Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Lạng Sơn: Đẩy lùi tập tục lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS

Thiên An – Mỹ Dung - 10:15, 02/06/2022

Thời gian gần đây, bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc riêng, Lạng Sơn cũng đang từng bước đẩy lùi, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong việc cưới, việc tang của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Thầy Tào chủ trì đám tang của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn
Thầy Tào chủ trì đám tang của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn

Trong một chuyến công tác tại Lạng Sơn, chúng tôi đã đến xã Hải Yến - một xã vùng cao của huyện Cao Lộc, nơi có hơn 400 hộ với khoảng 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là người Tày, Nùng sinh sống. Trò chuyện với bà con nơi đây được biết, trước kia đám cưới của các gia đình nghèo hay khá, giầu thì cũng kéo dài nhiều ngày và tổ chức linh đình, vô cùng tốn kém. 

Nơi đây còn có tục thách cưới. Bà con quan niệm, thách cưới càng cao thì hạnh phúc càng bền chặt. Tục “thách cưới” đã được quy ra bằng tiền, bằng thịt lợn, bằng bạc, bằng rượu. Chính vì vậy, không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất sau khi lo liệu hoàn tất lễ cưới. 

 Trước thực tế này,  tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác xây dựng nếp sống văn hóa nói chung, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. 

Anh Long Văn Mịch, Trưởng thôn Tồng Liền, xã Hải Yến cho biết: Qua công tác vận động tuyên truyền, lệ “thách cưới” vẫn còn, nhưng không nặng nề như xưa mà chỉ giữ lại phong tục truyền thống. Ví dụ như trước kia đám cưới kéo dài 1 tuần, nay chỉ diễn ra trong một ngày. Khách đi ăn cưới thường hay gom đồ, gói đồ ăn mang về nhà, nhưng sau khi được Chi hội Phụ nữ vận động, bà con chỉ đi ăn cưới không còn cảnh đùm gói quà mang về như trước kia nên các gia đình cũng đỡ tốn kém tiền bạc hơn.

Không chỉ trong tục cưới xin mà ngay cả đám tang theo phong tục xưa cũng rất nặng nề. Theo đó, người chết phải đợi thầy tào thực hiện các nghi lễ, xem ngày giờ tốt mới đem đi chôn cất, có khi hết cả một tuần. Đến nay, các thủ tục đã bớt đi rất nhiều, nhiều nghi  thức được rút gọn, mà vẫn giữ được những yếu tổ tâm linh phong tục đặc trưng cần thiết.

Ông Nông Đại Mịch, 81 tuổi, một trong những người đã chứng kiến nhiều đổi thay ở vùng đất này chia sẻ: “Bây giờ tiến bộ nhiều hơn rồi, các thủ tục đám cưới hay tang lễ cũng gọn gàng hơn. Điều này đỡ đi phần nào công sức của người thân trong gia đình, rồi thì mọi người xung quanh, hàng xóm láng giềng, không tốn sức, hao của như trước nữa”.

Cô dâu rót nước, mời trầu bố, mẹ chồng và những người có tuổi trong họ vẫn là một nét đẹp được duy trì trong lễ cưới của đồng bào Nùng ở Lạng Sơn
Cô dâu rót nước, mời trầu bố, mẹ chồng và những người có tuổi trong họ vẫn là một nét đẹp được duy trì trong lễ cưới của đồng bào Nùng ở Lạng Sơn

Để có được sự thay đổi trên là sự vào cuộc tuyên truyền, vận động bền bỉ của cán bộ, chính quyền từ thôn, xã đến huyện, với phương châm “mưa dầm thấm lâu” trong việc làm thông tư tưởng, cách nghĩ ngàn đời của đồng bào DTTS trên địa bàn trong việc đẩy lùi những hủ tục lạc lậu, gây tốn kém cho gia đình, chấp hành những quy định nếp sống văn hóa mới.

Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Không chỉ có cán bộ văn hóa thực hiện, mà còn thông qua những Người có uy tín, các tổ chức để tuyên truyền vận động, phải gần gũi với Nhân dân, hiểu Nhân dân để thì mới có thể đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường biểu dương, nhân rộng các mô hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt…tạo suy nghĩ, lối sống văn minh cho người dân.

Không chỉ riêng huyện Cao Lộc, nhiều nghi lễ của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn những năm qua, đã có sự chuyển biến rõ rệt, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Tập tục, thói quen không dễ thay đổi một sớm một chiều. Nhưng việc bài trừ những hủ tục lạc hậu, sẽ là tiền đề thuận lợi để đồng bào DTTS ở Lạng Sơn có thể vững bước xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn./.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.