Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

Cụ ông 90 tuổi miệt mài kiếm tiền làm từ thiện

Thùy Dung - Lê Hường - 20:55, 27/03/2020

Cụ Lưu Bình, ở Tổ dân phố 1, Phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum (Kon Tum) năm nay đã 90 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn đạp xe đến các đường làng, ngõ phố bán từng gói đậu phộng (lạc). Số tiền kiếm được ông đã giúp đỡ hàng trăm người nghèo vượt qua khó khăn.

Cụ Lưu Bình và chiếc xe đạp gắn bó với hành trình làm việc thiện nhiều năm qua
Cụ Lưu Bình và chiếc xe đạp gắn bó với hành trình làm việc thiện nhiều năm qua

Năm 40 tuổi, ông Lưu Bình rời quê hương Bình Định khăn gói đưa gia đình lên Kon Tum lập nghiệp. Vợ chồng ông làm thuê, làm mướn nuôi 7 người con khôn lớn.

Khi tuổi cao sức yếu không thể lao động nặng, ông chuyển sang bán đậu phộng dạo. Cứ như thế, trên chiếc xe đã cũ mòn với thúng đậu hơn 10kg, ông đi dọc hết các tuyến đường Kon Tum để rao bán. Cứ 7h sáng ông dắt xe đi bán, trưa về nghỉ ngơi rồi chiều tối lại tiếp tục đi bán hết mới về. Dù buôn bán vất vả nhưng số tiền lời bán được ông quyết định sẽ làm việc thiện, còn vốn mang về cho con trai đầu tư vào mùa đậu mới.

“Ngày xưa tôi khổ nhiều rồi, nên giờ thấy người nghèo, người khổ là tôi thương lắm. Khi đi bán đậu trong các quán nhậu, tôi thấy hiểu hơn cuộc sống mưu sinh của nhiều kiếp người”, cụ Bình chia sẻ về việc làm của mình.

Anh Lê Dũng (37 tuổi), người dân Phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum, cho biết: “Ở đây ai cũng biết cụ Bình. Ngày nào cụ cũng chở thúng đậu đi bán để làm từ thiện. Cứ hễ nghe tin có ai đau ốm, bệnh tật mà hoàn cảnh khó khăn, không có tiền thuốc thang là cụ lại nhờ con trai chở đến thăm hỏi, ủng hộ họ vài trăm nghìn đồng, hôm nào dư thì cả triệu đồng. Lâu lâu mình vẫn mua ủng hộ cụ vài gói đậu phộng”.

Hơn 5 năm trước, cụ Bình thuê người đóng một cái tủ kính nhỏ, ở trước dán dòng chữ “Bánh mì từ thiện” rồi đem tới đặt gần cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Số tiền bán được từ đậu phộng, cụ mua bánh mì để giúp người khó khăn trong cuộc sống.

Một năm trở lại đây, việc buôn bán trở nên thuận lợi, thỉnh thoảng cụ mua thêm 10kg gạo chuyển cho bếp cơm từ thiện ở gần bệnh viện. Biết có người nào ốm đau, không có tiền thuốc men, cụ đều tìm đến hỗ trợ từ 1 - 2 triệu đồng.

“Tôi giúp đỡ người khác, bản thân cũng thấy hạnh phúc. Có hôm mới mang ra 100 ổ bánh mì vài phút đã hết sạch. Người ta thấy tôi già mà ngày nào cũng mang bánh mì đến bỏ, nhiều nhà họ thấy vậy cũng mua bánh mì bỏ vào, một số người thì bỏ tiền. Nhiều người chung tay góp vào tủ bánh mì tôi cũng vui”, cụ Bình hào hứng nói.

20 năm bán đậu phộng, cụ Bình không nhớ số tiền mình ủng hộ là bao nhiêu, không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người. Cụ chỉ nhớ những người đồng hành cùng cụ trong công việc bán đậu làm từ thiện. Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với cụ Bình là các con, cháu của cụ đều chung tay giúp đời.

Ông Lưu Văn Đức (60 tuổi, con trai cụ Bình) bộc bạch: “Biết Ba đi bán đậu phộng để giúp đỡ người khác, các con ai cũng ủng hộ. Nhiều ngày mình còn bỏ việc để đưa Ba đi thăm mấy người có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ”.

Bà Phạm Thị Tố Loan, Phó Chủ tịch UBND Phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum, cho biết: Hiện cụ Bình sống với con trai, kinh tế không dư dả nhưng rất hay làm việc thiện. Việc cụ bán đậu phộng làm từ thiện được nhiều người dân biết đến, nên gặp cụ là họ mua ủng hộ ngay. Mỗi năm, vào dịp lễ, tết, cụ ủng hộ nhiều suất quà để tặng cho hộ nghèo của phường. Đây là tấm gương sáng đáng để mọi người học tập.

Tin cùng chuyên mục
Trao tặng áo ấm cho 1.000 học sinh vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên

Trao tặng áo ấm cho 1.000 học sinh vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên

Với mong muốn hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào các dân tộc thiểu số có áo ấm trong mùa đông năm nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên vừa quyết định trao 1.000 áo ấm tặng 1.000 học sinh tại ba trường trong địa bàn hai huyện: Mường Chà và Mường Ảng, thuộc tỉnh Điện Biên.