Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Làng Kon Tum Knâm làm nhà Rông mới

Đinh Dũng - Lê Ngọc - 14:37, 25/07/2021

Từ bao đời nay, nhà Rông là nơi đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên bàn "việc của làng", nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào. Để có chỗ làm nơi sinh hoạt cộng đồng và quan trọng hơn là để giữ gìn văn hóa truyền thống cho làng, mới đây, bà con dân làng Kon Tum Knâm quyết tâm dựng lại nhà Rông mới sau khi nhà Rông cũ đã xuống cấp. Nhà Rông mới tuy có diện tích lớn hơn nhưng vẫn giữ được dáng dấp nguyên bản của nhà Rông truyền thống.

Chung sức xây dựng nhà Rông

Đã lâu, chúng tôi mới trở lại nơi này - Làng Kon Tum Knâm, phường Thống Nhất, TP. Kon Tum (Kon Tum) nằm bên con đường lớn dẫn vào cầu treo Kon Klor, cách phố phường nhộn nhịp chẳng bao xa. Và thật may mắn, chúng tôi được chứng kiến người dân trong làng đang tất bật để làm lại nhà Rông mới thay thế nhà Rông cũ đã xuống cấp.

Già làng A Hyech tỷ mẩn từng chút một với công việc của mình
Già làng A Hyech đang cùng với dân làng làm nhà Rông mới

Ðối với các buôn làng dân tộc Ba Na ở Kon Tum, thì sự tồn tại của làng với nhà Rông là mối quan hệ không thể tách rời. Nhà Rông là không gian cộng đồng của làng, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, xã hội của làng, là nơi đón tiếp và lưu giữ khách mỗi khi đến làng, vì vậy việc sửa chữa hay làm lại nhà Rông là việc lớn của cả làng.

Già làng A Hyech bảo, nhà Rông là hồn cốt dân tộc, là văn hóa mà ông bà để lại từ hàng ngàn đời nay. Vì vậy, ông luôn tìm mọi cách để giữ gìn vốn quý đó. Thời gian qua, nhà Rông của làng đã xuống cấp nhiều quá, Già làng A Hyech đưa đôi mắt buồn hoang vắng bên những cọng tranh của nhà Rông còn sót lại như cố giữ lại những ngày hội, những đêm chếch choáng men rượu cần cùng nhịp xoang, tiếng chiêng trong tiềm thức…

Nguyên liệu để làm mái nhà Rông là lá cây cỏ tranh
Nguyên liệu để lợp mái nhà Rông là cỏ tranh

Sau bao đêm suy nghĩ, già làng A Hyech quyết định bàn với những Người có uy tín ở làng để kêu gọi sức dân xây dựng lại căn nhà Rông mới và làm theo kiến trúc nhà Rông truyền thống. Sau khi hội đồng làng đã thống nhất, họ liền thông báo với người dân trong niềm vui mừng, phấn khởi và già làng A Hyech là người chỉ đạo chính. Thế là, cả làng Kon Tum Knâm huy động hết sức lực của dân làng để cùng chung sức xây dựng nhà Rông.

Già làng A Hyech bảo, theo phong tục cổ truyền của người Ba Na ở vùng đất này, lúc bắt đầu xây dựng, già làng thông báo quyết định làm nhà Rông cho tất cả thành viên trong làng được biết trước 1 năm để tập trung dân làng và chuẩn bị vật liệu, sau đó làm lễ cúng Yang để xin phép cho làng thực hiện. Nhà Rông thường được các già làng và những người lớn tuổi trong làng lựa chọn ở vị trí quan trọng nhất, thường ở ngay chính giữa làng. Già làng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để bảo đảm hiệu quả thẩm mỹ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tìm vật liệu và tiền của.

Người làng đoàn kết chung tay làm nhà Rông
Dân làng đoàn kết cùng chung tay làm nhà Rông

Nhà Rông của làng Kon Tum Knâm đang bước vào đoạn lợp mái, khi chúng tôi đến. Những tấm phên tranh này được đan chủ yếu bằng cỏ tranh, rộng phổ biến 80cm. Nan đan hay độ dài tấm phên tranh được đan theo độ vừa phải, dài theo chiều của cây tranh. Đan tranh không khó khi đã thuần tay, nhưng để làm ra những tấm phên tranh tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng vất vả, nhất là khâu đi lấy cỏ tranh về làm. Để lợp một mái nhà Rông cao vút như thế này, nguyên liệu cỏ tranh ở xung quanh làng không đủ. Lấy hết ở gần, người làng lại phải đến những nơi khá xa như xã Đăk Blà, Đăk Cấm, Đăk Rơ Wa; nhiều khi sang cả vùng rừng thuộc huyện Kon Rẫy, Đăk Hà, qua tới địa bàn tỉnh Gia Lai mới có được nguyên liệu.

Công việc đan tấm phên tranh cũng khá vất vả, vì có thể bị tranh cắt vào tay
Công việc đan tấm phên tranh cũng khá vất vả, vì có thể bị tranh cắt vào tay

Không chỉ đi xa, việc cắt và vận chuyển tranh mới thực sự nặng nhọc, vất vả bởi cỏ tranh rất sắc và có thể để lại nhiều thương tích. Nguyên liệu ngày càng xa, khó khăn nhất vào mùa mưa như hiện nay, nên người làng thường tranh thủ lúc trời nắng ráo để đi cắt tranh. Do vậy, thường trong gia đình việc đi lấy tranh do người đàn ông, thanh niên đảm nhận. Theo quan niệm, đàn ông Ba Na trước khi lấy vợ phải biết đẽo cái cây, dựng cái nhà để ở, đan cái gùi để đựng, nắm được những kỹ thuật cơ bản trong việc dựng nhà Rông…

Biểu tượng đẹp về sự trường tồn

Già làng A Hyech cũng là một “tay” đan giỏi trong làng cho biết, lấy tranh thường thì người cha và con trai khỏe mạnh đi cắt, rồi cột vào xe máy, chở về. Nhưng đó là ở địa bàn thuận lợi. Đối với những khu vực xa, đi lại nhiều khó khăn, người làng hay rủ nhau 9 - 10 người cùng vào rừng cắt, gom lại, thuê xe công nông (trước đây là xe độ) chở về. Một chuyến, riêng công chở nguyên liệu đã chừng 1 - 1,5 triệu đồng, tuy giá tiền hơi cao, nhưng bù lại là mang về được lượng tranh đáng kể.

Chuẩn bị lợp tranh trên tầng cao nhất của mái
Mái nhà Rông đang dần hoàn thiện

Nhà Rông mới của làng Kon Tum Knâm rộng hơn nhà rông cũ, với chiều dài 17m, cao 12m, nằm trên khuôn đất rộng rãi chừng 2.000m2. Phía trước nhà Rông có khoảnh sân rộng làm nơi biểu diễn cồng chiêng khi làng có lễ hội. Mỗi ngày có từ 30 - 50 người trong làng luân phiên nhau làm nhà. Bà con dân làng cố gắng để nhà Rông của làng có thể hoàn thành sớm. Tuy nhiên những ngày vừa qua trời có nhiều ngày mưa giông ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Thế nên người làng tranh thủ những ngày nắng ráo đều tập trung lại với việc của làng.

“Người làng lấy dây thừng làm thước đo. Dân mình làm nhà sàn ở quen rồi, cứ thế mà làm tuần tự thôi, dựng cột, đóng khung, đặt đà, lợp mái. Mà khó nhất là đặt đà ngang, nhìn không tinh là sẽ làm nhà bị méo mó. Chúng tôi nhiều lần phải cùng nhau đứng xem và chỉnh sửa mới được như thế này!”, già làng A Hyech cho biết thêm.

Nhà Rông mới vẫn mang đậm dáng dấp của nhà Rông truyền thống
Nhà Rông mới vẫn mang đậm dáng dấp của nhà Rông truyền thống

Xưa nguyên liệu chính dựng cột nhà Rông bằng gỗ, nhưng hiện tại để bảo vệ rừng, nên người làng thống nhất sử dụng các nguyên liệu khác, chủ yếu là bê tông và dùng thép cây để làm những trụ chính, tuy nhiên nhà Rông mới vẫn mang đậm dáng dấp của nhà Rông truyền thống.

Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố của xã hội, nhà Rông ở Kon Tum nói riêng, các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung vẫn luôn là biểu tượng đẹp về sự trường tồn của cộng đồng buôn làng, là nơi đào tạo và giáo dục thế hệ kế thừa của dân làng, nơi phát huy truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo dân gian của người dân bản địa, trở thành biểu trưng của các tộc người Tây Nguyên. Để làm thành công nhà Rông này là nhờ sự đoàn kết, cùng nhau chung sức, đồng lòng của dân làng. Hy vọng sau này, thế hệ trẻ vẫn tích cực bảo tồn nhà Rông của làng, giữ gìn hồn cốt dân tộc trên mảnh đất đại ngàn này.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.