Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Làng Mô Bành 2 vươn lên sau lũ dữ

Ngọc Chí - 19:56, 07/11/2024

Nhìn phong cảnh yên bình hôm nay, ít ai biết rằng đồng bào Xơ Đăng ở làng Mô Bành 2, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum từng trải qua một quá khứ đau buồn. Cả ngôi làng đã bị cơn lũ dữ năm 2009 cuốn trôi tất cả và đã có nhiều người ra đi mãi mãi. Nhưng, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào Xơ Đăng nơi đây, làng Mô Bành 2 đã dần hồi sinh ở vùng đất mới.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, giúp đồng bào Xơ Đăng ở làng Mô Bành 2 thuận tiện trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, giúp đồng bào Xơ Đăng ở làng Mô Bành 2 thuận tiện trong phát triển kinh tế - xã hội

Trong ký ức của ông A Mảnh, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng làng Mô Bành 2, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông thì trước đây làng Mô Bành 2 là một trong những ngôi làng có điều kiện kinh tế phát triển nhất của xã Đăk Na. Cả làng có hơn 50 hộ đồng bào Xơ Đăng sinh sống dọc theo con suối Đăk Na, đất đai phì nhiêu nên việc sản xuất của người dân rất thuận lợi. Thế nhưng, trận lũ lịch sử vào sáng ngày 29/9/2009 đã cuốn trôi tất cả.

Ông A Mảnh nhớ lại: Thời điểm năm 2009, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 nên trên địa bàn xã có mưa lớn nhiều ngày. Đến khoảng 6h sáng ngày 29/9 thì dân làng nghe những tiếng nổ lớn trên các ngọn đồi trước làng, sau đó nước và đất, đá bắt đầu đổ xuống. Dân làng hô hào và cùng nhau tháo chạy lên những ngọn đồi cao phía sau làng, chỉ trong phút chốc cả ngôi làng đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Đã có 8 người chết do bị lũ cuốn trôi. Bao nhiêu của cải, tài sản của hơn 50 hộ dân phút chốc đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Họ chỉ còn lại hai bàn tay trắng.

Để ổn định đời sống của hơn 50 hộ dân làng Mô Bành 2, năm 2010, huyện Tu Mơ Rông đã đầu tư xây dựng khu tái định cư (TĐC) mới, mỗi hộ dân được cấp 1 lô đất ở và hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà. Cùng với đó, các hộ dân còn được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất. Với tinh thần chịu khó, cuộc sống của người dân ở làng Mô Bành 2 đã dần ổn định.

Gia đình anh A Nếp (ngoài cùng bên trái) đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc phát triển cây cao su.
Gia đình anh A Nếp (ngoài cùng bên trái) đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc phát triển cây cao su

Điển hình như gia đình anh A Nếp, trong cơn bão số 9 năm 2009, căn nhà trị giá gần 200 triệu đồng và nhiều tài sản giá trị đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Về nơi TĐC với hai bàn tay trắng, gia đình anh đã nỗ lực lao động và thành công với mô hình trồng cây công nghiệp.

Anh A Nếp chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của vợ chồng, đến thời điểm hiện tại, gia đình có 3ha cao su đã cho thu hoạch, 8 sào cà phê, hơn 4ha sắn, hơn 7ha rừng. Thu nhập một năm sau khi trừ chi phí cũng được hơn 400 triệu đồng. Có nguồn thu nhập ổn định, năm 2020, gia đình đã xây dựng lại căn nhà mới trị giá hơn 300 triệu đồng và chăm lo cho hai con được đi học đầy đủ.

Đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: Cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh và phát triển chăn nuôi trâu, bò. Hiện, người dân trong làng đã trồng gần 30ha cao su, 17ha cà phê, hơn 50ha sắn và rất nhiều hộ đã đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hiện nay.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và tinh thần vượt khó, nhiều hộ đồng bào Xơ Đăng ở làng Mô Bành 2 đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước và tinh thần vượt khó, nhiều hộ đồng bào Xơ Đăng ở làng Mô Bành 2 đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu

Đặc biệt, với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), UBND xã Đăk Na đã đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên các trục đường chính của làng, hỗ trợ người dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị và hỗ trợ trồng rừng. Qua đó, tiếp thêm động lực để người dân nơi đây vươn lên xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.

Ông A Phan, làng Mô Bành 2 chia sẻ: Năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ trồng hơn 1ha rừng bạch đàn. Tôi thấy việc trồng rừng sẽ góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sống và gia đình có được nguồn thu nhập sau này.

Trong 15 năm qua, với sự hỗ trợ về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng bào Xơ Đăng ở làng Mô Bành 2 đã quyết tâm vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới ổn định hơn. Đến nay, làng Mô Bành 2 đã phát triển lên 120 hộ, với hơn 370 nhân khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết: Trong thời gian qua, xã luôn quan tâm đầu tư, hỗ trợ để Nhân dân ở làng Mô Bành 2 vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no. Cụ thể, từ nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719, xã đã tập trung hỗ trợ về cây, con giống để Nhân dân phát triển kinh tế; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng của thôn. Đến nay, Nhân dân thôn Mô Bành 2 đã ổn định đời sống và có bước phát triển rõ nét về kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ khá chiếm khoảng 30% và hộ nghèo giảm còn 48 hộ.

Chia tay dân làng Mô Bành 2 với những cái bắt tay thật chặt và những ánh mắt kiên cường, thể hiện được ý chí và nghị lực vươn lên, chúng tôi tin rằng, một ngày không xa, làng Mô Bành 2 sẽ trở nên trù phú, dân làng có cuộc sống ấm no và sung túc hơn. 

Tin cùng chuyên mục
Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Từ một vùng đất nghèo khó, huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) hôm nay đang vươn lên mạnh mẽ. Những ngôi nhà tạm đang được thay thế bằng nhà xây kiên cố; những ngôi trường khang trang tiếp bước học sinh đến trường; đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo được hỗ trợ sinh kế để vươn lên thoát nghèo; diện mạo thôn, làng vùng đồng bào DTTS đang từng ngày khởi sắc… Đó là kết quả từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Sa Thầy trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).