 công ty, HTX liên kết sản xuất với nông dân từ việc tham gia trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển giống chè, chuẩn hóa quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, đầu tư phát triển cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, xúc tiến thương mại, xuất khẩu chè.

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lai Châu thăm và kiểm tra HTX chăn nuôi tại Lai Châu
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lai Châu thăm và kiểm tra HTX chăn nuôi tại Lai Châu

Ông Đoàn Văn Lộc - Giám đốc HTX Tây Bắc chia sẻ, đơn vị đã ký hợp đồng liên kết với khoảng 40 - 50 hộ dân trồng chè tại xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho các hộ dân, liên kết với các cơ sở sản xuất chè khô, tiêu thụ thương phẩm. Từ cây chè, thu nhập người dân được nâng lên, đạt khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Lê Quý Toàn - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu, mục tiêu trong những năm tới, tỉnh sẽ thúc đẩy, nhân rộng mô hình HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Hiện tại, Liên minh HTX tỉnh đã tạo điều kiện, tư vấn, hỗ trợ cho các HTX xây dựng mô hình liên kết theo hướng này và đồng hành cùng các HTX trong việc giải bài toán đầu ra cho các HTX sản xuất.

Một góc bản nông thôn mới ở xã Bình Lư, huyện Tam Đường
Một góc bản nông thôn mới ở xã Bình Lư, huyện Tam Đường

Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh cũng đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: Tại Hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX Coop-Expo năm 2022 tại Hà Nội, đã cho 22 HTX trên địa bàn tỉnh tham gia; Kết nối với các siêu thị và các công ty xuất nhập khẩu để cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Phát triển HTX theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, là phù hợp với yêu cầu đổi mới của kinh tế thị trường, đặc biệt phù hợp với hướng đi của các HTX sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, sự đồng hành của chính quyền địa phương và nỗ lực từ chính các HTX, tin rằng, các HTX liên kết sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, mang lại thu nhập cao cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Tháo gỡ khó khăn bảo vệ và nâng chất các tiêu chí (Bài 3)

Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Tháo gỡ khó khăn bảo vệ và nâng chất các tiêu chí (Bài 3)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu tăng cao hơn so với trước đây, nên các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 - 2020 khó đảm bảo khi xét theo các tiêu chí, chỉ tiêu mới. Hiện các ngành và địa phương trong tỉnh Gia Lai đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong thực hiện các tiêu chí để xây dựng NTM theo hướng bền vững.