Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Làm mới âm nhạc Tây Nguyên để gần hơn với công chúng

Hồng Phúc - 11:09, 28/02/2020

Kaly Trần, chàng trai dân tộc Ba Na chia sẻ, muốn âm nhạc của người Ba Na được bảo tồn, phát huy hiệu quả thì phải tìm được “không gian sống” cho nó chứ không thể giữ gìn theo những cách khiên cưỡng. Đó cũng là lý do mà ban nhạc dân gian Kaly Band được thành lập với hơn 100 thành viên “chân đất”, do Kaly Trần làm Trưởng nhóm.

Kaly Band biểu diễn ca khúc “Em đẹp như hoa pơlang” trong chương trình Ban nhạc Việt mùa 2
Kaly Band biểu diễn ca khúc “Em đẹp như hoa pơlang” trong chương trình Ban nhạc Việt mùa 2

Kaly Trần chia sẻ, anh biết đánh chiêng từ khi theo bố đánh cồng chiêng lúc lên 5. Càng lớn lên, anh càng nhận ra nghệ thuật chỉnh chiêng rất khó, vì vậy nghệ thuật này dễ có nguy cơ bị thất truyền.

Anh bảo, anh luôn trăn trở bởi văn hoá Ba Na bị “chảy máu”. Trong các dịp lễ hội truyền thống, ngoài cồng chiêng, đàn t’rưng còn xuất hiện thì các loại nhạc cụ như đing but, ching gong, brõ ot, tãh tơng kram, đinh klơk, ting ning, rong roih, hơ gơr… hầu như không còn ai chơi, cũng không còn ai chế tác những nhạc cụ này nữa.

Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp cử nhân Âm nhạc của Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội (năm 2015), Kaly Trần đã từ bỏ nhiều cơ hội làm việc ở TP. Hồ Chí Minh để trở về quê hương Kon Tum với mong muốn bảo tồn, làm mới âm nhạc Tây Nguyên để gần hơn với công chúng. Anh đã mày mò tìm hiểu chế tạo và phục hồi lại những nhạc cụ sắp thất truyền của người Ba Na.

Đặc biệt, Kaly Trần đã quyết tâm “làm nóng” ngọn lửa âm nhạc dân tộc mình. Bộ cồng chiêng truyền thống chỉ có 3 cồng, 11 chiêng, thì Kaly cải tiến thành bộ gồm 16 chiêng, 12 cồng, kết hợp với nhiều loại nhạc cụ khác, âm thanh đa dạng hơn, thực hiện được nhiều giai điệu phong phú. Kaly Trần cũng là người sáng chế ra bộ đàn đá theo thang âm quốc tế 7 âm thay vì ngày xưa chỉ 5 âm. Chiếc đàn đá này không chỉ đánh được các bản nhạc truyền thống của người Ba Na mà còn chơi được bất cứ giai điệu, bài hát nào, kể cả các tác phẩm nước ngoài.

Thành công của sáng tạo ấy là kết quả của lòng yêu và say mê các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình của chàng trai trẻ 32 tuổi. Nhìn cách say mê biểu diễn các nhạc cụ mới thấy được tâm huyết và tình yêu của anh dành cho âm nhạc Tây Nguyên.

Cùng với chế tác, phục hồi nhạc cụ truyền thống, Kaly Trần bắt đầu xây dựng một nhóm nhạc dân gian thu hút không chỉ giới trẻ mà cả những người trung tuổi tham gia. Nhóm nhạc do Kaly Trần thành lập có tên gọi là Nhóm nhạc dân gian Kaly band, chuyên sử dụng nhạc cụ dân tộc do anh chế tác.

Kaly Band hiện có hơn 100 người do Kaly làm Trưởng nhóm, thành viên nhỏ nhất là Kaly Saryo, 8 tuổi, con trai anh Kaly và lớn nhất là anh trai của Kaly, năm nay 60 tuổi. Họ đều là những người con của núi rừng Tây Nguyên, là những người nông dân quen với nương rẫy, buôn làng và có chung tình yêu, sự khát khao mang âm nhạc người Ba Na đi xa, quảng bá cho bạn bè các dân tộc khác và bạn bè thế giới.

Những khán giả theo dõi chương trình Ban nhạc Việt mùa 2 năm 2019 trên VTV3 hầu hết đều ngạc nhiên và hứng thú với Kaly Band với những chiếc chuông gió mộc mạc, những chiếc cồng chiêng, đàn T’rưng và những nhạc cụ đặc sắc của đồng bào dân tộc Ba Na trên một sân khấu hiện đại như “thôi miên” người xem.

Ban nhạc đã tham gia một số chương trình văn nghệ lớn, tiêu biểu là Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên và mang âm nhạc của mình biểu diễn ở một số nước.

Trên Youtube và mạng xã hội đã xuất hiện nhiều video những bài hát như: “Gặt lúa đồng xuân”, “Em đẹp như hoa pơ lang”, “Chuông gió”… các màn biểu diễn cồng chiêng, đàn đá với cái tên Kaly Trần, Kaly Band, được rất nhiều khán giả yêu thích. Từ câu chuyện của Kaly Trần, ta có thể thấy, kể cả trong thời đại 4.0 như ngày nay, những giá trị truyền thống dân tộc vẫn có chỗ đứng, sức hút riêng khi biết cách gìn giữ, bảo tồn.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.