Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Lâm Đồng: Học sinh DTTS góp phần bảo tồn điệu hát ru Cơ Ho

PV - 16:17, 22/02/2023

Với mong muốn bảo tồn và phát huy loại hình hát ru - nét văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS Cơ Ho trên địa bàn xã Đạ Nhim, hai em học trò dân tộc Cơ Ho Trường THCS&THPT Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã nghiên cứu đề tài về các điệu hát ru của đồng bào dân tộc Cơ Ho và đoạt giải Nhì cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật học sinh trung học năm học 2022 - 2023.

Em Ri Ta và K’Siếu cùng cô giáo hướng dẫn tại Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật năm học 2022 - 2023
Em Ri Ta và K’Siếu cùng cô giáo hướng dẫn tại Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật năm học 2022 - 2023

Đề tài mà hai em học trò dân tộc Cơ Ho là Kon Sơ Ri Ta - lớp 8A1 và Sơ Ao K’Siếu - lớp 9A1 Trường THCS&THPT Đạ Nhim thực hiện thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi mang tên “Thực trạng mai một loại hình hát ru của đồng bào dân tộc Cơ Ho tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương và một số giải pháp bảo tồn, phát huy trong thời gian tới”. Kon Sơ Ri Ta chia sẻ: “Tuổi thơ em lớn lên theo những bài hát ru của bà, của mẹ. Thế nhưng giờ đây chỉ còn lại rất ít những người già còn nhớ và còn biết hát ru, thế hệ trẻ thì đa số không biết đến loại hình hát ru của dân tộc mình. Trước thực trạng các điệu hát ru dần mai một, em mong muốn góp một phần nhỏ bé để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo này”.

Để thực hiện đề tài, Kon Sơ Ri Ta và Sơ Ao K’Siếu được cô Trần Thị Giang - giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS&THPT Đạ Nhim hướng dẫn. Ba cô trò đã xuống tận nhà người dân trong vùng, nhất là những nhà có người lớn tuổi để tìm hiểu về các bài hát ru của dân tộc Cơ Ho. Xã Đạ Nhim có trên 80% đồng bào DTTS Cơ Ho với nền văn hóa phong phú, đặc sắc, trong đó có loại hình hát ru.

tiếng Cơ Ho, hát ru được gọi là tong brơr, lời ru mộc mạc, phản ánh cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân bản địa gắn bó với thiên nhiên. Những bài hát ru của người dân tộc Cơ Ho thể hiện giá trị tinh thần và bản sắc văn hóa riêng, phản ánh những tập tục, thói quen sinh hoạt, lòng tin, tình yêu, khát vọng, tinh thần nhân văn... lời ru còn góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn trẻ thơ. Âm điệu của các bài hát ru lấy chất liệu từ dân ca Cơ Ho nên rất gần gũi với thiên nhiên và ngôn ngữ nói của dân tộc địa phương địa.

Những người bà, người mẹ dân tộc Cơ Ho ở xã Đạ Nhim thường hát ru con ngủ, kể cả khi địu con trên lưng đi làm rẫy, điệu ru dạy con biết yêu núi rừng, yêu thôn bản, yêu thương con người, làm việc thiện, tránh điều ác... Thời xưa, người Cơ Ho ai cũng biết hát ru, không chỉ có bà ru cháu, mẹ ru con mà ông cũng có thể ru cháu, bố có thể ru con, anh, chị cũng thường xuyên ru em. Ngoài ra, trong quá trình hát ru, một số người già còn sử dụng nhạc cụ của dân tộc để đệm nhạc cho các bài hát ru. Người Cơ Ho không chỉ hát ru con mà còn hát ru vào những dịp mừng lúa mới, mừng thọ hay những dịp lễ quan trọng trong gia đình, dòng họ...

Từ việc nghiên cứu thực trạng mai một loại hình hát ru của đồng bào dân tộc Cơ Ho trên địa bàn, hai em học trò đã đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả loại hình hát ru này. Trong đó, trước hết cần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân tộc Cơ Ho trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy loại hình hát ru của dân tộc mình; đồng thời, giáo dục, tuyên truyền cho học sinh người đồng bào dân tộc Cơ Ho trong các trường học về ý nghĩa của hát ru Cơ Ho. Bên cạnh đó, sưu tầm, ghi chép lại các bài hát ru từ chính những người cao tuổi trên địa bàn còn nhớ và biết hát ru, sau đó biên soạn và in thành sách để phổ biến rộng rãi trong người dân. Một trong những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay là những người lớn tuổi biết hát ru truyền dạy các bài hát ru của dân tộc Cơ Ho cho thế hệ trẻ. Cùng với đó đa dạng hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ có loại hình hát ru cho người dân.

“Đặc biệt, xã Đạ Nhim nằm dọc theo Quốc lộ 27C - tuyến đường nối thành phố hoa Đà Lạt và Tp. Nha Trang, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn có một số điểm du lịch nổi tiếng như Vườn thú ZooDoo, Khu du lịch sinh thái SXHQ với trường đua ngựa chuyên nghiệp... Vì vậy, việc xây dựng Mô hình Câu lạc bộ Hát ru Cơ Ho gắn với du lịch địa phương như phục dựng các lễ hội truyền thống của dân tộc, biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn những bài hát ru Cơ Ho nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc  đến du khách là cách để bảo tồn và phát huy loại hình hát ru độc đáo này”, Sơ Ao K’Siếu cho biết. 

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.