Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thương nhớ nhà Rông

Minh Thu - 21:43, 28/01/2020

Nhà Rông là “trái tim” của buôn làng Tây Nguyên, nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của đồng bào. Thiếu nhà Rông hay nhà Rông bị “cách tân” quá mức đều tạo ra sự hụt hẫng cho đồng bào, nhất là khi Tết đến Xuân về.

Nhà Rông là nơi diễn ra nhiều hoạt động mang tính cộng đồng
Nhà Rông là nơi diễn ra nhiều hoạt động mang tính cộng đồng

Nhà Rông là “trái tim” của buôn làng Tây Nguyên, nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của đồng bào. Thiếu nhà Rông hay nhà Rông bị “cách tân” quá mức đều tạo ra sự hụt hẫng cho đồng bào, nhất là khi Tết đến Xuân về.

1 Đã qua 4 mùa con ong đi lấy mật, nhà Rông làng Kon Dơ Xing, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) vẫn vững chãi chở che đời sống tinh thần của dân làng. Xây dựng lại cuối năm 2015, nhà Rông làng Kon Dơ Xing được thiết kế như nguyên mẫu, nguyên vật liệu cũng không bị lai tạp.

Già làng A Winh bảo, sau những cơn bão xảy ra liên tiếp vào cuối năm 2014, nhà Rông của làng bị tốc mái, hư hỏng, không sử dụng được. Thiếu nhà Rông, dân làng hụt hẫng, mùa lễ hội năm ấy cũng kém vui.

“Sau mùa lễ hội ấy, bà con bảo nhau là nhớ nhà Rông lắm, phải làm lại nhà Rông thôi!”, già A Winh kể.

Thế rồi, đàn ông được cử lên rừng chặt cây làm trụ; chặt tre, lồ ô, nứa làm vách, sàn; đàn bà đi cắt tranh để lợp mái… sau gần một năm, dân làng Kon Dơ Xing mới có đủ vật liệu để làm lại nhà Rông. 

Rồi phải mất hơn hai tháng, cả làng chung tay, mỗi người một việc, đến cuối năm 2015 thì nhà Rông mới được đưa vào sử dụng. Theo già làng A Winh, tính thời gian từ lúc chuẩn bị vật liệu đến lúc dựng nhà mất khoảng 8 nghìn ngày công, tính ra tiền thì cũng ngót 300 triệu đồng. 

“Vất vả nhưng dân làng ai cũng ưng cái bụng lắm. Vì nhà Rông giữ được hồn cốt cũ khi được làm hoàn toàn giống với nguyên mẫu, không hề bị lai tạp bởi các vật liệu hiện đại”, già làng A Winh hào hứng khoe.

2 Trong quan niệm của đồng bào Tà Rẻ (một nhánh của dân tộc Xơ-đăng) ở Kon Tum, nhà Rông là không gian linh thiêng nhất buôn làng, nơi thần linh trú ngụ mà nếu không có nhà Rông thì không thể gọi là làng được. Vì vậy, dù gian khổ đến mấy đồng bào Tà Rẻ cũng phải dựng được nhà Rông làm nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của buôn làng.

Làng Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei, nơi dân cư chủ yếu là đồng bào Tà Rẻ, trải qua một thời gian khá dài thương nhớ nhà Rông của làng. Năm 2009, một cơn bão quét qua đã làm nhà Rông hư hỏng, dột nát nhưng dân làng không có điều kiện sửa chữa hay làm mới. 

Già A Cố ở làng Xốp Dùi bảo, không có nhà Rông, các ngày lễ của làng đều phải mượn sân trường học để tổ chức, không khí tẻ nhạt, ăn uống xong ai về nhà nấy, không có bếp lửa hồng, vắng những đêm xoang rộn rã. 

Thương nhớ nhà Rông, giữa năm 2017, người dân Xốp Dùi chuẩn bị nguyên vật liệu dựng lại nhà Rông. Và rồi, một nhà Rông được thiết kế theo truyền thống của người Tà Rẻ, dài 12m, rộng 7m, cao 12m, có 7 cột chính, và 28 cột phụ được dựng lên trước khuôn viên rộng, thoáng. Ngôi nhà sử dụng toàn bộ vật liệu truyền thống như cột gỗ, cỏ tranh, tre, nứa, dây mây... Tất cả dân làng đều góp tay vào làm. 

“Làm nhà Rông không thể tính toán được giá trị vật chất, vì để dựng nhà Rông, toàn thể dân làng đều góp công, góp sức cả. Từ người già đến trẻ em, ai cũng tự thấy phần trách nhiệm của mình trong đó và tự giác thực hiện”, già làng A Cố tự hào.

Nhà Rông truyền thống của người Tà Rẻ ở thôn Xốp Bùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei
Nhà Rông truyền thống của người Tà Rẻ ở thôn Xốp Bùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei

3 Cũng như làng Xốp Dùi ở xã xã Xốp hay làng Kon Dơ Xing của xã Đăk Tờ Re, nhà Rông của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn hiện hữu trong tâm thức của đồng bào. Tiếc thay, theo thời gian, cũng như những nét văn hóa khác du nhập, nhà Rông truyền thống ở nhiều buôn làng đồng bào DTTS đã và đang đối mặt với nguy cơ mai một do tình trạng “bê tông hóa, tôn hóa”.

Ngồi trên bậc nhà Rông mới của thôn Răk, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy (Kon Tum), đôi mắt buồn man mác, già làng A Dót tiếc nuối: Năm 2011, khi di dời, đền bù để xây dựng công trình thủy điện Ya Ly, chủ đầu từ đã “bê tông hóa” nhà Rông của làng, dân làng không ưng cái bụng, bởi như vậy nhà Rông - nơi sinh hoạt cộng đồng của dân làng thiếu đi “cái hồn”.

Già A Dót bảo, dưới mái nhà Rông khung bê tông với mái tôn đỏ thẫm, tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang xoay quanh ánh lửa bập bùng trong các lễ hội như lạc điệu. Nhà Rông bị bê tông hóa, người dân trong làng không còn gần gũi nhà Rông như xưa... 

“Dân làng nhớ lắm nhà Rông bằng gỗ, bằng tranh, nhớ những bản trường ca về những anh hùng, về sự sống trên trái đất này. Nhớ những đứa trẻ được theo ông bà, cha mẹ đến những buổi hội làng, trò chuyện, ca hát, chơi đùa…”, già làng A Dót trầm ngâm, mắt nhìn xa xăm hướng vào đại ngàn sâu thẳm.

Ở Tây Nguyên, mỗi cộng đồng DTTS có kiểu làm nhà Rông khác nhau. Kích thước nhà Rông nhỏ và thấp nhất là của người Giẻ-triêng; nhà Rông của người Xơ-đăng cao vút; nhà Rông của người Jrai có mái mảnh, dẹt như lưỡi rìu; nhà Rông của người Ba Na to hơn nhà Rông của đồng bào Jrai, có đường nét mềm mại và thường có các nhà sàn xung quanh.

Tin cùng chuyên mục
Âm vọng đại ngàn của người Chu Ru luôn vang lên rộn rã…

Âm vọng đại ngàn của người Chu Ru luôn vang lên rộn rã…

Đã có những năm tháng, âm nhạc dân gian và những vũ điệu Tamya Arya, Dăm Dar của người Chu Ru vắng bóng trong các buôn làng. Nhưng hôm nay đã khác, mỗi khi buôn làng mở hội hay đón khách quý, âm vọng đại ngàn của người Chu Ru lại vang lên rộn rã...